Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Gói thầu đường Đ4 và N1 (Bình Dương): Vòng xoáy lùm xùm mới
Ngọc Tuấn - 01/12/2016 08:55
 
Trước những bất thường ở khâu chấm thầu, nhà thầu Đại Việt đã khiếu nại tới chủ đầu tư và kiến nghị lên Cục Quản lý đấu thầu để làm rõ tính minh mạch. Câu chuyện lựa chọn nhà thầu Dự án đường Đ4 và N1 (Bình Dương) vào vòng xoáy lùm xùm mới.

Trong số ra thứ Hai, ngày 21/11/2016, Báo Đầu tư đã phản ánh những nghi vấn về sự thiếu minh bạch trong gói thầu thi công xây dựng đường Đ4 và N1. Trong đó, nhà thầu Đại Việt (Công ty TNHH Xây dựng và Cầu đường Đại Việt) cho rằng, bên mời thầu làm khó nhằm triệt hạ mình bằng cách “dội bom” hàng loạt văn bản yêu cầu làm rõ hồ sơ mời thầu. Bên cạnh đó, việc quyết định và thông báo kết quả chấm kỹ thuật có nhiều bất thường khó lý giải.

Ông Trần Ngọc Lư, đại diện nhà thầu Đại Việt cho rằng, việc loại Đại Việt ở vòng kỹ thuật là phi lý. “Dẫn chứng là trong hồ sơ mời thầu có phần tiêu chuẩn đánh giá với mức đánh giá đạt và không đạt. Tuy nhiên, cùng một tiêu chí đó, tư vấn mời thầu vẽ ra “chuyện không tưởng” là nhà thầu đạt tiêu chuẩn đánh giá, nhưng không đạt điểm tối thiểu. Trong trường hợp này, chỉ có thể hiểu là bên tư vấn mời thầu là Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế xây dựng Việt Trẻ (Công ty Việt Trẻ) hoặc để xảy ra sai sót trong quá trình lập hồ sơ mời thầu, hoặc cố tình để tiêu chuẩn “kép”, mập mờ nhằm mục đích “chơi chữ”, diễn giải theo cách bất lợi để loại nhà thầu”, ông Lư nói và cho rằng, khái niệm “hợp đồng tương tự” đưa ra trong hồ sơ là không ổn.

Lùm xùm trong khâu lựa chọn nhà thầu đã kéo dài 4 tháng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Dự án đường Đ4 và N1. Ảnh: Ngọc Tuấn
Lùm xùm trong khâu lựa chọn nhà thầu đã kéo dài 4 tháng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án đường Đ4 và N1. Ảnh: Ngọc Tuấn

Giữ quan điểm cho rằng, việc đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật không đạt là bất hợp lý, ngày 17/11, nhà thầu Đại Việt gửi khiếu nại tới Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bình Dương (Ban quản lý) - chủ đầu tư dự án.

Ngày 21/11, bên tư vấn đấu thầu gói này là Công ty Việt Trẻ có Văn bản số 485/CV-VCDC trả lời khiếu nại. Tại văn bản này, Công ty Việt Trẻ viện dẫn Thông tư 03/2015/TT-BKHĐT do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành ngày 6/5/2015 để giải thích khái niệm “hợp đồng tương tự”.

Cụ thể, hợp đồng tương tự là hợp đồng đã thực hiện toàn bộ, trong đó công việc xây lắp có các tính chất tương tự với gói thầu đang xét. Hợp đồng tương tự được đánh giá là đạt yêu cầu khi đáp ứng đủ hai yếu tố:

Thứ nhất, tương tự về bản chất và độ phức tạp: có cùng loại và cấp công trình tương tự hoặc cao hơn cấp công trình yêu cầu cho gói thầu này theo quy định của pháp luật về xây dựng. Đối với các công việc đặc thù, có thể chỉ yêu cầu nhà thầu phải có hợp đồng thi công tương tự về bản chất và độ phức tạp đối với các hạng mục chính của gói thầu.

Thứ hai, tương tự về quy mô công việc: có giá trị công việc xây lắp bằng hoặc lớn hơn 70% giá trị công việc xây lắp của gói thầu đang xét.

Trên cơ sở phân tích 2 hợp đồng kinh nghiệm của nhà thầu Đại Việt, tư vấn đấu thầu Việt Trẻ đưa ra nhận xét rằng, các hợp đồng này không đáp ứng về bản chất và độ phức tạp, cũng như không đáp ứng về mặt quy mô, nên khẳng định việc đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật của nhà thầu Đại Việt là chính xác.

Theo quan sát của phóng viên Báo Đầu tư, tới cuối tuần qua, quan điểm của các bên vẫn còn sự khác biệt rất lớn. Có thể nhận thấy, dù cùng một “đề bài”, song cách quy chiếu và diễn giải của bên mời thầu và nhà thầu Đại Việt theo các huớng rất khác nhau và các bên đều khẳng định, lý lẽ của mình là đúng.

Thực tế trên phản ánh một điều rằng, “đề bài” đấu thầu gói này có sự bất nhất, thậm chí mập mờ, gây khó hiểu và bên mời thầu có thể diễn giải theo hướng có lợi cho mình. Điều đáng nói là, trong trường hợp này, Ban quản lý cần thể hiện vai trò chủ đầu tư và đưa ra quan điểm của mình, nhưng “quả bóng” trách nhiệm được đưa đẩy qua lại với tư vấn đấu thầu.

Sự thiếu quyết đoán của chủ đầu tư còn thể hiện tại Văn bản số 706/QLDA-KT.TH được Ban quản lý ký ban hành ngày 21/11 gửi nhà thầu Đại Việt nêu điệp khúc quen thuộc là “báo cáo cấp thẩm quyền xem xét quyết định”.

Nghi vấn quyền lợi của mình bị xâm hại do những thiếu minh bạch, nhà thầu Đại Việt cũng kiến nghị lên Cục Quản lý đấu thầu. Ngày 22/11, Cục Quản lý đấu thầu có Văn bản số 1195/QLĐT-ĐT gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương và Ban quản lý đề nghị xem xét, xác minh các thông tin mà nhà thầu Đại Việt nêu. Trường hợp phát hiện vi phạm, Cục đề nghị báo cáo người có thẩm quyền xử lý nghiêm theo đúng quy định và gửi quyết định xử lý vi phạm về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để theo dõi, tổng hợp.

Cục Quản lý đấu thầu cũng lưu ý 2 nội dung. Một là, việc lập hồ sơ mời thầu phải tuân thủ theo quy định tại Điều 23, Nghị định 63/2014/NĐ-CP và Thông tư 03/2015/TT-BKHĐT. Theo đó, hồ sơ mời thầu không được nêu bất kỳ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.

Hai là, việc làm rõ hồ sơ dự thầu phải thực hiện theo quy định tại Điều 16, Nghị định 63/2014/NĐ-CP về đảm bảo đủ thời gian để nhà thầu chuẩn bị tài liệu làm rõ.

Trở lại Văn bản 485/CV-VCDC gửi Ban quản lý, Công ty Việt Trẻ đề nghị “chủ đầu tư cho cơ quan thẩm quyền thẩm định, thanh tra và kết luận”. Xem ra, các bên đã sẵn sàng cho kịch bản “đáo tụng đình”. Sự phức tạp trong công tác lựa chọn nhà thầu gói thầu thi công xây dựng đường Đ4 và N1 đã kéo dài 4 tháng. Chưa biết diễn biến sẽ đi về đâu, song chắc chắn một điều là những “lùm xùm” nói trên ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện dự án, kế hoạch giải ngân xây dựng công trình và hiệu quả đồng vốn ngân sách.

Báo Đầu tư tiếp tục theo dõi và thông tin tới bạn đọc về tiến trình xử lý sự việc của các cơ quan quản lý nhà nước tỉnh Bình Dương.

Băm nát các gói thầu tư vấn, Dự án đường tránh đô thị Gia Nghĩa lê lết
Việc chủ đầu tư Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) Đăk Nông non tay trong công tác quản lý đã khiến Dự án Xây dựng đường tránh đô thị Gia Nghĩa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư