Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Hạ lãi suất, tiếp sức vốn rẻ cho doanh nghiệp
Hà Tâm - 18/03/2020 08:24
 
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa hạ lãi suất xuống gần 0%. Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng hạ một loạt lãi suất điều hành kể từ hôm qua (17/3). Hạ lãi suất có phải là điều doanh nghiệp cần nhất lúc này?
TIN LIÊN QUAN
Việc NHNN hạ các lãi suất điều hành là cơ sở để các ngân hàng giảm chi phí đầu vào, từ đó hỗ trợ tốt hơn với doanh nghiệp.
Việc NHNN hạ các lãi suất điều hành là cơ sở để các ngân hàng giảm chi phí đầu vào, từ đó hỗ trợ tốt hơn với doanh nghiệp.

Xoay xở tiền để cầm cự

Ông Nguyễn Công Hoan, Phó tổng giám đốc Hanoi Redtour cho hay, cả tháng nay, Công ty không có doanh thu, trong khi vẫn phải trả chi phí để duy trì bộ máy hoạt động. Dịch bệnh xảy ra, khách hàng đồng loạt hủy tour, Công ty phải hoàn lại hầu hết tiền đặt cọc cho khách, song không được hoàn khoản đặt cọc tại các hãng hàng không, mà chỉ được hoãn.

“Nếu tình hình này kéo dài, chắc chắn phải tính tới phương án vay ngân hàng để có chi phí hoạt động. Hạ lãi suất là rất cần cho doanh nghiệp, nhưng lãi suất vay thời điểm này không quan trọng bằng việc ngân hàng cho vay dài hạn, vì khó khăn với các hãng lữ hành sẽ còn rất lâu”, ông Hoan đề nghị.

Giống như Hanoi Redtour, hàng loạt doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, nhà hàng ăn uống… đang phải xoay xở để cầm cự trong bối cảnh doanh thu sụt giảm 50-80%. Nhiều chủ doanh nghiệp đã phải dốc hết tiền tiết kiệm để trả lương nhân viên, tiền thuê mặt bằng, chi phí lãi vay ngân hàng.

“Đặc điểm của ngành du lịch là rất khó tuyển dụng nhân viên chất lượng cao. Nếu hiện tại không duy trì, nhân viên bỏ đi, thì sau dịch bệnh, rất khó tận dụng cơ hội phục hồi”, lãnh đạo một công ty lữ hành chia sẻ.

Việc NHNN giãn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất… khiến nhiều doanh nghiệp phấn khởi. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng, dịch bệnh diễn biến quá nhanh, nên những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ cần được mở rộng. 

Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh nhận định: “Nợ xấu sẽ tăng lên rất nhanh từ cuối tháng 4/2020 nếu không giãn nợ. Hiện NHNN đã cho phép cơ cấu kỳ hạn trả nợ, giảm lãi suất, đây là hỗ trợ rất thiết thực cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, để giải quyết khó khăn, doanh nghiệp cần được bơm tiền tươi như một số nước đã làm, chứ không chỉ giãn nợ, giảm lãi suất”, ông Thông đề nghị.

Ông Đinh Minh, Chủ tịch HĐQT MiGroup (kinh doanh dịch nhà hàng, du lịch) cũng cho rằng, ngoài các giải pháp giãn thuế, hoãn thanh toán bảo hiểm xã hội, cần có giải pháp mạnh hơn để hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, như cho vay thế chấp tài sản với lãi suất 2-3%/năm. Chỉ với biện pháp này, doanh nghiệp mới có thể tiếp tục cầm cự, tạo việc làm cho nhân viên.

Được biết, các ngân hàng đã đưa ra gói tín dụng 285.000 tỷ đồng, gồm cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, miễn giảm phí và lãi vay cho doanh nghiệp. Việc NHNN hạ hàng loạt lãi suất điều hành kể từ ngày17/3 là cơ sở để ngân hàng thương mại giảm chi phí đầu vào, từ đó có điều kiện hỗ trợ tốt hơn với doanh nghiệp.

Hạ lãi suất là chưa đủ cứu doanh nghiệp

Mức giảm các lãi suất điều hành mà NHNN đưa ra lần này khá mạnh tay. Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất cho vay qua đêm giảm 1%/năm, lãi suất tái chiết khấu giảm 0,5%/năm, trần lãi suất huy động giảm 0,25%/năm, trần lãi vay lĩnh vực ưu tiên giảm 0,5%/năm...

Quyết định được NHNN đưa ra sau khi Fed bất ngờ đưa ra quyết định hạ thêm 1% lãi suất, đưa lãi suất xuống mức thấp kỷ lục, chỉ còn 0-0,25%, mà không cần đợi phiên họp chính sách (sẽ kết thúc vào 18/3). Từ đầu tháng 2/2020 đến nay, đã có hơn chục ngân hàng trung ương quốc gia, khu vực hạ lãi suất hoặc tung ra các gói kích thích kinh tế

Theo TS. Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, việc NHNN xem xét giảm lãi suất điều hành là phù hợp với xu thế chung của thế giới. Chưa kể, tăng trưởng kinh tế trong nước cũng chịu nhiều sức ép do sự suy giảm từ cả phía cầu lẫn phía cung. Dù vậy, rút kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng năm 2008, NHNN vẫn nên điều hành chính sách tiền tệ một cách thận trọng.

“Việc giảm lãi suất không quá cấp bách. Quan trọng nhất là đảm bảo thanh khoản toàn hệ thống”, TS. Thành kiến nghị.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng cũng cho rằng, việc NHNN hạ lãi suất sẽ không hỗ trợ nhiều cho nền kinh tế, do trong bối cảnh chịu cú sốc ngắn hạn hiện nay, điều mà người dân và doanh nghiệp cần chính là dòng tiền, thanh khoản hỗ trợ tức thì, trong khi việc giảm lãi suất có độ trễ. Dư địa giảm lãi suất ở Việt Nam cũng không nhiều, sức hấp thụ vốn thấp (tín dụng 2 tháng đầu năm chỉ tăng 0,1%).

“Giải pháp quan trọng hàng đầu hiện nay là phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả và ưu tiên sử dụng các chính sách tài khóa hơn là chính sách tiền tệ, vì chính sách tài khóa đi vào cuộc sống tức thì, không có độ trễ như chính sách tiền tệ”, ông Lực nói.

Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, dịch bệnh đang ảnh hưởng cấp số nhân tới doanh nghiệp, nặng nề hơn nhiều so với dự báo cách đây 1 tuần. Chính vì vậy, việc giảm lãi suất là rất cần thiết. Song bên cạnh đó, NHNN cũng cần cân nhắc đưa ra gói kích cầu như các nước đang triển khai, dĩ nhiên cần nghiên cứu kỹ đối tượng và cách thức thực hiện để tránh sai lầm như giai đoạn trước.

“Nếu dịch lan rộng, mức độ tác động mạnh, thì cần phải tính tới các biện pháp hỗ trợ mạnh hơn, thậm chí nới lỏng tiền tệ, bơm gói hỗ trợ ở mức độ nhất định”, ông Bùi Đức Thụ, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đề xuất.

Quan trọng nhất hiện nay là chống dịch

Ông Trương Văn Phước, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia

Fed càng giảm lãi suất thì thị trường chứng khoán Mỹ càng giảm điểm, cho thấy giảm lãi suất không trị được “bệnh” do virus gây ra. Tuy nhiên, hàm ý của Fed sau động thái giảm lãi suất mới đây là thông điệp rằng, dịch Covid-19 rất nghiêm trọng, họ đã dùng hết “thuốc” trong “tủ thuốc” để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế, dù có thể là không có tác dụng.

Trong thời điểm hiện nay, mạng sống của người dân là quan trọng nhất, phải an toàn, phải tồn tại trước khi nói các chuyện khác, kể cả kinh tế. Việt Nam cũng như vậy, điều quan trọng nhất hiện nay là chống dịch.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư