Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 11 tháng 09 năm 2024,
Giữ văn hóa bản địa càng lâu, du lịch Tuyên Quang càng “câu” được nhiều khách
Hồ Hạ - 03/04/2022 13:06
 
Đó là một trong những “hiến kế” của ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch CLB Lữ hành Unesco Hà Nội, tại Tọa đàm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Tuyên Quang năm 2022, sáng 3/4.

Chuyển mình mạnh mẽ 

Phát biểu tại Tọa đàm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Tuyên Quang năm 2022, ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Tuyên Quang cho biết, Tuyên Quang được ví như là "Chiếc nôi của cách mạng" đã hai lần vinh dự được chọn làm“Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô kháng chiến”. 

Đại diện Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Tuyên Quang, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và Du lịch Hà Nội, Công ty cổ phần hàng không Vietjet, CLB Unesco Hà Nội, Hội lữ hành G7 TP.HCM ký kết Biên bản ghi nhớ.

Thời gian vừa qua, Tuyên Quang đã và đang xây dựng 5 sản phẩm du lịch đặc sắc riêng có gồm: Du lịch hoài niệm (như Di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Bình); Du lịch nghỉ dưỡng (Suối khoáng Mỹ Lâm); Du lịch tâm linh (Đền chùa thành phố Tuyên Quang); Du lịch sinh thái (Na Hang, Lâm Bình); Du lịch lễ hội (Lễ hội Thành Tuyên, Lễ hội Nhảy lửa).

Trước Tọa đàm, trong 2 ngày 1 và 2/4, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành trong và ngoài tỉnh, Câu lạc bộ Unesco Hà Nội và các doanh nghiệp du lịch, các cơ quan truyền thông tổ chức chương trình khảo sát để giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh du lịch, những chính sách ưu đãi về du lịch của tỉnh Tuyên Quang.

Xác định du lịch có nhiều tiềm năng, thế mạnh và là ngành kinh tế quan trọng. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII (Nhiệm kỳ 2020 – 2025) tiếp tục xác định du lịch là 1 trong 3 khâu đột phá. Để tái khôi phục thị trường khách, phục hồi hoạt động du lịch, thúc đẩy tăng trưởng và hưởng ứng Chương trình phát động du lịch nội địa thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 với chủ đề “Du lịch an toàn, trải nghiệm trọn vẹn” thu hút khách du lịch đến với Tuyên Quang với thông điệp “Tuyên Quang - Điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn”.

Tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức khai mạc Năm Du lịch tỉnh Tuyên Quang và Lễ hội khinh khí cầu quốc tế lần thứ nhất - năm 2022 tại Tuyên Quang, thông tin rộng rãi về việc mở cửa các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá các điểm đến, các sản phẩm du lịch hấp dẫn, xây dựng hình ảnh du lịch “Tuyên Quang - Nơi vẻ đẹp hội tụ” và cũng là điểm đến an toàn, hấp dẫn nhằm thu hút khách du lịch. Vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, các cơ sở dịch vụ trên địa bàn tỉnh xây dựng và triển khai các gói kích cầu du lịch (khuyến mại/giảm giá, nâng cao chất lượng sản phẩm).  

Tại Tọa đàm, TS. Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá cao những tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh Tuyên Quang. “Tuyên Quang sở hữu thiên nhiên hùng vĩ; lịch sử đậm dấu ấn cách mạng, văn hóa đặc sắc, người dân hiếu khách,… đó là những nét hấp dẫn du khách đến với Tuyên Quang”, ông Hà Văn Siêu bày tỏ và cho rằng, những hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch của tỉnh Tuyên Quang thời gian qua đã có những bước phát triển, đặc biệt là Lễ hội khinh khí cầu quốc tế lần 1 tại Tuyên Quang vừa được trao kỷ lục Lễ hội khinh khí cầu lớn nhất Việt Nam. 

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đề nghị chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý về du lịch, các doanh nghiệp du lịch hợp tác, liên kết chặt chẽ hơn nữa để cùng quảng bá cũng như tạo ra nhiều sản phẩm du lịch, tour tuyến du lịch hấp dẫn phục vụ du khách. Từ đó, giúp du lịch Tuyên Quang toả sáng. 

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch CLB Lữ hành Unesco Hà Nội nhận định, trong 2 năm dịch bệnh Covid-19, du lịch Tuyên Quang đang có sự chuyển mình mạnh mẽ, nhờ làm rất tốt công tác truyền thông, quảng bá qua các dự kiện bài bản, quy mô “đổ bộ” như: Giải đua xe phân phối lớn, khai trương phố đi bộ, Lễ hội khinh khí cầu quốc tế…  

Sẽ có thêm nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn

Góp ý để du lịch Tuyên Quang cất cánh, ông Trương Quốc Hùng cho rằng, các điểm cơ sở lưu trú ở các huyện Lâm Bình, Na Hang còn đơn sơ, sơ sài so với các tỉnh bạn như Hà Giang, Hoà Bình, Lai Châu. “Nếu không sớm nâng cấp cơ sở vật chất, các cơ sở lưu trú nói riêng, du lịch cộng đồng nói chung của Tuyên Quang sẽ chỉ đón được dòng khách phân khúc chi tiêu thấp, chưa đáp ứng được sức chi tiêu cũng như nhu cầu của du khách Hà Nội”, ông Trương Quốc Hùng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Trương Quốc Hùng “hiến kế”: “Du lịch Tuyên Quang cần chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa bản địa, bởi đây là những tài nguyên vô giá, giữ được càng lâu, Tuyên Quang sẽ “câu” được càng nhiều du khách đến khám phá, trải nghiệm”.

Chủ tịch CLB Lữ hành Unesco Hà Nội cho biết, sau chương trình khảo sát và Tọa đàm, CLB sẽ truyền thông mạnh mẽ đến các doanh nghiệp hội viên, đối tác, thu hút nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh, thành đưa khách đến với Tuyên Quang. Đồng thời, tổ chức phát động các thành viên đăng ký xây dựng sản phẩm mới, làm lại sản phẩm cũ, trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn cho Tuyên Quang. Qua đó, đóng góp vào sự phát triển du lịch nói riêng, kinh tế - xã hội của tỉnh Tuyên Quang nói chung.

Góp ý cho du lịch Tuyên Quang, ông Đoàn Ngọc Tùng, Phó chủ tịch CLB Unesco, CEO Công ty MTV Việt Nam nêu 3 vấn đề cần khắc phục: “Thứ nhất, tại các điểm du lịch cộng đồng chưa có nhiều hoạt động văn hoá văn nghệ vào buổi tối. Mỗi làng văn hóa cần có sân tập thể, ít nhất cuối tuần có biểu diễn văn nghệ truyền thống và kinh doanh các dịch vụ ăn uống, mua sắm phục vụ du khách trải nghiệm. Thứ hai, các homestay và các điểm đến ở Na Hang và Lâm Bình cần được bổ sung thêm hoa lá và các tiểu cảnh để khách check-in. Thứ ba, các hộ chủ yếu vẫn kinh doanh tự phát, chưa có kết nối với nhau thành chuỗi. Do đó, cần tổ chức nhiều lớp đào tạo nghiệp vụ cho đội ngũ phục vụ du lịch chuyên nghiệp hơn”.

Tại Tọa đàm, các doanh nghiệp lữ hành cũng gợi mở nhiều giải pháp cho du lịch Tuyên Quang như: Tạo khu, điểm bán các sản phẩm OCOP, quà lưu niệm; kéo dài Lễ hội thành Tuyên và truyền thông mạnh mẽ cho sự kiện; đầu tư hệ thống lưu trú chuẩn homestay; kêu gọi các nhà đầu tư địa phương mở rộng và nâng cấp hệ thống lưu trú tại Na Hang, Lâm Bình; có cơ chế, chính sách cởi mở để mời gọi các nhà đầu tư chiến lược vào lĩnh vực du lịch…

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Hoàng Việt Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, năm 2022, tỉnh Tuyên Quang sẽ tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đây là một trong những điểm nghẽn với phát triển kinh tế - xã hội nói chung, du lịch nói riêng của tỉnh. 

“Chúng tôi đang đầu tư xây dựng hai tuyến đường nối cao tốc nối với cao tốc Hà Nội – Lào Cai và đường nối cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, sau khi hoàn thành, sẽ rút ngắn 2/3 thời gian từ Hà Nội lên Tuyên Quang, Hà Giang. Qua đó, phát triển liên tuyến du lịch Hà Nội – Tuyên Quang – Hà Giang”, ông Hoàng Việt Phương chia sẻ và cho biết, tỉnh Tuyên Quang cũng đang tập trung đầu tư nâng cấp Khu di tích lịch sử Tân Trào và sớm khai trương Làng văn hóa Tân Trào trở thành điểm du lịch độc đáo của tỉnh. Bên cạnh đó, Tuyên Quang còn tập trung phát triển du lịch nghỉ dưỡng chữa bệnh, thể thao tại khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm do Tập đoàn Vin Group đầu tư. 

Đặc biệt, tỉnh Tuyên Quang đang đẩy mạnh đầu hạ tầng giao thông, viễn thông, điện, nước, môi trường, cơ sở lưu trú… ở hai huyện Na Hang và Lâm Bình để phát triển du lịch khám phá, trải nghiệm, nghỉ dưỡng, cộng đồng, kết hợp du lịch mạo hiểm như dù lượn.

“Na Hang và Lâm Bình là hai huyện được định hướng chỉ phát triển du lịch và nông nghiệp để phát triển du lịch gắn với nông nghiệp hữu cơ, không phát triển công nghiệp; nhằm khai thác tối đa lợi thế, khai thác hết tiềm năng du lịch phong phú, đặc sắc của hai địa phương”, ông Hoàng Việt Phương chia sẻ và bật mí thêm, sau hai năm tạm dừng để phòng, chống dịch Covid-19, tỉnh sẽ khôi phục Lễ hội thành Tuyên vào dịp Tết Trung thu. 

Tại Tọa đàm, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Tuyên Quang, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và Du lịch Hà Nội, Công ty cổ phần hàng không Vietjet, CLB Unesco Hà Nội, Hội lữ hành G7 TP.HCM đã ký kết Biên bản ghi nhớ; Nhằm tăng cường mối liên kết, đẩy mạnh sự hợp tác về xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch giữa các bên, làm động lực góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng, cả nước nói chung.
Theo đó, các bên sẽ chia sẻ các kinh nghiệm trong các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; Hợp tác trong hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch; Hợp tác trong phát triển sản phẩm và xây dựng tour, tuyến du lịch; Hợp tác trong thông tin, xúc tiến - quảng bá du lịch, xúc tiến đầu tư và phát triển thị trường; Hợp tác trong đào tạo, phát triển nhân lực làm công tác xúc tiến quảng bá đầu tư, thương mại và du lịch.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư