Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 11 năm 2024,
Giáo sư Võ Văn Tới và “món nợ” với đất nước
Hồng Phúc - 02/05/2019 09:13
 
Khi công việc và sự nghiệp tại Mỹ đang ở đỉnh cao, GS. Võ Văn Tới quyết định trở về nước để phát triển ngành kỹ thuật y sinh, với ước nguyện “trả nợ” đất nước, món nợ mà ông đã “gói ghém” cẩn thận và chưa lúc nào ngừng nghĩ đến trong hành trình hơn 40 năm xa quê hương.
TIN LIÊN QUAN
Ở tuổi 70, GS. Võ Văn Tới vẫn đang nỗ lực nghiên cứu và cống hiến cho sự phát triển của đất nước.
Ở tuổi 70, GS. Võ Văn Tới vẫn đang nỗ lực nghiên cứu và cống hiến cho sự phát triển của đất nước.

Đặt nền móng cho ngành kỹ thuật y sinh

Cuộc sống thường nhật hiện tại của GS. Võ Văn Tới, người từng bất ngờ nhận được cuộc gọi từ Tổng thống Mỹ Gorge W-Bush và được bổ nhiệm vào vị trí thành viên HĐQT Quỹ Giáo dục Việt Nam (Vietnam Education Foundation - VEF) 15 năm trước, bắt đầu từ khoảng 4 giờ sáng. Sau đó ông làm việc, bơi vài vòng trước khi ăn sáng và được xe của Trường đại học Quốc tế (thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM) - nơi ông đặt nền móng cho bộ môn kỹ thuật y sinh - đón đến cơ quan làm việc.

“Nếu về nước mà không làm được gì, thì không biết ăn nói làm sao với người thân, với những người đặt kỳ vọng vào mình và với chính bản thân”, vị giáo sư 70 tuổi trải lòng.

Nhớ lại những ngày đầu trở về Việt Nam với mục tiêu phát triển ngành kỹ thuật y sinh, GS. Tới kể, nhiều đêm tỉnh giấc, ông vã mồ hôi hột vì không biết ngay mai sẽ phải làm gì. Nhưng không giây phút nào, trong đầu ông xuất hiện ý định từ bỏ. Một cách chân thành, ông nói, mình không có nhiều lý do để giải thích quyết định về nước, ngoại trừ lòng tự ái và xấu hổ khi thấy nhiều người ngoại quốc vào Việt Nam lập các hội từ thiện. “Thành thử, tôi nghĩ phải ráng làm gì cho bằng được. Là người Việt Nam, lại có kiến thức nhất định, thì không thể không đóng góp cho quê hương”, GS. Tới chia sẻ.

Sau 3 năm tham gia HĐQT VEF, GS. Võ Văn Tới được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành VEF và thường xuyên tổ chức những chuyến đi tìm hiểu, đánh giá ứng viên xin trợ cấp học bổng tại Việt Nam. Ông cũng từng làm trưởng đoàn gồm các giáo sư, chuyên viên và nhà khoa học Mỹ trong ngành kỹ thuật y sinh, đến thăm một số viện nghiên cứu, trường đại học tại Hà Nội, TP.HCM và Cần Thơ nhằm thẩm định những nhu cầu căn bản của ngành này tại Việt Nam.

Nhận thấy tiềm năng và cơ hội phát triển thành công ngành kỹ thuật y sinh tại Việt Nam, ông đề nghị sự giúp đỡ từ Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, cho phép đưa bộ môn này vào giảng dạy thử nghiệm tại Trường đại học Quốc tế.

GS. Tới cho biết, khi đó, nhiều người vẫn lầm tưởng kỹ thuật y sinh là nhóm ngành thuộc công nghệ sinh học (Bio Techonology), trong khi thực tế thì ngược lại, nghĩa là, công nghệ sinh học thuộc kỹ thuật y sinh (Biomedical engineering - BME). Nhưng, may mắn và cũng là điều rất quan trọng, từ Ban Giám hiệu Trường đại học Quốc tế đến giảng viên, sinh viên đều hồ hởi đón nhận thí điểm Dự án và hỗ trợ nhiệt tình. Thậm chí, nhiều giảng viên và sinh viên ngành khác còn ngỏ ý muốn chuyển qua kỹ thuật y sinh.

Nhưng khó khăn đầu tiên mà GS. Tới vấp phải khi triển khai bộ môn kỹ thuật y sinh là vấn đề thủ tục, bởi muốn tuyển sinh, phải có mã ngành, mà tìm trong các văn bản quy định đều không có. Khi đó, Đại học Quốc gia TP.HCM phải xin phép Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép thí điểm với mã ngành mới. Sau vài năm, mã ngành mới được đưa ra.

Văn bản bổ nhiệm GS. Võ Văn Tới vào vị trí Giám đốc điều hành Quỹ Giáo dục Việt Nam.
Văn bản bổ nhiệm GS. Võ Văn Tới vào vị trí Giám đốc điều hành Quỹ Giáo dục Việt Nam.

Cũng chính vì kỹ thuật y sinh quá mới ở Việt Nam, nên sau khi có mã ngành, GS. Tới phải trực tiếp tìm kiếm, đào tạo giảng viên và mời đội ngũ chuyên môn từ các trường đại học lớn trên thế giới đến thỉnh giảng trực tiếp hoặc trực tuyến.

Hơn một tháng trước, Bộ môn Kỹ thuật y sinh tại Trường đại học Quốc tế vừa kỷ niệm 10 năm thành lập. Phát biểu nhân dịp này, PGS. Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM khẳng định, GS. Võ Văn Tới là một trong những chuyên gia Việt kiều thành công nhất trong số những người trở về nước cho tới nay.

Còn với chính người trong cuộc, GS. Tới không muốn nhắc nhiều về mình. Ông hài lòng khi ngày càng nhiều trường trên cả nước đã đưa kỹ thuật y sinh vào danh sách nhóm ngành tuyển sinh. Ông vui mừng khi sinh viên dễ dàng tìm được việc khi ra trường cũng như giành được nhiều suất học bổng du học. Ông tự hào về đội ngũ 11 giảng viên có trình độ tiến sĩ, bác sĩ và dược sĩ, tốt nghiệp tại các trường đại học danh tiếng trên thế giới đã và đang chung tay xây dựng bộ môn.

Cùng với những “trái ngọt” ấy, ông càng tự hào hơn khi TS. Trần Hà Liên Phương, trong thời gian là giảng viên của Bộ môn Kỹ thuật y sinh, đã nhận được giải thưởng Nhà nghiên cứu khoa học nữ trẻ tài năng của thế giới từ Quỹ L’Oréal - UNESCO năm 2015. Tiếp theo, TS. Nguyễn Thị Hiệp, một giảng viên khác của Bộ môn cũng đạt giải thưởng này vào năm 2018. Đến nay, Việt Nam mới chỉ có 2 nhà khoa học nữ nói trên nhận được giải thưởng này.

Nhìn lại hành trình đã đi, GS. Tới chia sẻ, ông không bao giờ quên lần xin tài trợ từ một quỹ nghiên cứu khoa học của Mỹ để phát triển ngành kỹ thuật y sinh tại Việt Nam và bị từ chối. Họ cho rằng, đất nước còn nghèo thì nên phát triển công việc khác, thay vì nghiên cứu về kỹ thuật y sinh, một ngành còn quá mới mẻ ngay cả trên thế giới…

“10 năm qua, tất cả những gì tôi làm, đối với nhiều người là điên rồ, nhưng tôi thực sự hãnh diện, khi những giảng viên người Việt lần đầu đạt giải thưởng quốc tế về kỹ thuật y sinh. Thành quả với tôi không nhất thiết phải là đạt được điều gì cho cá nhân mình”, GS. Võ Văn Tới nói trong tâm thế của một người lao động vui vẻ mỗi ngày, được làm những việc mà ông đã ao ước từ lâu, điều mà ông không thể có được nếu tiếp tục công việc ở Mỹ.

“Tôi chỉ là một công dân của đất nước”

GS. Võ Văn Tới chia sẻ, ông hài lòng về nhiều thứ, hoặc có thể nói cách khác là không hối tiếc bất cứ điều gì sau một thập kỷ trở về Việt Nam. Nhưng ông hiểu rõ hơn ai hết, quỹ thời gian còn lại của bản thân không còn nhiều, vì vậy, ngay khi về nước (năm 2009) và thành lập Bộ môn Kỹ thuật y sinh, ông đã tìm “người kế nghiệp”.

...Có lẽ, khái niệm “nợ đất nước” với thế hệ trẻ sau này hơi khác thời xưa, thời mà chúng tôi
được dạy dỗ rằng, mình là con dân thì luôn có món nợ phải trả, phải cống hiến cho đất nước”, GS. Võ Văn Tới bộc bạch.

“Tôi chỉ là một công dân của đất nước, đang làm công việc để thỏa chí tang bồng. Nếu mình ra đi thì phải có người tốt hơn tiếp tục. Có lẽ, khái niệm “nợ đất nước” với thế hệ trẻ sau này hơi khác thời xưa, thời mà chúng tôi được dạy dỗ rằng, mình là con dân thì luôn có món nợ phải trả, phải cống hiến cho đất nước”, GS. Võ Văn Tới bộc bạch.

Với GS. Võ Văn Tới, “yêu nước” là nỗ lực hình thành và đào tạo thế hệ giảng viên, sinh viên năng động, có kiến thức, nhiều tham vọng và đóng góp được điều gì mới để xây dựng và phát triển đất nước. Ông cũng tin vào hai chữ “duyên - nợ” đã dẫn lối bước đường trở về quê hương sau 41 năm cách biệt.

Năm 1968, chàng trai mới ngoài 20 tuổi Võ Văn Tới đến xứ Thụy Sỹ giàu có, yên bình để du học. Trong hành trang, anh gói ghém cẩn thận “món nợ” quê hương như một bưu kiện gọn gàng, dù chưa mường tượng rõ, sẽ đền đáp, “trả nợ” bằng cách nào.

“Khi ấy, tôi chỉ muốn học cái gì đặc biệt mà sau này có thể mang về áp dụng tại Việt Nam. Cùng với ước muốn mông lung đó, tôi tự đeo trên vai “món nợ” với đất nước và quyết tâm sẽ có một ngày trở về”, GS. Võ Văn Tới hồi tưởng.

Cảm giác chao đảo tinh thần lặp lại hai lần trong cuộc đời GS. Võ Văn Tới. Lần thứ nhất, ông chọn Thụy Sỹ trở thành điểm đến trong một chuyến đi của cuộc đời. Còn lần thứ hai, là khi ông quyết định từ bỏ cuộc sống ổn định, khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp tại Mỹ để trở về nước.

Hơn 15 năm sống tại Thụy Sỹ, trên 25 năm định cư ở Mỹ, GS. Võ Văn Tới chưa bao giờ thôi tự vấn: “Là người Việt Nam, tại sao mình lại sống bên đây?”. Trong tâm trí ông, năm 1968, dù đất nước chưa thống nhất, nhưng Sài Gòn đã rất phát triển và tình người là giá trị mà mỗi người Việt có thể tự hào, điều khó có thể tìm thấy ở những thành phố mà ông từng sống.

“Sau mỗi chuyến đi - về Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn giữ vai trò Giám đốc điều hành VEF, tôi luôn có cảm giác nhớ thương, thiếu thốn rất khó tả. Có thể, đó chính là vì hai tiếng nguồn cội”, vị giáo sư 70 tuổi trầm ngâm.

GS. Võ Văn Tới có bằng tiến sỹ ngành kỹ thuật chính xác (Micro-Engineering) tại Trường đại học Bách khoa Liên bang Lausanne (Thụy Sỹ), trước khi sang Mỹ nghiên cứu sau tiến sỹ trong Chương trình HST Health Sciences and Technology được kết hợp giữa Đại học Harvard và Học viện Kỹ thuật Massachusetts (MIT) ở Mỹ.

Sau đó, ông trở thành giáo sư giảng dạy tại Trường đại học Tufts (Mỹ) và mất 15 năm để được thông qua đề nghị thành lập Bộ môn Kỹ thuật y sinh tại Tufts.

GS. Võ Văn Tới được Trường đại học Tufts trao giải “Giáo sư giỏi nhất” vào năm 2004.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư