Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hà Nội cảnh giác nguy cơ dịch bùng phát
D.Ngân - 01/10/2021 14:44
 
Sau nhiều ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19 tại cộng đồng, chỉ trong 1 ngày Hà Nội liên tiếp phát hiện 7 mắc mới, dấy lên lo ngại dịch tái bùng phát.

Chỉ sau hơn 24 giờ vừa qua, Hà Nội đã ghi nhận liên tiếp 7 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng, trong đó có ca bệnh liên quan tới Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Trưa ngày 1/10, tin từ CDC Hà Nội cho hay đã phát hiện thêm 3 ca mắc Covid-19 mới ở các tỉnh có liên quan tới ca bệnh tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Hà Nội vẫn tiềm ẩn nguy cơ dịch cao nếu không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.

Đây là con số đáng báo động bởi trước đó, Hà Nội đã trải qua 5 ngày không có thêm ca nhiễm trong cộng đồng. Số người dương tính với Covid-19 của thành phố thời gian qua cũng đang có xu hướng giảm.

Từ vụ phát hiện các các cộng đồng này nhiều người liên tưởng lại đêm “chơi trăng” khi các con phố cổ Hà Nội chìm trong biển người. Chẳng may, chỉ cần một ca bệnh lẩn khuẩt đâu đó thì hậu họa khôn lường.

Với ca bệnh vừa phát hiện tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức một số ý kiến cho hay, bệnh viện là phòng tuyến cuối cùng chống dịch, nếu phát sinh ổ dịch sẽ rất phức tạp.

Sở dĩ như vậy là do hiện vẫn chưa thể xác định được nguồn lây trong khi đó, việc người dân từ nhiều địa phương tới khám và điều trị tại bệnh viện, có sự tiếp xúc giữa các tỉnh, thành phố khác nhau mang đến những mối nguy hiểm nhất định.

Bài học nhãn tiền về việc lây nhiễm Covid-19 trước đó tại nhiều cơ sở y tế khiến công tác khám chữa bệnh tê liệt càng khiến người dân Thủ đô lo ngại.

Đứng trước tình hình này, theo các chuyên gia Hà Nội sẽ cần chủ động đưa ra các biện pháp phòng, chống sự lây lan virus để ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch. Bản thân người dân phải tuyệt đối tránh lâm lý chủ quan sau khi Hà Nội quyết định nới lỏng giãn cách.

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, cho biết hiện vẫn chưa thể đánh giá được chính xác mức độ lây lan của SARS-CoV-2 từ những ca nhiễm trong cộng đồng vừa phát hiện. Nguyên nhân là thành phố cần đợi kết quả xét nghiệm sàng lọc tại những khu vực liên quan.

Về phía chuyên gia, ông Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp các sự kiện công cộng của Bộ Y tế nhận định, việc Hà Nội ghi nhận liên tiếp các trường hợp dương tính với Covid-19 mới đây là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Do vậy để kiểm soát dịch Hà Nội sẽ phải tiếp tục đẩy mạnh truy vết và khoanh vùng. Điều quan trọng nhất ở thời điểm này là làm sao nhanh chóng phong tỏa được ổ dịch. Chúng ta cần cố gắng kiểm soát ổ dịch ở phạm vi nhỏ nhất, qua đó mới có thể khống chế tình hình.

Còn theo ý kiến của ông Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, người dân Hà Nội thời gian này cần thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế, tuyệt đối không được chủ quan.

Hà Nội nới lỏng giãn cách là đúng đắn, tuy nhiên do dịch vẫn tiềm ẩn nguy cơ, nên người dân không nên có tâm lý chủ quan. "Càng lúc này, người dân càng phải nâng cao ý thức, nâng cao cảnh giác. Người dân cứ chủ quan, lơ là thì dịch bệnh lại bùng lên, mọi nỗ lực lại phải làm từ đầu, lại giãn cách, phong toả", ông Trần Đắc Nga nêu vấn đề.

Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cũng nhận định việc tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh Covid-19 vẫn là biện pháp quan trọng nhất để giúp các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 có triệu chứng nhẹ, không cần nhập viện. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tỷ lệ tử vong do mắc Covid-19 sẽ giảm.

Về phía Thành phố Hà Nội, theo Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, vừa qua thành phố đã dần nới lỏng giãn cách, song trên quan điểm thận trọng vì nguy cơ dịch vẫn còn, biến chủng mới của Covid-19 rất nguy hiểm, khó lường, có tốc độ lây lan nhanh; trong khi tỷ lệ tiêm vắc-xin mũi 2 còn rất thấp, chưa tạo được miễn dịch cộng đồng và phải chờ nguồn phân bổ vắc-xin từ Bộ Y tế. 

Tuy vậy Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng thừa nhận, tâm lý một bộ phận người dân lại rất chủ quan. Mặc dù thành phố cho phép hoạt động thể dục, thể thao ngoài trời với yêu cầu không được tập trung quá 10 người, nhưng nhiều nơi công cộng đã có hiện tượng tụ tập đông người, một số người còn không đeo khẩu trang.

Để thích ứng an toàn với dịch theo ông Dũng, Thành phố sẽ đi từng bước chắc chắn để thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh để phục hồi và phát triển kinh tế

Song song với các biện pháp đồng bộ, toàn diện, có 3 biện pháp trọng tâm mà Hà Nội sẽ tập trung thực hiện.

Đầu tiên đó là việc siết chặt ý thức phòng, chống dịch của người dân, doanh nghiệp. Trong đó, người dân phải thực hiện "5K", tuân thủ khai báo y tế, quét mã QR, đưa việc này trở thành thói quen, nếp sống hằng ngày.

Bên cạnh đó là nâng cao khả năng dự báo và đáp ứng phòng chống dịch của hệ thống y tế dự phòng, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các bệnh viện; trọng tâm là chuẩn bị các kịch bản ứng phó với dịch bệnh, bảo đảm ở mức cao hơn trên nguyên tắc là không để F0 phải điều trị tại nhà; phát hiện sớm, điều trị ngay, giảm tối đa các ca bệnh chuyển nặng, các ca tử vong.

Ngoài ra, Hà Nội kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế tạo điều kiện phân bổ vắc-xin để trong tháng 10/2021 cơ bản tiêm phủ mũi 2 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 1; 

Để kiểm soát dịch, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, Thủ đô chuẩn bị sẵn sàng triển khai tiêm chủng cho người dân dưới 18 tuổi khi có vắc-xin và hướng dẫn của Bộ Y tế. 

Đồng thời tăng cường thực hiện tầm soát y tế, nhất là xét nghiệm tầm soát 2-3 ngày/lần tại các điểm phong tỏa, điểm có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, xét nghiệm sàng lọc các trường hợp ho, sốt tại cộng đồng và nhóm đối tượng nguy cơ khác để kiểm soát lây lan dịch bệnh.

Hà Nội cũng đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện tuyến trung ương phối hợp chặt chẽ với thành phố trong công tác tiêm vắc-xin cho người dân trên địa bàn, ứng dụng công nghệ thông tin, nhập liệu ngay sau khi tiêm.

Được biết, mục tiêu “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” được xác định là điều kiện, cơ sở để các địa phương tự tính toán và quyết định cấp độ dịch, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch song song với hoạt động khôi phục, phát triển kinh tế, tránh đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu mà Việt Nam đã và đang tham gia một cách sâu rộng. 

Do vậy, Hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” đang được Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 xây dựng cần được các bộ, ngành, địa phương góp ý với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Dịch Covid-19 không chỉ xuất hiện tại cộng đồng, mà còn xuất hiện tại các doanh nghiệp. Do vậy, không chỉ phòng, chống dịch tại cộng đồng mà cần cả chống dịch hiệu quả tại doanh nghiệp để có thể thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế. 

Nếu phòng, chống dịch tốt thì tạo điều kiện cho kinh tế phát triển, từ đó có nguồn lực quay trở lại cho công tác phòng, chống dịch.

Hà Nội đã tiêm vắc-xin mũi 1 cho hơn 5 triệu dân
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Thành phố Hà Nội cho biết, tổng số tiêm của các quận, huyện đến 18 giờ ngày 29/9 là 5.883.912 mũi tiêm,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư