Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 22 tháng 05 năm 2024,
Gỡ vướng cho khám chữa bệnh bảo hiểm y tế
D.Ngân - 17/11/2023 08:05
 
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP với nhiều điểm mới được cho là có các quy định mang tính đột phá, gỡ được các vướng mắc trong cơ chế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

Ngày 16/11, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định số 75/2023/NĐ-CP (Nghị định 75) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP (Nghị định 146) ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Nghị định số 75/2023/NĐ-CP với nhiều điểm mới được cho là có các quy định mang tính đột phá, gỡ được các vướng mắc trong cơ chế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

Theo Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn, Nghị định số 75/2023/NĐ-CP có nhiều quy định mang tính đột phá, gỡ được các vướng mắc trong cơ chế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

Cụ thể, Nghị định bổ sung đối tượng và hỗ trợ mức đóng tham gia bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó cũng bãi bỏ quy định về tổng mức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, thực hiện thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo phương thức thanh toán theo giá dịch vụ được áp dụng từ 1/1/2019.

Đồng thời, quy định việc giao dự toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

Thực hiện thông báo số dự kiến chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tới cơ sở khám chữa bệnh để làm cơ sở lập kế hoạch sử dụng kinh phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trong năm, nhưng không áp dụng làm căn cứ tạm ứng, thanh toán, quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế của cơ sở khám chữa bệnh trong trường hợp vượt số dự kiến chi.

Bổ sung các quy định nhằm tăng cường trách nhiệm trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế của Bộ Y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, và cơ quan bảo hiểm xã hội nhằm đẩy mạnh triển khai các giải pháp kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế, phòng, chống lạm dụng, lãng phí, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế.

Nghị định 75 cũng bổ sung, làm rõ phương thức đóng bảo hiểm y tế cho một số nhóm đối tượng, sửa đổi thủ tục khám bệnh, chữa bệnh cho phù hợp với quy định của Chính phủ về sử dụng giấy tờ được định danh điện tử mức độ 2 và xác thực điện tử và sửa đổi một số nội dung mang tính chất kỹ thuật khác.

Nói thêm về những điểm mới của Nghị định, về phía cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế cho biết, khi đi khám chữa bệnh, người tham gia bảo hiểm y tế có thể lựa chọn xuất trình thẻ bảo hiểm y tế có ảnh hoặc căn cước công dân.

Trong trường hợp xuất trình thẻ bảo hiểm y tế nhưng không có ảnh thì người tham gia bảo hiểm y tế mới phải xuất trình thêm một trong các giấy tờ khác liên quan.

Riêng đối với giấy hẹn khám lại, nếu như trước đây quy định loại giấy tờ này chỉ dùng trong 10 ngày thì với Nghị định 75, nếu không thể tái khám đúng hẹn, người dân có thể liên hệ với cơ sở khám chữa bệnh để đăng ký lại lịch khám phù hợp.

Về vấn đề này, bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế khẳng định, về nguyên tắc, người bệnh phải bảo đảm tuân thủ lịch khám lại theo giấy hẹn.

Các cơ sở y tế có các biện pháp nhắc nhở người bệnh để bảo đảm đến khám đúng hạn. Trong trường hợp bệnh nhân đến khám trễ, họ buộc phải liên hệ với nhân viên y tế trong khoảng thời gian 10 ngày, kể từ ngày được hẹn khám để được bố trí, sắp xếp lịch khám khác. Nếu liên hệ sau thời hạn này sẽ không được chấp nhận và người bệnh phải đăng ký khám mới lại.

Theo số liệu của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tính đến hết tháng 9/2023, cả nước đã có khoảng 91,7 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, tăng hơn 600 nghìn người so với năm 2022. Dự kiến đến hết năm 2023, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế ước đạt 93,35% dân số.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư