Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Gỡ tắc tín dụng bất động sản: Doanh nghiệp cần sòng phẳng với người mua nhà
Hà Tâm - 15/11/2023 08:43
 
Để gỡ khó cho thị trường bất động sản, cùng với ngân hàng giảm lãi suất hỗ trợ người vay, doanh nghiệp cũng cần có sự thống nhất để đưa mặt bằng giá nhà về mức hợp lý.
Ảnh minh họa

Doanh nghiệp bất động sản than khó, ngân hàng đề nghị sòng phẳng

“Muốn thị trường bất động sản sôi động hơn, giá nhà phải hợp lý hơn. Thời gian qua, giá nhà giảm rất chậm, thậm chí còn tăng, trong khi lãi suất cho vay giảm mạnh. Doanh nghiệp bất động sản cần thống nhất trong cuộc chơi về giá nhà. Hiện nay, giá nhà rất cao, doanh nghiệp phải cân nhắc mới có thể giải quyết được vấn đề sức mua của thị trường”, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú nhận định tại Hội nghị trực tuyến triển khai Công điện 993/CĐ-Ttg ngày 24/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo số liệu của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), thị trường bất động sản TP.HCM trong 3 tháng đầu năm nay tăng trưởng -16,2%, 6 tháng tăng trưởng -11%, nhưng lũy kế 9 tháng chỉ còn -8,7%.

Sức mua trầm lắng, giao dịch đóng băng khiến doanh nghiệp khó xoay xở nguồn tiền. Chính vì vậy, tín dụng kinh doanh bất động sản 9 tháng đầu năm tăng mạnh (tăng 21,46%), song doanh nghiệp bất động sản vẫn khát vốn.

“Dù ngân hàng liên tục giảm lãi suất, song nhu cầu vay mua nhà lại liên tục giảm. Nguyên nhân là khách hàng mất niềm tin vào thị trường bất động sản, cùng tâm lý chờ giá nhà xuống thấp hơn nữa”, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho hay.

Trong khi đó, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV nêu thực tế khác hẳn với những năm trước, đó là, dư nợ bất động sản tiêu dùng tăng rất chậm (chỉ 4%), trong khi những năm trước luôn tăng trưởng trên 20%. Điều này cho thấy cá nhân không mặn mà mua nhà.  

Số liệu của NHNN cho thấy, tính đến cuối tháng 9/2023, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng tăng 6,04% so với đầu năm và chiếm tỷ trọng 21,46% tổng dư nợ đối với nền kinh tế. Trong đó tín dụng bất động sản tập trung vào mục đích tiêu dùng, tự sử dụng chiếm 64%, dư nợ đối với hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 36% dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản.

Gỡ khó cho các doanh nghiệp bất động sản và tín dụng bất động sản hiện nay không phải bắt đầu từ tín dụng, mà phải từ giải pháp phi tín dụng, đó là tháo gỡ pháp lý cho Dự án. Gỡ được pháp lý sẽ gỡ được tín dụng. Khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay vẫn là vấn đề pháp lý. Riêng tại TP.HCM có tới 148 Dự án cần tháo gỡ khó khăn pháp lý. Tất nhiên, doanh nghiệp vẫn rất mong ngành ngân hàng thời gian tới có nhiều hơn các giải pháp hỗ trợ như hạ thêm lãi vay, tháo gỡ vướng mắc về trái phiếu doanh nghiệp, kéo dài thời gian giãn nợ, cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ…

- Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA

Tín dụng kinh doanh bất động sản tăng trưởng cao, trong khi tổng dư nợ tín dụng bất động sản vẫn ở mức thấp cho thấy, nhu cầu vay mua nhà của người dân đang giảm mạnh.

Theo lãnh đạo các ngân hàng thương mại, tín dụng tiêu dùng (cá nhân vay mua nhà) tăng chậm không phải do lãi suất, mà là do giá nhà hiện nay quá cao.

“Mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 2,5% cho cả chủ đầu tư và người mua nhà, nhưng giá bất động sản giảm rất ít, chưa phù hợp với người mua nhà để ở”, ông Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ.

Vướng mắc pháp lý, ngân hàng cũng bó tay

Trên thực tế, ngay cả doanh nghiệp bất động sản cũng thừa nhận, vốn và tín dụng không còn là khó khăn nhất hiện nay.

Chủ tịch GP.Invest Nguyễn Quốc Hiệp cho biết, 90% các vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến vấn đề pháp lý, thủ tục hành chính. Do đó, doanh nghiệp rất mong mỏi các khía cạnh về pháp lý mà Quốc hội đang cân nhắc thông qua.

"Ví dụ như giải phóng mặt bằng, thủ tục và cơ chế thu hồi kéo dài… có dự án 15 năm chưa xong công tác này. Về thủ tục đầu tư, hiện 1 dự án phải xin trên 30 con dấu. Điều này bào mòn sức khỏe của doanh", ông Hiệp giãi bày.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, cả nước đang có tới 1.200 dự án nằm chờ tháo gỡ, nhưng chỉ có khoảng 500 dự án đang được xem xét, tức là có trên 800 dự án tiếp tục nằm chờ.

Với các vướng mắc pháp lý, không chỉ doanh nghiệp khó mà ngân hàng cũng kẹt. Tổng giám đốc BIDV nêu thực tế, thời gian qua, BIDV ban hành gói cho vay nhà ở thương mại giá rẻ với lãi suất rất cạnh tranh, nhưng các dự án vướng mắc pháp lý rất nhiều, vì vậy, sau gần 1 năm, BIDV phê duyệt khoảng 26.000 tỷ đồng, nhưng mới giải ngân 8.000 tỷ đồng.

Tất nhiên, khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay không chỉ do vấn đề pháp lý, bản thân thị trường bất động sản và doanh nghiệp bất động sản đang có rất nhiều tồn tại. Đó là sự mất cân đối cung cầu tại các phân khúc, dư thừa nhà ở cao cấp, biệt thự, trong khi nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ còn hạn chế; Nhu cầu của thị trường tại một số phân khúc đang có sự sụt giảm mạnh.

Ngoài ra, năng lực tài chính của doanh nghiệp còn hạn chế và phụ thuộc vào nguồn huy động bên ngoài. Vì vậy, lãnh đạo các ngân hàng cho rằng, bản thân doanh nghiệp phải nâng cao khả năng minh bạch, uy tín trong thực hiện cam kết với khách hàng, với ngân hàng thì mới tạo được niềm tin để ngân hàng cấp vốn.

Gỡ tín dụng bất động sản: Liên bộ họp với 14 ngân hàng và các tập đoàn bất động sản lớn
Ngày 13/11, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng sẽ phối hợp tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai Công điện 933 về tiếp tục thực hiện...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư