Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Mở rộng quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế
D.Ngân - 07/11/2023 10:35
 
Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Y tế đang phối hợp các bộ, ngành liên quan sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế theo hướng bổ sung chính sách, quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế.

Thêm gói bảo hiểm bổ sung

Nhằm đạt mục tiêu bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân theo chuyên gia Việt Nam cần huy động đủ nguồn tài chính đáp ứng yêu cầu được chăm sóc sức khỏe của người dân.

Bên cạnh đó, cần giảm chi trực tiếp từ tiền túi, hạn chế rào cản tài chính trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Mặt khác, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, bao gồm cả dịch vụ theo yêu cầu, kỹ thuật cao (có mức đồng chi trả lớn)...

Caption ảnh

Trên cơ sở đó, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng đề xuất gói bảo hiểm y tế bổ sung nhằm tăng quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế.

Bà Trần Thị Trang, Quyền Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho biết, gói bảo hiểm y tế bổ sung này là tự nguyện, người dân tham gia trên cơ sở đã tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc.

Gói bảo hiểm y tế bổ sung sẽ bao phủ chi trả giá trị tăng thêm như phần đồng chi trả, quyền lợi tăng thêm mà người bệnh có nhu cầu, dịch vụ tăng thêm so với các dịch vụ đang được bảo hiểm y tế cung cấp.

Về mức phí cho bảo hiểm y tế bổ sung, hiện nay sẽ do phía đơn vị kinh doanh bảo hiểm quy định. Tuy nhiên, Nhà nước sẽ quy định nguyên tắc xây dựng mức phí để bảo đảm quyền lợi cho người bệnh, phạm vi chi trả không được trùng lặp với bảo hiểm y tế bắt buộc.

Một số quyền lợi gói bảo hiểm y tế bổ sung mang tính chất nâng cao như quyền sử dụng thuốc, dịch vụ y tế theo yêu cầu, thuốc có chi phí cao chưa được bảo hiểm y tế bắt buộc chi trả, người dùng bảo hiểm y tế được lựa chọn cơ sở y tế cho mình... Các cơ quan chức năng sẽ đề xuất cơ chế pháp lý rõ ràng để giám sát việc thực hiện bảo hiểm y tế bổ sung.

Tuy nhiên, đây là chính sách mới có liên quan đến quyền của người tham gia bảo hiểm y tế cho nên các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính y tế, cơ quan quản lý nhà nước liên quan cho rằng cần có những điều chỉnh ở cấp độ luật để đồng bộ với những luật khác có liên quan.

Đáng chú ý, đây là gói bảo hiểm y tế mang tính chất tự nguyện của người đã tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc rồi, cho nên các quy định phải chi tiết, rõ ràng để bảo đảm quyền của người tham gia về phạm vi chi trả, về sự không trùng lặp về quyền lợi.

Hiện nay, số tiền bệnh nhân đồng chi trả chiếm khoảng 9% tổng chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Dự kiến, chi từ tiền túi khi đi khám, chữa bệnh ngoại trú sẽ giảm 25% khi áp dụng hình thức bảo hiểm y tế tự nguyện và mức giảm khi đi khám chữa bệnh nội trú sẽ là 41%. Như vậy, giảm tổng chi tiền túi sẽ là khoảng 20 đến 31%.

Ngoài ra, bảo hiểm y tế bổ sung cũng giúp tăng tiếp cận dịch vụ y tế bao gồm cả dịch vụ theo yêu cầu, kỹ thuật cao (có mức đồng chi trả lớn), huy động thêm nguồn tài chính cho chăm sóc sức khỏe...

Theo quy định hiện hành, các dịch vụ khám sàng lọc, điều trị sớm bệnh tật mặc dù có nhiều bằng chứng về hiệu quả, tiết kiệm chi phí nhưng chưa được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả.

Vì vậy, việc điều chỉnh, bổ sung phạm vi quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế là cần thiết và theo đúng định hướng "Mở rộng phạm vi quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế".

Tuy nhiên, việc mở rộng đến đâu cần được đánh giá một cách toàn diện trong bối cảnh nhu cầu càng cao nhưng nguồn tài chính quỹ còn hạn chế.

Đặc biệt việc xem xét mở rộng các quyền lợi về dịch vụ sàng lọc chẩn đoán, điều trị sớm một số bệnh cần được nghiên cứu, đánh giá cụ thể, chính xác để lựa chọn được các dịch vụ có tính chi phí-hiệu quả nhằm bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế đồng thời phù hợp với khả năng chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế.

Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu ban đầu, đánh giá tác động và kinh nghiệm tại một số nước, Bộ Y tế đề xuất phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế về chẩn đoán, điều trị sớm một số bệnh trong Dự án Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi.

Theo đó, Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả phí khám, sàng lọc phát hiện sớm các nhóm bệnh như: ung thư cổ tử cung, ung thư vú, tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm gan C.

Việc mở rộng phạm vi quyền lợi được hưởng bảo hiểm y tế của người dân nhằm đồng bộ về chính sách với Luật Khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực từ đầu năm 2024, cũng như chiến lược chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Nhiều điểm mới về khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

Về khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, theo Nghị định số 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ, có nhiều điểm mới liên quan tới công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Cụ thể, về hỗ trợ mức đóng tham gia bảo hiểm y tế Nghị định bổ sung đối tượng là người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế vào nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế.

Bổ sung đối tượng người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 mà các xã này không còn trong danh sách các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ vào nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng trong thời gian 36 tháng kể từ ngày 1/11/2023.

Với nội dung bổ sung, nâng mức hưởng bảo hiểm y tế, Nghị định nâng mức hưởng từ 80% lên 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho một số nhóm đối tượng là người có công với cách mạng quy định tại khoản 5 Điều 3 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP như thanh niên xung phong; cán bộ, chiến sĩ Công an đã được giải quyết hưởng chế độ theo quy định tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; dân công hỏa tuyến.

Bổ sung mức hưởng cho nhóm đối tượng là người dân tộc thiểu số thoát nghèo theo Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ và nhóm đối tượng đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 131/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.

Ngoài ra, Nghị định bãi bỏ quy định về tổng mức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, thực hiện thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo phương thức thanh toán theo giá dịch vụ được áp dụng từ 1/1/2019.

Đồng thời, quy định việc giao dự toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

Theo quy định mới, các chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong phạm vi quyền lợi được hưởng và mức hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế đã được cơ quan bảo hiểm xã hội giám định sẽ thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế.

Cơ chế thanh toán theo thực tế các dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế… sử dụng cho người bệnh và mức giá theo quy định hiện hành. Các quy định này sẽ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thanh toán chi phí khám bệnh chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan bảo hiểm xã hội, tạo điều kiện cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nâng cao hiệu quả hoạt động và bảo đảm quyền lợi của người bệnh bảo hiểm y tế.

Nghị định bổ sung các quy định nhằm tăng cường trách nhiệm trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế của Bộ Y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, và cơ quan bảo hiểm xã hội cụ thể tăng cường trách nhiệm của Bộ Y tế trong chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tuân thủ các quy định của pháp luật về khám chữa bệnh và bảo hiểm y tế, trong mua sắm, đấu thầu thuốc, hóa chất, vật tư y tế.

Đồng thời Nghị định cũng quy định trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc thường xuyên cập nhật, sửa đổi danh mục, điều kiện, phạm vi, tỷ lệ thanh toán đối với các thuốc, vật tư, dịch vụ kỹ thuật, hàng hóa thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế, trong việc quy định và hướng dẫn liên thông dữ liệu về kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh thăm dò chức năng, thông tin khám bệnh, chữa bệnh nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế.

Tăng cường trách nhiệm của cơ sở khám chữa bệnh trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh và pháp luật về mua sắm, đầu thầu, để đảm bảo cung ứng thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế có chất lượng, hiệu quả và tiết kiệm.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải rà soát, ban hành kịp thời các quy trình, hướng dẫn chuyên môn, các biện pháp phòng chống lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế theo thẩm quyền; thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát xác minh các chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng cao tại cơ sở theo kiến nghị, cảnh báo của cơ quan bảo hiểm xã hội và điều chỉnh phù hợp.

Trách nhiệm của Bảo hiểm xã hội việt Nam trong việc giám định, chủ động rà soát, phát hiện và gửi thông tin cảnh báo kịp thời cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về các chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng cao so với mức chi phí bình quân của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cùng hạng, cùng tuyến, cùng chuyên khoa.

Những quy định này nhằm đẩy mạnh triển khai các giải pháp kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế, phòng chống lạm dụng, lãng phí, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế.

Ngoài ra, Nghị định cũng bổ sung, làm rõ phương thức đóng bảo hiểm y tế cho một số nhóm đối tượng, sửa đổi thủ tục khám bệnh, chữa bệnh cho phù hợp với quy định của Chính phủ về sử dụng giấy tờ được định danh điện tử mức độ 2 và xác thực điện tử và sửa đổi một số nội dung mang tính chất kỹ thuật khác.

Tin mới về y tế ngày 24/10: Thêm nhóm được ngân sách đóng bảo hiểm y tế
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư