Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Góc nhìn TTCK tuần 7/8 - 11/8: Nhà đầu tư cần quan sát "lực đỡ" để hành động
Trương Thạch - 06/08/2023 12:57
 
“Dòng tiền lớn” vẫn đang luân phiên giữa các nhóm ngành. Tuy nhiên, VN-Index vẫn phải đối mặt với những phiên bán chốt lời trong tuần tới. Nhà đầu tư cần quan sát “lực đỡ” để có hành động phù hợp.

Kiểm định lần đầu thành công, VN-Index đóng cửa ở mốc 1.225,98 điểm

Sau khi chinh phục thành công mốc 1.200 điểm ở tuần trước, VN-Index đã có tuần kiểm định lại mốc tâm lý lớn với những phiên giao dịch nhiều cảm xúc. Đã có hơn 5,03 tỷ cổ phiếu sang tay theo hình thức khớp lệnh trong tuần, tương đương với giá trị giao dịch trung bình đạt mức hơn 21.300 tỷ đồng/ngày (tăng 12% so với tuần trước).

Sau khi mở “gap” tăng điểm ngay phiên đầu tuần, thì phiên tiếp theo ngay sau đó, VN-Index đã chứng kiến một lực chốt lời mạnh mẽ vào ngày 1/8, trong đó khối ngoại với lực bán ròng lên tới hơn 279 tỷ đồng. Thị trường tiếp tục có lực “xả” hàng mạnh vào phiên giao dịch ngày 3/8, áp lực bán khiến VN-Index dần lấp được “gap” đã mở từ đầu tuần, tuy nhiên, một phiên giao dịch đầy cảm xúc vào ngày 4/8 đã đưa VN-Index quay trở lại đà tăng khi đóng cửa tuần ở mốc 1.225,98 điểm.

Đóng góp vào phiên “trả điểm” vào ngày cuối tuần, khối ngoại quay trở lại mua ròng hơn 180 tỷ đồng. Đặc biệt, khối tự doanh dẫn dắt thị trường với lực mua ròng lên tới hơn 920 tỷ đồng tính riêng ngày 4/8.

Nguồn: FiinPro
Nguồn: FiinPro



Tổng kết lại, khối ngoại đã có một tuần giao dịch khá ảm đạm so với trước đó khi lực mua ròng chỉ hơn 79 tỷ đồng. Top 5 cổ phiếu được khối ngoại mua nhiều nhất là MSB, DCM, CTG, PNJ và MSN.

Nguồn: FiinPro
Nguồn: FiinPro

Trong khi đó khu vực tự doanh là nhóm dẫn dắt đà tăng của VN-Index tuần qua. Với 5 phiên mua ròng liên tục, đặc biệt là 2 phiên chốt lời mạnh của thị trường vào ngày thứ 3 (1/8), khối tự doanh đã mua ròng với hơn 626 tỷ đồng. Tổng kết, tự doanh đã mua ròng tới hơn 1.663 tỷ đồng. Top các cổ phiếu được tự doanh mua nhiều nhất trong tuần qua là GMD. VPB, HPG, STB và ACB. 

PMI Việt Nam cải thiện sau 5 tháng giảm liên tục

Tuần qua, S&P Global đã công bố PMI tháng 7 của Việt Nam. Theo đó, chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đã tăng lên 48,7 điểm trong tháng 7 - mức cao nhất trong 5 tháng qua. Mặc dù kết quả lần này (vẫn dưới ngưỡng 50 điểm) cho thấy hoạt động của ngành sản xuất tiếp tục suy giảm, nhưng đây là mức giảm nhẹ nhất trong 5 tháng qua.

Nguồn: Wichart
Nguồn: Wichart

Tiếp tục đà tăng trưởng, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7/2023 ước tính tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7/2023 đã tăng trở lại ở một số địa phương. Trong đó, Bắc Ninh là địa phương nổi bật với tốc độ tăng trưởng IIP đạt 23,8% so với tháng trước. Có thể thấy, tình hình sản xuất công nghiệp đã có những tín hiệu tích cực hơn ở các địa phương trọng điểm của cả nước. Nền kinh tế đang cảm nhận được một trạng thái khi những điều xấu nhất đang dần trôi qua.

Đầu tư nước ngoài tăng, giải ngân đầu tư công tích cực từ tháng 7

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng mức giải ngân đầu tư công 7 tháng đầu năm đạt 29.1030 tỷ đồng, đạt tăng 22,1% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 41,3% kế hoạch năm. Trong đó tính riêng tháng 7, tổng mức đầu tư công ước đạt 58.536 tỷ đồng, tăng 7,5% so với tháng trước.

Dấu hiệu bứt tốc trong việc giải ngân đầu tư công đã xuất hiện trong tháng 7. Tại các địa phương, tính riêng TP.HCM, tỷ lệ giải ngân so với kế hoạch chỉ đạt 28,5%, theo chuyên gia Phòng Môi giới Năng động ABS, CTCK Vietcap, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp này là do Thành phố tập trung giải quyết công tác giải ngân bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 3. Kỳ vọng trong những tháng tiếp theo khi TP.HCM giải quyết được nút thắt giải phóng mặt bằng tỷ tỷ lệ giải ngân đầu tư công sẽ tiếp tục đạt được những bước tiến dài so với kế hoạch năm của Quốc hội.

Thủ tướng chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn thị trường, cổ phiếu BĐS lập tức tăng vọt

Chiều 3/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản.

Tại Hội nghị, Bộ Xây dựng báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ; đánh giá khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và đề xuất giải pháp nhằm tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.

Mặc dù chỉ là cuộc họp tổng kết về công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản trong 7 tháng qua, tuy nhiên, phản ứng trước thông tin đó nhiều cổ phiếu đã lập tức tăng mạnh. Trong đó, điển hình có cổ phiếu NVL lập tức tăng trần sau phiên họp, các mã cổ phiếu khác như NLG, DXG, VHM cũng có phiên giao dịch cuối tuần với lực mua lớn.

Chuyên gia Phòng Môi giới Năng động ABS, CTCK Vietcap cho rằng, nhà đầu tư không nên FOMO theo đà tăng của cổ phiếu bất động sản trong giai đoạn này. Vì thực tế tình hình vĩ mô, chính sách tiền tệ cũng như các vấn đề về thị trường trái phiếu cho thấy nội tại các doanh nghiệp phát triển bất động sản còn đang gặp rất nhiều khó khăn, nếu FOMO theo thông tin chính sách trong giai đoạn này rất dễ gặp phải rủi ro giảm điểm trong ngắn hạn. Vì thực tế tình hình nội tại của thị trường bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc.

Mỹ bị hạ bậc tín nhiệm, Anh nâng lãi suất cao kỷ lục

Nhìn ra thế giới, vào ngày 1/8 Fitch đã hạ xếp hạng tín dụng hàng đầu của chính phủ Hoa Kỳ xuống AA+ từ AAA, với lý do tài chính dự kiến sẽ suy thoái trong 3 năm tới cũng như gánh nặng nợ chung của chính phủ.

Theo quan điểm của Fitch, đã có sự suy giảm liên tục trong các tiêu chuẩn quản trị trong 20 năm qua, bao gồm cả các vấn đề tài chính và nợ, bất chấp thỏa thuận lưỡng đảng hồi tháng 6 về việc đình chỉ giới hạn nợ cho đến tháng 1/2025. Phản ứng trước hành động của Fitch, thị trường chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm điểm trong phiên giao dịch 2/8. Khép lại phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm gần 350 điểm, hay 1%, xuống 35.282,52 điểm. Trong khi đó, chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm 1,4% xuống 4.513,39 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq giảm đến 2,2% và đóng phiên với 13.973,45 điểm.

Đây không phải lần đầu nước Mỹ bị hạ xếp hạng tín nhiệm, trước đó vào năm 2011 khi nước Mỹ đối diện với cuộc khủng hoảng nợ công, một “ông lớn” xếp hạng tín nhiệm khác là Standard & Poor's đã hạ xếp hạng 'AAA' hàng đầu của Hoa Kỳ xuống một bậc vài ngày sau thỏa thuận trần nợ, với lý do phân cực chính trị và không đủ các bước để điều chỉnh triển vọng tài chính của quốc gia.

Ở bên kia Đại Tây Dương, ngày 3/8, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã nâng lãi suất chủ chốt lên mức cao nhất trong vòng 15 năm nhằm kiềm chế lạm phát vẫn ở mức cao. Theo đó, BoE đã nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm lên 5,25%, đánh dấu đợt tăng lãi suất thứ 14 liên tiếp của cơ quan điều hành chính sách tiền tệ ở quốc gia này. Mức tăng trên cũng đúng như các dự báo trước đó của các chuyên gia. Tuần trước, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đều đã tăng lãi suất, tuy nhiên nhiều khả năng 2 ngân hàng này sẽ dừng áp dụng biện pháp này sớm hơn Anh vì lạm phát tại Khu vực Eurozone và Mỹ đã có những dấu hiệu giảm mạnh. 

VN-Index: Lực mua mạnh, thị trường dần chấp nhận mức cân bằng mới

Sau khi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp được công bố đầy đủ, VN-Index đã xác lập ở một mức định giá mới với P/E thị trường đạt mức 14,51. VN-Index cần thời gian để kiểm định lại vùng cân bằng mới như hiện tại. Nếu sau 1 - 2 tuần, Vn-Index vẫn giữ được sự đồng pha và tiến sát tới vùng tiệm cận với PE thị trường thì có thể khẳng định thị trường đã xác lập được vùng cân bằng mới. Và tại vùng cân bằng này, sẽ khó có biến động mạnh trước khi các nhà đầu tư tiếp tục đặt kỳ vọng vào sự phục hồi của kinh tế vĩ mô và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp ở quý III.

Nguồn: FiinPro
Nguồn: FiinPro

Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, thị trường tăng điểm với thanh khoản tăng mạnh là tín hiệu tích cực. Điều này cho thấy dòng tiền lớn vẫn còn đang trong thị trường, lực bắt đáy luôn luôn sẵn sàng khi thị trường có sự điều chỉnh. Điều này đã được thể hiện rõ nét vào phiên giao dịch ngày thứ 3 tuần vừa qua (ngày 1/8), khi mà khối tự doanh đã mua ròng mạnh khi thị trường có dấu hiệu bán  “chốt lời”. 

Nguồn: FireAnt

Nguồn: FireAnt

VN-Index đã có một tuần kiểm định ngưỡng tâm lý 1.200 điểm thành công khi vẫn duy trì được đà tăng, xu hướng dòng tiền tích cực. Trong tuần giao dịch sắp tới, thị trường vẫn sẽ tiếp tục kiểm định ngưỡng tâm lý này. Dự kiến, VN-Index sẽ có lực bán chốt lời ở những nhà đầu tư đã đạt “target”. Điều này sẽ làm chi VN-Index sẽ có những phiên biến động tăng - giảm mạnh. Với các nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao, đang nắm giữ cổ phiếu đã có lời, giá vốn tốt, có thể canh những nhịp chốt lời của thị trường để “trade T0” ở một tỷ trọng vừa phải để tối đa hóa lợi nhuận. 

Tuần tới, nếu vào những phiên biến động giảm điểm tiếp tục có dòng tiền lớn “đỡ” thị trường như tuần giao dịch vừa qua, thì càng có cơ sở củng cố cho việc VN-Index xác lập được vùng cân bằng mới. Còn nếu lực bán quá mạnh mà không có dòng tiền “lớn” đỡ thị trường như tuần vừa qua, thì có thể thị trường sẽ có một nhịp điều chỉnh ngắn hạn, nếu kịch bản này xảy ra, theo chuyên gia Phòng Môi giới Năng động ABS, CTCK Vietcap, các nhà đầu tư nên chốt lời một phần danh mục, chờ nhịp điều chỉnh để “cover” lại hàng.

Nối dài chuỗi bán ròng, khối ngoại thu về 6.900 tỷ đồng từ đầu quý II
Khối ngoại trong tháng 7 bán ròng trên hai sàn HoSE và UPCoM, trong khi nối dài chuỗi mua ròng ở sàn HNX. Đây cũng là tháng thứ 4 liên tiếp dòng vốn ngoại...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư