Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Góc nhìn TTCK tuần 13-17/6: E ngại lạm phát, VN-Index tiếp tục test thêm vùng 1.300 điểm
Hải An - 12/06/2022 15:57
 
Lạm phát Mỹ được giới đầu tư theo sát sao trong tuần qua, và đây cũng một trong những là trở lực chính của thị trường chứng khoán khiến nhà đầu tư chưa thể mạnh dạn giải ngân.

Cuối tuần, thông tin về lạm phát tại Mỹ chính thức được công bố, ở mức cao kỷ lục đạt đỉnh hơn 40 năm, tạo không ít tâm lý hoang mang cho nhà đầu tư

Theo công bố của Cục Thống kê lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tại Mỹ tăng nhanh nhất kể từ năm 1981, đạt 8,6%, cao hơn dự báo tăng 8,3% của các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones. Nếu loại trừ giá thực phẩm và năng lượng, CPI lõi tăng 6%, nhỉnh hơn so với ước tính 5,9% của các chuyên gia kinh tế.

Lạm phát lên đỉnh mới gia tăng áp lực giảm điểm ngay lập tức lên thị trường chứng khoán Mỹ, với chỉ số Dow Jones giảm hơn 800 điểm, trong khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng vọt.

Giá năng lượng leo thang và tình trạng đứt gãy, gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài đã khiến lạm phát ở Mỹ cao. Cũng bởi vậy, giới đầu tư trong cùng giai doạn đều cố gắng theo dõi để đánh giá sức khoẻ nền kinh tế Mỹ, đặt trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn đang trong quá trình bắt đầu nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát, nhưng phải cân não với mục tiêu không gây ra suy thoái. 

Do đó, khi dữ liệu lạm phát mới được công bố đã làm dấy lên lo ngại suy thoái sẽ ập đến nền kinh tế số 1 thế giới này. Và cũng theo đó, dự báo Fed  phải tăng mạnh lãi suất để kiểm soát đà tăng giá, mà tăng lãi suất là kẻ thù của các thị trường tài sản rủi ro, trong đó có chứng khoán. 

Trong một diễn biến khác, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 9/6 tái khẳng định kế hoạch bắt đầu nâng lãi suất từ tháng 7/2022 và có thể tiếp tục nâng trong tháng 9. ECB cũng nâng dự báo lạm phát năm 2022 lên 6,8%, từ mức 5,1% trước đó, và hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế khu vực.

Với Việt Nam, dự kiến các ngành xuất khẩu hàng không thiết yếu sẽ bị tác động mạnh trong 2-3 tháng tới. Còn thị trường chứng khoán, thực tế nỗi lo về lạm phát gia tăng trên thế giới ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán toàn cầu, qua đó ảnh hưởng đến Việt Nam. Xu hướng này trở thành lực cản đối với sự phục hồi của thị trường, nhất là dòng tiền đầu tư ngày càng thận trọng và dự kiến không có nhiều thông tin tích cực mang tính lan toả trên diện rộng xuất hiện trong tháng 6/2022. 

Bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích (Công ty Chứng khoán Rồng Việt) nhìn nhận, thị trường chứng khoán Việt Nam đang đứng trước không ít rủi ro vĩ mô từ bên ngoài, đặc biệt liên quan đến chính sách tiền tệ thắt chặt trong bối cảnh lạm phát toàn cầu có diễn biến tăng, chủ yếu do giá năng lượng và lương thực bị tác động bởi xung đột địa chính trị Nga - Ukraine.

Bên cạnh đó là tỷ giá, nếu VND mất giá mạnh so với USD sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến dòng vốn đầu tư nước ngoài, thậm chí vốn ngoại có thể chảy ra. Mặc dù vậy, với quy mô dự trữ ngoại hối ngày càng gia tăng, Ngân hàng Nhà nước có đủ khả năng giữ cho thị trường ngoại hối không có những biến động mạnh và bất thường.

Với các thông tin quốc tế trên, dự báo thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có diễn biến rung lắc, tiêu cực trong những phiên đầu tuần - nhà đầu tư cần chuẩn bị cho kịch bản này. VN-Index có những vùng kháng cự mạnh 1.300 - 1.330 điểm, nhưng khi không vượt qua ngay thì mốc hỗ trợ cho việc điều chỉnh phiên đầu tuần tại vùng 1.240 - 1.260 điểm.

Về nhóm ngành cổ phiếu, thời gian qua, phân bón, hoá chất, logistic, thuỷ sản, bán lẻ… tăng khá mạnh, được cho là định giá cũng khá cao và dư địa tăng thêm sẽ không còn nhiều, nhà đầu tư nên canh nhịp tốt để chốt lời. 

Trong khi đó, nhóm ngân hàng, được dự báo tăng trưởng tốt năm 2022, cổ phiếu cũng không hồi phục mạnh như các nhóm khác, nhưng nhóm này được các chuyên gia đánh giá chưa thể đảo chiều xu hướng, nhưng để mua tích luỹ trong dài hạn thì nhiều cổ phiếu đang có giá phù hợp. Dự báo ương tự cho nhóm ngành chứng khoán.

Một số cổ phiếu tiện ích, dầu khí, bảo hiểm, điện, năng lượng tái tạo… đang đáp ứng được một số tiêu chí về định giá hấp dẫn, và cả tín hiệu kỹ thuật. 

Nhà đầu tư vẫn cần ưu tiên với các các khoản đầu tư trung và dài hạn - chọn lựa cổ phiếu tốt, định giá thấp, hấp dẫn với tầm nhìn dài trong khi việc giao dịch ngắn hạn sẽ ưu tiên dành cho các nhà đầu tư có kinh nghiệm hoặc tùy thuộc vào các cơ hội xuất hiện sóng hồi, sóng tăng ở một số cổ phiếu ở nhịp tăng hồi vừa qua và sắp tới.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư