Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Giới đầu tư châu Á đang lo sợ điều gì?
Tư Thuần - 05/06/2023 16:24
 
Giới đầu tư toàn châu Á đang canh cánh trong lòng một số nỗi lo liên quan tới các rủi to tại thị trường tài chính trong năm nay.

Khảo sát 53 nhà kinh tế, chiến lược gia, nhà quản lý quỹ cho thấy, giới đầu tư châu Á đang có 5 mối lo lớn nhất liên quan tới tình trạng nợ công tại Trung Quốc, các khoản nợ liên quan tới bất động sản, nợ nước ngoài của các thị trường mới nổi…

Bong bóng nợ LGFV

Các chương trình huy động vốn của chính quyền địa phương (LGFV) Trung Quốc được đánh giá là rủi ro lớn nhất đối với giới đầu tư tại các thị trường tài chính châu Á hiện nay.

Từ giữa những năm 1990, chính quyền trung ương Trung Quốc đã đưa ra quy định về ngân sách nhằm ngăn chặn địa phương tạo ra những khoản nợ lớn. Để đối phó với quy định này, các chính quyền địa phương sử dụng LGFV để huy động vốn. Các LGFV đóng vai trò quan trọng trong việc mang lại nguồn tiền xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển thị trường bất động sản.

Theo S&P Global Ratings, tổng lượng nợ của các LGFV tại Trung Quốc đã đạt hơn 46 nghìn tỷ nhân dân tệ (6,5 nghìn tỷ USD) vào cuối năm 2022. 

Trong khi đó, khối lượng trái phiếu tại thị trường Trung Quốc đến hạn năm 2023 ở mức cao kỷ lục, đạt khoảng 4,3 nghìn tỷ USD.

Goldman Sachs Group Inc ước tính, tổng lượng nợ của chính quyền các địa phương Trung Quốc vào khoảng 23 nghìn tỷ USD. Con số này bao gồm cả các khoản nợ “ẩn” phía sau hàng loạt công ty tài chính được chính quyền các địa phương dựng lên.

Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc cho thấy sức bật sau đại dịch chưa được như kỳ vọng, cộng thêm sức nặng từ các nghĩa vụ tài chính đến hạn kể trên, dễ hiểu khi giới đầu tư cho rằng, khối nợ của các LGFV chính là rủi ro lớn nhất đối với thị trường châu Á nói riêng và thị trường toàn cầu nói chung.

Tổng lượng nợ của các LGFV tại Trung Quốc đã đạt hơn 46 nghìn tỷ nhân dân tệ

“Chúng tôi tin rằng, bất kỳ một động thái nào có phần cứng rắn từ Bắc Kinh đối với vấn đề nợ của chính quyền địa phương cũng có thể khiến các thị trường vốn trong cảnh dễ tổn thương trở nên vỡ vụn. Khả năng trả nợ của các LGFV ở mức yếu, phải phụ thuộc vào nguồn vốn mới để tồn tại. Theo đó, rủi ro vỡ nợ càng cao”, Carl Liu, nhà kinh tế tại KGI Securities chia sẻ.

Trái phiếu gắn với bất động sản

Trạng thái căng thẳng đang lan rộng ra thị trường bất động sản toàn cầu. Tuy nhiên, không khu vực nào trên thế giới cảm nhận rõ rệt mối đe doạ từ các khoản nợ gắn với bất động sản như tại châu Á.

Tại Trung Quốc, khủng hoảng nợ bất động sản đã khiến thị trường giao dịch các chứng khoán/trái phiếu bảo đảm bằng bất động sản gần như “đóng cửa” trong 18 tháng qua. Không có giao dịch nào được thực hiện đối với chứng khoán có tài sản đảm bảo là bất động sản kể từ tháng 2/2022 tới nay, quãng thời gian kỷ lục được ghi nhận trên thị trường. 

Tại Australia, thông điệp tăng lãi suất mạnh tay của ngân hàng trung ương đang tạo áp lực lên các loại tài sản rủi ro trên thị trường, trong đó có các loại trái phiếu/chứng khoán có tài sản đảm bảo là bất động sản.

“Trái phiếu có tài sản đảm bảo là bất động sản và các khoản nợ liên quan tới bất động sản đang tạo rủi ro lớn đối với thị trường tài chính khu vực. Mức độ tổn thương của thị trường càng tăng lên trong bối cảnh lãi suất ở mức cao hơn, ảnh hưởng tiêu cực tới các hộ gia đình, cũng như các công ty bất động sản”, Lloyd Chan, nhà kinh tế tại Oxford Economics cho biết.

Nợ của các thị trường cận biên

Nhà đầu tư tại các thị trường cận biên đối diện rủi ro từ việc đồng nội tệ mất giá và vỡ nợ công khi quỹ dự trữ của các quốc gia dần cạn kiệt. Bong bóng nợ tại một số quốc gia đã ở mức báo động.

16 thị trường mới nổi trên toàn cầu có trái phiếu chính phủ phát hành bằng đồng USD đang giao dịch với lãi suất cáo hơn khoảng 10% so với trái phiếu chính phủ tại các thị trường tương tự. Đây là dấu hiệu cho thấy giới đầu tư tin vào khả năng vỡ nợ của các quốc gia này. Đa phần trong số này bao gồm cả các thị trường cận biên nhỏ.

Chẳng hạn, Pakistan đang đàm phán với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về việc thực hiện gói hỗ tợ 6,7 tỷ USD nhằm ngăn tình trạng vỡ nợ, trong khi dự trữ ngoại hối của quốc gia này liên tục suy giảm. Columbia Threadneedle Investments ước tính, Pakistan đối diện khoản nợ 22 tỷ USD trong năm tài chính bắt đầu vào tháng 7/2023, cao gấp 5 lần quỹ dự trữ ngoại hối.

Trong khi đó tại Lào, Natixis SA ước tính, các khoản nợ phải trả nước ngoài của quốc gia này tăng hơn 12 lần trong năm nay, lên mức 600 triệu USD. Con số này tương đương 55% quỹ dự trữ ngoại hối, tỷ lệ cao nhất trong số các thị trường cận biên châu Á.

Áp lực nợ nước ngoài với các thị trường cận biên gia tăng

Áp lực tài chính của Hàn Quốc

Các gói cho vay liên quan tới dự án bất động sản của Hàn Quốc, một trong những công cụ thúc đẩy việc xây dựng tại thị trường bất động sản chính là “trung tâm” của khủng hoảng nợ năm 2022, khi một số nhà phát triển bất động sản mất khả năng thanh toán nợ đúng hạn. Sau đó, chính quyền Hàn Quốc đã ổn định thị trường bằng các chương trình hỗ trợ trị giá hàng tỷ USD.

Vậy nhưng, áp lực tài chính của thị trường vẫn tồn tại. Các ngân hàng, tổ chức tài chính Hàn Quốc hiện có 140 nghìn tỷ won (108 tỷ USD) các khoản cho vay liên quan tới bất động sản tính tới tháng 9/2022, theo số liệu của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc.

Đáng chú ý, số liệu mới nhất theo phân tích của các công ty chứng khoán cho thấy, tỷ lệ nợ quá hạn của các khoản cho vay này đã tăng thêm 2,22% trong quý I/2023, so với mức 10,38% vào cuối năm ngoái.

Hàn Quốc đang nỗ lực để xử lý các tài sản đảm bảo và nợ xấu liên quan tới khối lượng cho vay này. Một nhóm 3.000 tổ chức tài chính có liên quan tới các khoản vay đã ký thoả thuận tái cấu trúc nợ vào tháng 4/2023.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, việc thị trường bất động sản đi xuống có thể khiến tình hình tài chính của các bên liên quan tồi tệ hơn. Ngay cả các tổ chức tài chính lớn cũng có nguy cơ sụp đổ, hoặc việc doanh nghiệp xây dựng/bất động sản vỡ nợ sẽ tạo rủi ro hệ thống tới các thị trường tài chính, cũng như nền kinh tế.

Khối lượng nợ của các ngân hàng, tổ chức tài chính bùng nổ trong những năm gần đây

Nhà băng Nhật Bản “gặp hạn”

Việc loạt ngân hàng tại Mỹ sụp đổ, cũng như Credit Suisse Group AG rơi vào cảnh “bán mình” để tồn tại đã khiến các nhà băng Nhật Bản gặp rủi ro. Ngân hàng Nhật Bản hiện là một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại thị trường trái phiếu quốc tế. Trong đó, 3 nhà băng lớn nhất Nhật Bản đã chịu thua lỗ khoảng 2,4 nghìn tỷ yên (17,3 tỷ USD) do nắm giữ trái phiếu quốc tế tính tới tháng 3/2023.

Ngân hàng trung ương Nhật Bản cho biết, tình trạng này đã tiến triển tích cực hơn so với cuối năm 2022 và các nhà băng có sức chống trọi tốt hơn với rủi ro đến từ môi trường lãi suất cao. Tuy nhiên, đây vẫn là một mối lo đối với các nhà đầu tư châu Á, nhất là khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài nhằm kiểm soát lạm phát.

Kinh tế Nhật Bản chặn đà suy thoái, nhưng hồi phục chậm
Nền kinh tế Nhật Bản đã ngăn chặn được suy thoái trong quý IV/2022 nhưng tốc độ hồi phục chậm hơn nhiều so với dự báo.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư