Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Giật mình với hơn 2/3 số doanh nghiệp “không làm gì”
Quang Hà - 30/10/2014 15:39
 
Trong số khoảng 600.000 doanh nghiệp đăng ký, chỉ có 161.000 doanh nghiệp có đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Câu hỏi đặt ra là 2/3 số lượng doanh nghiệp đang làm gì mà không phát sinh lao động?
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Kinh tế 2014 thoát ám ảnh “vỡ kế hoạch”
Cần làm rõ bức tranh đời sống của nhân dân
Tự tin với kế hoạch phát triển kt-xh năm 2014

Góp ý với báo cáo kinh tế xã hội – xã hội năm 2014 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, đại biểu Lê Thị Nguyệt (tỉnh Vĩnh Phúc) nghi ngờ số doanh nghiệp thực tế đang hoạt động trong nền kinh tế đất nước.

Theo báo cáo của Chính phủ, trong 9 tháng đầu năm (số liệu thống kê đến ngày 20/9/2014), cả nước có khoảng 53,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký khoảng 320,35 nghìn tỷ đồng, giảm 8,7% về số doanh nghiệp nhưng tăng 13,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký bình quân/doanh nghiệp đạt 6,0 tỷ đồng, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2013. Số lao động dự kiến được tạo việc làm của các doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng đầu năm là 795,2 nghìn lao động, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước.

   
     

Đại biểu Lê Thị Nguyệt cho rằng, theo báo cáo tại Đại hội Đảng lần thứ XI năm 2010, nền kinh tế đã đạt con số 500.000 doanh nghiệp. Bất chấp tình hình kinh tế khó khăn, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tiếp tục tăng qua từng năm. Sau 4 năm, chúng ta hiện có khoảng 600.000 doanh nghiệp đăng ký.

Tuy nhiên, số liệu báo cáo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam năm 2013 thì chỉ có khoảng 161.000 doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động. So với số doanh nghiệp đăng ký thành lập là quá nhỏ, chưa đạt 1/3.

"Trong khi số lượng doanh nghiệp giải thể, tạm dừng hoạt động hàng năm là có thật. Như vậy, khoảng cách lớn giữa doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với doanh nghiệp giải thể không phản ánh được thực chất phát triển của doanh nghiệp. Tôi thấy nhiều năm báo cáo của Chính phủ không có số liệu về doanh nghiệp hoạt động trong từng năm", đại biểu Lê Thị Nguyệt nói.

Thứ 2, đại biểu Nguyệt còn băn khoăn: "Tôi không rõ có bao nhiêu doanh nghiệp hoạt động thì con số giải quyết việc làm mới cho 795,2 nghìn lao động là chưa có cơ sở xác đáng. Trong khi số lao động mất việc làm hoặc tạm ngừng hoạt động là có thật. Như vậy, báo cáo kết quả có gì chưa ổn, có phải là chạy theo thành tích không? Cần phải cân nhắc để có đánh giá sát thực để từ đó có những kế hoạch tiếp theo sát và phù hợp hơn".

Theo báo cáo của Chính phủ, 9 tháng đầu năm 2014, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, trong 9 tháng, có khoảng 48,33 nghìn doanh nghiệp (với tổng số vốn đăng ký là 408,15 nghìn tỷ đồng) gặp khó khăn buộc phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2013; bao gồm: 7,03 nghìn doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục giải thể; 8,44 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn (vốn đăng ký là 40,03 nghìn tỷ đồng) và 32,86 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc ngừng hoạt động mà không đăng ký.

Tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới và của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn bổ sung thêm vào nền kinh tế là 741,83 nghìn tỷ đồng (Bao gồm: Số vốn đăng ký của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 320,35 nghìn tỷ đồng và tổng số vốn đăng ký bổ sung của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn là 421,48 nghìn tỷ đồng).

Số doanh nghiệp trước đây gặp khó khăn, tạm ngừng hoạt động nay trở lại hoạt động khoảng 11,87 nghìn doanh nghiệp, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2013.

Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng chỉ ra rằng, số doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động vẫn lớn, bắt đầu đã có một số doanh nghiệp quy mô trung bình và lớn đến nay phải ngừng hoạt động, giải thể, phá sản sẽ tác động tiêu cực hơn tới vấn đề lao động, việc làm, thu ngân sách nhà nước, nợ xấu ngân hàng, tốc độ tăng trưởng kinh tế và làm gia tăng tội phạm kinh tế.

Theo nhiều đại biểu Quốc hội, hiện tại tiến độ cổ phần hóa diễn ra rất chậm, nhiều vấn đề liên quan đến tiền lương, bảo hiểm xã hội trong doanh nghiệp nhà nước đang gặp vướng mắc. Theo quy định của Luật Lao động năm 2013, các doanh nghiệp phải xây dựng thang bảng lương, định mức lao động làm cơ sở tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương ghi trong hợp đồng và trả cho người lao động. Luật có hiệu lực từ 1/5/2013 nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn không áp dụng, không thực hiện. Đề nghị Chính phủ có giải pháp quyết liệt để giúp đỡ đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Về tái cơ cấu nền kinh tế, trong tổng thể nền kinh tế đất nước được đóng góp từ nhiều thành phần thì kinh tế nhà nước hiện đóng góp khoảng 40%, còn lại là của thành phần kinh tế khác. Trong báo cáo của Chính phủ chỉ nêu tái cơ cấu đầu tư công doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng mà không đề cập đến tái cơ cấu kinh tế khu vực ngoài nhà nước. Đây là vấn đề cần làm rõ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước hay tái cơ cấu nền kinh tế nhà nước. Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn tiếp tục cập nhật ý kiến các đại biểu xung quanh vấn đề quan trọng này.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư