Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Giao thông Việt Nam: “Đại lộ - Đại phú”
Anh Minh - 04/01/2021 08:31
 
Sẽ có cách tiếp cận mới cho các công trình hạ tầng mang tính đột phá để tạo ra sự thay đổi một cách căn bản diện mạo giao thông Việt Nam trong 5 - 10 năm tới.
.

Những người mở đường mới

Chỉ vài phút sau khi Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) ký Quyết định số 2306/QĐ-BGTVT ngày 16/12/2020 về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư Dự án thành phần Xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Nha Trang - Cam Lâm theo hình thức PPP, ông Nguyễn Sơn Hải, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hải đã đăng một trạng thái (status) ngắn trên Diễn đàn Otofun.

“Xin cảm ơn mọi người đã tin tưởng. Sẽ cố gắng làm thật tốt để giúp các anh, các chị mượt chân ga. Vẫn sẽ bảo hành 5 năm như thông lệ của tập đoàn”, ông Hải viết.

Chưa đầy nửa giờ, status này đã nhận được hàng ngàn like và lời chúc mừng từ cộng đồng Otofun, phần lớn đến từ những người chưa từng gặp mặt ông Hải, nhưng đã có dịp trải nghiệm tại những con đường “mượt mà, được bảo hành 5 năm” do Tập đoàn Sơn Hải thi công trên khắp cả nước.

Không chỉ những người bạn của ông Hải mừng vì sự kiện lần đầu tiên một doanh nghiệp tư nhân có trụ sở tại tỉnh nghèo Quảng Bình được tín nhiệm giao là nhà đầu tư một trong những dự án thành phần lớn, quan trọng nhất tại Dự án Xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, mà ngay cả cơ quan quản lý cũng như cất được gánh nặng.

“Việc dự án thành phần đầu tiên triển khai theo hình thức PPP tại Dự án Xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 xác định được nhà đầu tư chính là tín hiệu tích cực minh chứng cho chủ trương xã hội hóa đầu tư của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực hạ tầng là đúng hướng, đồng thời cho thấy sức vươn lên mạnh mẽ của các nhà thầu nội”, ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Bộ GTVT) chia sẻ.

Quan điểm xuyên suốt của Bộ GTVT khi xây dựng kế hoạch, mục tiêu đến năm 2025 là phải xác định rõ Dự án tạo ra “đột phá”, thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của vùng, quốc gia; đầu tư có “tầm nhìn” trong

mỗi kỳ trung hạn và phải chuẩn bị danh mục cho tầm nhìn dài hạn.

Theo lãnh đạo Vụ Đối tác công tư, việc Sơn Hải được chọn là hoàn toàn xứng đáng, bởi đây là một trong những đơn vị xây dựng hạ tầng giao thông lớn, làm ăn tử tế bậc nhất Việt Nam hiện nay.

Được thành lập từ năm 1998 tại Quảng Bình, nhưng Sơn Hải chỉ được biết đến khi tham gia Dự án mở rộng Quốc lộ 1 qua Quảng Bình trong giai đoạn 2012 - 2014. Nhà thầu tư nhân này đã mạnh dạn treo biển “Bảo hành công trình 5 năm” - gấp đôi so với yêu cầu của hợp đồng tại tất cả các dự án mà đơn vị này thực hiện trên phạm vi cả nước. Trong khi phần lớn mặt đường bê tông nhựa đoạn tuyến Quốc lộ 1 bị hằn vệt bánh xe như ruộng cày, thì các tuyến đường do Sơn Hải thi công vẫn đảm bảo chất lượng.

Nhờ được đánh giá “người thực, việc thực”, thi công đảm bảo chất lượng, nhà thầu này sau đó đã được các chủ đầu tư trao nhiều gói thầu giao thông quy mô lớn, trước khi tham gia góp vốn đầu tư vào Dự án Xây dựng đường cao tốc La Sơn - Túy Loan theo hình thức BT trị giá 10.000 tỷ đồng.

Trên thực tế, trong 10 năm qua, cùng với việc xây dựng hơn 1.074 km đường cao tốc; hoàn thành mở rộng Quốc lộ 1 từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau lên 4 làn xe; mở rộng đường Hồ Chí Minh; hoàn thành luồng và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, cảng Lạch Huyện; nâng cấp và xây dựng mới nhiều cảng hàng không…, sự xuất hiện và vươn lên của các nhà thầu tư nhân trở thành các nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng là một trong những điểm sáng rất đáng ghi nhận của ngành GTVT.

“Sau thế hệ của các Cienco trong vai trò khôi phục, nâng cấp tuyến đường, cây cầu, sân bay trong giai đoạn đất nước bước vào thời kỳ Đổi mới, thì những nhà đầu tư tư nhân mới như Đèo Cả, Sơn Hải, Phương Thành…; hay các tổng công ty đại chúng có xuất thân từ doanh nghiệp nhà nước như Cienco4, Vinaconex... chính là những lớp người tiếp nối xây dựng các công trình hạ tầng lớn, mở những đại lộ giúp đất nước phú cường”, ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình đường bộ nhận xét.

Khát vọng “làm lớn”

Không phải ngẫu nhiên mà cụm từ “đại lộ - đại phú” nhiều lần được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề cập khi phát lệnh khởi công triển khai 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông sử dụng vốn đầu tư công vào cuối tháng 9/2020.

Những tác động, hiệu ứng rất tích cực từ hàng loạt tuyến cao tốc đã được đưa vào khai thác như: Hà Nội - Hải Phòng, Vân Đồn - Hạ Long; Bắc Giang - Lạng Sơn; TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây… tới hoạt động kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư của các địa phương dọc các tuyến cao tốc đã khẳng định việc Đảng, Nhà nước coi phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là một trong ba mũi đột phá chiến lược, có vai trò đi trước mở đường là hoàn toàn chính xác.

Tuy nhiên, dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, nhưng đến thời điểm này, do hạn chế trong cân đối, huy động nguồn lực, nên một số nhiệm vụ, mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 13-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 chưa thể hoàn thành theo yêu cầu.

Trong lĩnh vực đường bộ, tính đến hết năm 2020, cả nước mới đưa vào khai thác khoảng 1.163 km đường bộ cao tốc so với yêu cầu 2.000 km. Trên trục Bắc - Nam, dù đã ưu tiên dồn nhiều nguồn lực, nhưng hiện ngành GTVT mới chỉ xây dựng, đưa vào khai thác 682 km và đang triển khai xây dựng 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài 654 km.

Trong lĩnh vực đường sắt, ngoài việc chưa nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam, công tác chuẩn bị đầu tư cho tuyến đường sắt tốc độ cao diễn ra rất chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong lĩnh vực hàng không, ngoài việc mới hoàn tất quá trình chuẩn bị đầu tư sân bay Long Thành, các cơ quan chức năng vẫn chưa đưa được sân bay Nội Bài trở thành cảng cửa ngõ quốc tế của miền Bắc.

“Sự chậm trễ này khiến giao thông vẫn đang là ‘điểm nghẽn’ của nền kinh tế, chưa có sự bứt phá đủ lớn, làm thay đổi diện mạo và chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông nước nhà”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá.

Trong những kiến nghị về việc xây dựng các kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được gửi tới Bộ GTVT và các cơ quan chức năng, cao tốc chính là công trình được đề xuất đầu tư nhiều nhất nhằm “tạo động lực” cho các địa phương cải thiện hạ tầng, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế.

Bản thân ngành GTVT cũng nhận thức rất rõ những hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW và quyết tâm thể hiện khát vọng rất lớn trong Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Theo ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GTVT, quan điểm xuyên suốt của Bộ GTVT khi xây dựng kế hoạch, mục tiêu đến năm 2025 là phải xác định rõ dự án tạo ra “đột phá”, thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của vùng, quốc gia; đầu tư có “tầm nhìn” trong mỗi kỳ trung hạn và phải chuẩn bị danh mục cho tầm nhìn dài hạn. Cho đến thời điểm này, diện mạo hạ tầng giao thông trong 5 - 10 năm tới với kế hoạch đầu tư những dự án hạ tầng giao thông lớn đã được định hình tương đối rõ nét.

“Trong 5 năm tới, Bộ GTVT sẽ ưu tiên tập trung nguồn lực cho 2 công trình đột phá là nối thông toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn tới Cần Thơ với chiều dài khoảng 1.301 km và hoàn thành giai đoạn I - Cảng hàng không quốc tế Long Thành”, ông Thể thông tin.

Cũng trong giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT sẽ dồn nguồn lực để chuẩn bị đầu tư cho các công trình đột phá kỳ trung hạn 2026 - 2030, gồm: đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với 2 đoạn ưu tiên là Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang; 1.000 km đường cao tốc kết nối với các trung tâm kinh tế lớn để giúp Việt Nam có 5.000 km cao tốc vào năm 2030; sân bay Long Thành giai đoạn 2 và đường cất hạ cánh số 3, nhà ga T3 sân bay Nội Bài.

Quyết tâm của Bộ GTVT là rất lớn khi xác định sẽ cân nhắc dùng vốn ngân sách dự kiến bố trí cho kế hoạch 2021 - 2025 để đầu tư dứt điểm, sau đó sẽ bán quyền thu phí hoặc tự tổ chức thu phí để thu hồi vốn đầu tư. Tuy nhiên, việc xã hội hóa đầu tư vẫn sẽ là ưu tiên số 1.

Trong bối cảnh nguồn ngân sách dự kiến bố trí cho ngành GTVT trong 5 năm tới chỉ khoảng 300.000 tỷ đồng, chỉ đáp ứng được 1/4 nhu cầu, đây có thể coi là quyết tâm rất lớn, bởi khi ưu tiên nguồn vốn để tập trung đầu tư cho các dự án động lực, đột phá, thì sẽ không còn khả năng cân đối cho các dự án khác.

Theo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, do nguồn lực có hạn, để hoàn thành mục tiêu cả nước có 5.000 km đường cao tốc vào năm 2030; hoàn thành một số tuyến metro quan trọng tại Hà Nội, TP.HCM, Bộ GTVT cần có giải pháp để khơi thông, giải phóng nguồn lực xã hội.

“Phải hoàn thiện pháp luật về đầu tư theo theo phương thức đối tác công tư (PPP) để tháo gỡ khó khăn nhằm huy động các nguồn lực, để người đầu tư cảm thấy an toàn. Bây giờ, các tổ chức tín dụng thấy không hiệu quả, rủi ro cao, nên không vào cuộc, khiến các dự án PPP thất bại. Nếu chúng ta thất bại trong việc thu hút đầu tư giao thông theo hình thức PPP, thì chắc chắn không thể thực hiện mục tiêu phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng theo chiến lược được”, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo.

Đồng thời, Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh, sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước vào các dự án lớn là chìa khóa để khát vọng nâng tầm cho giao thông nước nhà trở thành hiện thực

Cần phải nói thêm rằng, quan điểm “làm lớn” và tầm nhìn dài hạn trong phát triển hạ tầng từng nhận được sự đồng thuận rất cao của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trong cuộc làm việc với Bộ GTVT về định hướng xây dựng Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 trong lĩnh vực GTVT được tổ chức hồi cuối tháng 8/2020.

“Để có thể phát triển đột phá trong giai đoạn tới, cần có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược. Đây là cơ sở để chúng ta chọn được con đường đi đúng nhất, ngắn nhất để tăng tốc phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định. Bộ trưởng cho rằng, ngành GTVT phải có khát vọng “làm lớn”, trong đó, trong 5 năm tới cần lựa chọn và ưu tiên dành nguồn lực để đầu tư dứt điểm những dự án hạ tầng có tính đột phá và sức lan tỏa cao cho cả nền kinh tế.

Chuyển Dự án BOT đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ thành dự án đầu tư công
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ kết nối với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai sử dụng vốn đầu tư công sẽ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư