Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Nghiên cứu thêm phương án tuyến mới cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau
Anh Minh - 31/12/2020 14:07
 
Đơn vị được giao chuẩn bị Dự án xây dựng đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau sẽ phải nghiên cứu thêm phương án tuyến chạy song song và cách Quốc lộ 1 từ 5 – 7 km.
Phương án tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. (Ảnh: Bộ GTVT).
Phương án tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. (Ảnh: Bộ GTVT).

Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại  tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư tuyến đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau được tổ chức hôm 11/12.

Theo Thông báo số 596/TB – BGTVT vừa được phát hành hôm 29/12, Bộ trưởng Bộ GTVT đánh giá Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long đã có tính toán so sánh về giải pháp kỹ thuật, kinh phí giải phóng mặt bằng và tổng mức đầu tư giữa các phương án để đề xuất phương án đầu tư tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau. Tuy nhiên, các phương án đề xuất cách xa tuyến Quốc lộ 1A và các trung tâm đô thị trong khu vực (thành phố Sóc Trăng và thành phố Bạc Liêu), nên sẽ không phát huy được hiệu quả trong việc chia sẻ, giảm tải cho tuyến Quốc lộ 1A để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trong khu vực.

Để tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau có thể kết nối với các thành phố trong khu vực và các đầu mối giao thông quan trọng, giảm tải trên tuyến Quốc lộ 1A đặc biệt là cửa ngõ các đô thị lớn, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu Tổng công ty Cửu Long chỉ đạo đơn vị tư vấn nghiên cứu thêm phương án hướng tuyến mới chạy song song Quốc lộ 1A cách trung tâm thành phố Sóc Trăng và thành phố Bạc Liêu khoảng 5 - 7 km.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu Tổng công ty Cửu Long chỉ đạo tư vấn nghiên cứu so sánh chi tiết các phương án hướng tuyến nêu trên, kết hợp với hướng tuyến của tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng để xác định phạm vi, quy mô của đoạn tuyến đi trùng với tuyến Cần Thơ - Cà Mau, trên cơ sở tính toán đầy đủ về: Giải pháp kỹ thuật, phương án kết nối với Quốc lộ 1A và các đầu mối giao thông quan trọng cũng như kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng; có tính đến phân kỳ đầu tư về quy mô để so sánh lựa chọn phương án đảm bảo hiệu quả đầu tư về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh...

Theo báo cáo đầu kỳ của Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý Dự án hạ tầng giao thông Cửu Long chuẩn bị, tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau là một trong hai tuyến cao tốc trục dọc trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối vào hai tuyến cao tốc trục ngang, tạo kết nối qua hầu hết 13 tỉnh trong vùng, góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực, kết nối các trung tâm kinh tế, khu đô thị mới và đầu mối giao thông trên địa bàn các tỉnh, kết nối thành phố trung tâm vùng kinh tế trọng điểm khu vực với 5 tỉnh trong vùng. 

Số liệu dự báo nhu cầu vận tải đường bộ giai đoạn 2025-2030 trên hành lang Cần Thơ - Cà Mau khoảng 30.000 - 41.000 xe quy đổi/ngày đêm, nhưng với năng lực các quốc lộ hiện có chỉ có thể đáp ứng tối đa khoảng 27.800 - 30.600 xe. Do đó, việc xây dựng tuyến cao tốc này là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển trên hành lang vận tải Cần Thơ - Cà Mau. 

Báo cáo cũng cho biết, tuyến đường Cần Thơ - Cà Mau được thiết kế, thi công với tiêu chuẩn kỹ thuật cao, công nghệ hiện đại, sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng, tiết kiệm thời gian vận chuyển (thời gian sẽ giảm từ 2,5 giờ xuống còn 1,5 giờ)… 

Đơn vị tư vấn đưa ra 3 phương án. Phương án thứ nhất, tổng mức đầu tư dự án là 46.200 tỷ đồng, tổng chiều dài 141km, ưu điểm là tiết kiệm tài nguyên đất do diện tích giải phóng mặt bằng (GPMB) 750ha, thấp nhất trong 3 phương án do tận dụng được đường cũ; có cự ly kết nối đều vào các đô thị lớn (TP. Sóc Trăng 24km, TP. Bạc Liêu 25km, TP. Vị Thanh 35km…); dễ thu hút lưu lượng vào đường cao tốc; có nhiều kết nối vào đường hiện hữu nên thuận lợi để phân loại đầu tư, thi công thuận lợi. 

Phương án 2 có tổng mức đầu tư 61.000 tỷ đồng, chiều dài 138km, diện tích GPMB 900ha (lớn nhất); có cự ly kết nối khá đồng đều vào các đô thị lớn (TP. Sóc Trăng 24km, TP. Bạc Liêu 25km, TP. Vị thanh 35km…), dễ thu hút lưu lượng vào đường cao tốc, có nhiều kết nối vào đường hiện hữu nên thuận lợi đầu tư, giải pháp thi công thuận lợi. 

Phương án 3 có tổng mức đầu tư 57.000 tỷ đồng, dài 124km, diện tích GPMB 800ha; kết nối gần về phía TP. Vị Thanh (10km) nhưng cách TP. Sóc Trăng 41km và TP. Bạc Liêu 46km và các đô thị khác. Phương án này khó thu hút lưu lượng vào đường cao tốc hơn, hướng tuyến cũng có ít kết nối vào đường hiện hữu, cần xây dựng đường công vụ khi thi công. 

Đơn vị tư vấn đề nghị Bộ GTVT xem xét thống nhất chọn phương án 1; thống nhất lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án có điểm đầu tại điểm cuối cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ thuộc địa phận thị xã Bình Minh (Vĩnh Long), điểm cuối tại điểm giao với đường vành đai 3 TP. Cà Mau. Đồng thời phân chia dự án thành 3 dự án thành phần, gồm: cầu Cần Thơ 2 và đường dẫn, đoạn Cần Thơ – Bạc Liêu và đoạn Bạc Liêu – Cà Mau.

Kiến nghị Thủ tướng cho thông tuyến tạm thời cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dịp Tết Nguyên đán 2021
Bộ GTVT đánh giá, Dự án BOT đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cơ bản đáp ứng yêu cầu thông tuyến tạm trong dịp Tết Nguyên đán 2021 theo chỉ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư