Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Gói cấp bù lãi suất 40.000 tỷ đồng: Ai được vay, ai dám cho vay?
Hà Tâm - 11/12/2021 09:16
 
Hơn 1 triệu tỷ đồng tín dụng lãi suất thấp có thể được bơm ra thị trường, nếu gói cấp bù lãi suất 40.000 tỷ đồng được phê duyệt.

Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cổ phần khẳng định, tiền nhiều  cũng không có ý nghĩa, bởi nếu cơ chế không rõ ràng, ngân hàng không dám cho vay và doanh nghiệp không thể tiếp cận khoản vay. 

Nhiều doanh nghiệp đang mong ngóng gói cấp bù lãi suất 40.000 tỷ đồng.  

Hơn 1 triệu tỷ đồng lãi suất thấp: Doanh nghiệp mừng, ngân hàng lo

Bộ Tài chính đang tham mưu Chính phủ gói hỗ trợ cấp bù lãi suất 40.000 tỷ đồng, mức cấp bù lãi suất 2-3%/năm. Quy mô gói cấp bù, cơ chế giải ngân, đối tượng vay… đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Tài chính tính toán. Gói tín dụng hỗ trợ quy mô lớn khiến nhiều doanh nghiệp hy vọng, song cơ chế cho vay chưa rõ, cộng với quan điểm của cả NHNN và Bộ Tài chính là NHNN là sẽ không hạ chuẩn tín dụng đang khiến nhiều ngân hàng băn khoăn.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện nhiều ngân hàng TMCP cho hay, bản thân ngân hàng luôn xác định đồng hành với doanh nghiệp, vì doanh nghiệp khỏe thì ngân hàng mới khỏe. Tuy nhiên, nếu như chính sách không rõ ràng, ngân hàng không dám cho vay, bởi sợ trách nhiệm sau này.

Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công cho biết, cách đây ít lâu, lãnh đạo một ngân hàng TMCP đã chia sẻ với ông rằng, hỗ trợ doanh nghiệp là trách nhiệm của ngân hàng. Bằng nguồn lực của mình, ngân hàng đã hỗ trợ hết sức. Tuy nhiên, với nguồn lực từ Chính phủ, cơ chế cho vay phải rõ ràng.

“Ngân hàng rất muốn vào cuộc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, song chính sách phải rõ ràng, đồng bộ thì họ mới dám triển khai”, ông Tùng cho hay.

Xác nhận thực tế này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho hay, gói hỗ trợ lãi suất quy mô khá lớn, song có tiền chưa chắc cho vay được.

“Không hạ chuẩn cho vay thì doanh nghiệp làm sao vay được? Còn với ngân hàng, nếu như bây giờ cho vay, vài năm sau nợ xấu xảy ra thì ai chịu trách nhiệm? Xử lý trích lập dự phòng rủi ro sẽ ảnh hưởng như thế nào đến an toàn, đến hệ số tín nhiệm?... Đó là các vấn đề mà ngân hàng tâm tư nhất”, ông Hùng nói.

Theo đại diện Hiệp hội Ngân hàng, để triển khai gói hỗ trợ lãi suất, vấn đề đầu tiên đặt ra là chính sách, hành lang pháp lý nào để triển khai, chứ không phải vấn đề bao nhiêu tiền. Bởi bản thân chính sách hợp lý sẽ tạo ra tiền, khơi thông dòng vốn, còn chính sách không hợp lý thì tiền có nhiều đến mấy cũng không đi vào cuộc sống.

Nhiều ngân hàng TMCP cũng cho hay, từ khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, hàng loạt khách hàng rơi vào nợ xấu và được ngân hàng cơ cấu nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, nhưng nếu tới đây, Thông tư hết hiệu lực, nếu không có cơ chế đặc biệt, các khách hàng này sẽ lập tức rơi vào nợ xấu, không có cơ hội tiếp cận gói kích cầu. Trong khi đó, suốt 2 năm qua, ngành ngân hàng nhiều lần đề nghị chính sách khoanh nợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, song vẫn chưa được chấp thuận. Nếu những doanh nghiệp này không được khoanh nợ, đương nhiên sẽ không có cơ hội tiếp cận gói kích cầu.

“Gói tín dụng hỗ trợ lãi suất lớn đến mấy cũng không có ý nghĩa, nếu doanh nghiệp không đủ điều kiện vay”, lãnh đạo một ngân hàng TMCP khẳng định.

Không có chuyện bơm tiền ồ ạt

Theo TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, có thể trong tháng 12 này, Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội sẽ được ban hành, Quốc hội cũng sẽ vào cuộc sửa một số luật để các gói hỗ trợ được nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Bài học hỗ trợ lãi suất năm 2009 vẫn còn nguyên. Chính vì vậy, gói hỗ trợ lãi suất lần này phải được nắn để chảy vào sản xuất - kinh doanh, phải rất cảnh giác với vốn hỗ trợ bị lợi dụng để trục lợi, dòng tiền hỗ trợ được sử dụng để đầu cơ tài chính, thay vì sản xuất - kinh doanh. Chính vì vậy, lần này, cơ chế, tiêu chí cho vay và hành lang pháp lý phải thật rõ ràng.

- TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế

Riêng với gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng, tương ứng mỗi năm có hơn nửa triệu tỷ đồng vốn rẻ được bơm ra nền kinh tế, đã có những nỗi lo về khả năng gói hỗ trợ này sẽ gây ra lạm phát. Tuy vậy, ông Thành cho rằng, NHNN đã rất cảnh giác với lạm phát, kiểm soát rất chặt cung tiền. Do đó, năm tới, tăng trưởng tín dụng tính cả gói hỗ trợ lãi suất cũng chỉ tăng tổng cộng 12-13%, tương đương với mức tăng trưởng tín dụng năm nay.

Mặc dù tổng cung tiền được dự đoán không tăng mạnh, song điều khiến nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại nhất là dòng vốn này có thể chảy sang các lĩnh vực nóng, thay vì chảy vào sản xuất - kinh doanh. Thực tế, nguy cơ bong bóng tài sản từ dòng tiền đầu cơ càng trở nên rõ ràng hơn khi hai năm qua, nền kinh tế suy giảm, trong khi các kênh đầu cơ như tăng rất mạnh. Tình hình này, nếu kéo dài, sẽ đe dọa tới ổn định kinh tế vĩ mô.

Để đảm bảo tính công khai minh bạch, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia đề xuất, Bộ Tài chính nên là cơ quan phê duyệt đối tượng doanh nghiệp nào được cấp bù lãi suất, bởi Bộ Tài chính rất hiểu “sức khỏe” của doanh nghiệp thông qua tình hình nộp thuế. Khi Bộ Tài chính gửi danh sách doanh nghiệp đủ điều kiện cấp bù, nếu đủ điều kiện cho vay, các ngân hàng thương mại sẽ cho vay với lãi suất bình thường. Còn phần cấp bù lãi suất, doanh nghiệp nhận tại Bộ Tài chính. Như vậy, ngân hàng mới dám mạnh dạn cho vay và cũng tránh được lo ngại “sân trước - sân sau”.

Cần bơm gói hỗ trợ 7 - 8 tỷ USD, lấy tiền từ đâu?
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, để tăng trưởng GDP 6 - 6,5% vào năm 2022, cần phải bơm ngay gói hỗ trợ tài khóa 7-8 tỷ USD. Vấn đề là lấy tiền đâu ra để hỗ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư