Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 15 tháng 01 năm 2025,
Giữa bão Covid-19, nửa đầu tháng 3 vẫn xuất siêu 900 triệu USD
Thế Hoàng - 19/03/2020 08:23
 
Thống kê 15 ngày đầu tháng của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đã đạt hơn 21,47 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu đạt 11,2 tỷ USD, nhập khẩu đạt 10,3 tỷ USD, xuất siêu hàng hóa nửa đầu tháng 3 đạt gần 1 tỷ USD.
Từ đầu năm đến 15/3, xuất siêu hàng hóa đạt 2,74 tỷ USD.
Dù nhiều ngành hàng xuất khẩu lớn bị ảnh hưởng bởi covid-19, nhưng từ đầu năm đến 15/3, xuất siêu hàng hóa vẫn đạt 2,74 tỷ USD.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan trong nửa đầu tháng 3/2020 cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đã đạt hơn 21,47 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 11,2 tỷ USD, nhập khẩu đạt 10,3 tỷ USD.

Như vậy, nửa đầu tháng này nước ta tiếp tục xuất siêu gần 1 tỷ USD. Lũy kế đến ngày 15/3, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 97,85 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu ghi nhận 50,29 tỷ USD, tăng 6,8%, nhập khẩu đạt 47,55%, tăng 1,9% so với cùng kỳ. Từ đầu năm đến 15/3, nước ta đang xuất siêu 2,74 tỷ USD.

Dù đang trong bão dịch Covid-19, kết quả xuất siêu sau 2,5 tháng đầu năm càng tiếp thêm động lực cho các ngành hàng xuất khẩu, từ đó có những nỗ lực vượt khó khăn, đảm bảo đủ nguyên liệu sản xuất, hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu đã ký.

Điện thoại và linh kiện tiếp tục duy trì vị thế số 1 các mặt hàng xuất khẩu với kim ngạch tính đến 15/3 đạt hơn 10,2 tỷ USD, tăng 8,5%; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện gần 7 tỷ USD; Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác 3,93 tỷ USD; Thủy sản 1,26 tỷ USD, hàng dệt may 5,88 tỷ USD, giày dép 3,42 tỷ USD, gỗ và sản phẩm từ gỗ 2,077 tỷ USD, Phương tiện vận tải và phụ tùng 1,76 tỷ USD; sắt thép các loại đạt 815 triệu USD...

Bộ Công Thương nhận định, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong ngắn hạn dự báo sẽ có nhiều khó khăn với những yếu tố bất lợi do diễn biến tình hình dịch bệnh đang có dấu hiệu lây lan mạnh bên ngoài Trung Quốc, đặc biệt là tại Hàn Quốc và Nhật Bản - những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Trong trường hợp dịch bệnh kéo dài có thể tác động tiêu cực tới mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của cả năm 2020.

Xuất khẩu nông sản của Việt Nam qua các cửa khẩu tại các tỉnh biên giới phía Bắc trong tháng 2/2020 bị gián đoạn do Trung Quốc tạm ngưng trao đổi hàng hóa biên mậu theo hình thức cư dân biên giới để đối phó với dịch Covid-19. Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan cùng các địa phương đã đưa ra các biện pháp tháo gỡ kịp thời, song nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Tính đến cuối tháng 2/2020, tiến độ thông quan tại một số cửa khẩu chưa được cải thiện nhiều do hai bên vẫn tăng cường kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh và lực lượng bốc xếp của phía Trung Quốc còn mỏng, lượng xe vận chuyển hàng hóa cả xuất và nhập khẩu thông quan qua Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị thấp hơn nhiều so với trước thời điểm dịch bệnh.

Tin vui là từ đầu tháng 3 tới nay, tình hình thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc đã được cải thiện đáng kể, phần nào giúp các doanh nghiệp giải tỏa nỗi lo thiếu nguyên liệu phục vụ sản xuất.

Số liệu cập nhật của Bộ Công Thương cho biết, trong ngày 17/3, tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc đã xuất khẩu 1.063 xe và 7 toa hàng; nhập khẩu 1.021 xe hàng hóa, tồn 1.047 xe và 8 toa tàu. Lũy kế từ 5/2 đến 17/3, ghi nhận có 9.346 xe hàng hóa xuất khẩu và 11.127 xe nhập khẩu.


 

[Infographic] Năm 2019, xuất siêu đạt 9,9 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay
Năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tăng 8,1%, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tăng 7% so với năm 2018. Việt Nam xuất siêu 9,94 tỷ USD.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư