Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Hà Nội: Chuẩn bị lượng hàng 26.000 tỷ đồng phục vụ nhu cầu Tết 2018
Thanh Nga - 27/12/2017 12:07
 
Đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của hơn 10 triệu dân Thủ đô trong dịp Tết Dương lịch 2018 và Tết Nguyên đán Mậu Tuất, Hà Nội đã chuẩn bị lượng hàng hóa dự trữ ước tính trên 521.900, tấn, trị giá khoảng 26.000 tỷ đồng. Cạnh đó, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đã được đẩy mạnh.
KHông khí mua sắm nhộn nhịp trong tháng khuyến mại Hà Nội 2017
KHông khí mua sắm nhộn nhịp trong tháng khuyến mại Hà Nội 2017

Hơn 500.000 tấn hàng hóa phục vụ Tết

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, ngay từ tháng 10/2017 đánh giá diễn biến thị trường cùng dự báo cung cầu hàng hóa trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Mậu Tuất, Sở đã triển khai đồng bộ các hoạt động, công tác phục vụ Tết cho nhân dân. Theo đó, các nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu, sản phẩm nông lâm sản khô, bánh - mứt - kẹo, bia - rượu - nước giải khát, xăng dầu… đã được các doanh nghiệp, đơn vị triển khai sản xuất, ký kết hợp đồng khai thác hàng hóa dự trữ để đảm bảo phục vụ nhu cầu đa dạng của nhân dân.

Dự kiến số lượng hàng hóa chuẩn bị để phục vụ nhân dân Thủ đô trong 2 tháng, từ 1/1/2018 đến 28/2/2018, sẽ khoảng 251.900 tấn hàng tiêu dùng thiết yếu (gạo 193.000 tấn, thịt lợn 50.000 tấn, thịt gà 14.000 tấn, thịt bò 13.800 tấn, rau củ - thực phẩm chế biến 220.000 tấn, bánh - mứt - kẹo 3.000 tấn, thủy hải sản 12.000 tấn), 120.000 m3 xăng dầu và 200 triệu lít  rượu - bia - nước giải khát. Ước tính, tống rgiá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn đạt khoảng 26.000 tỷ đồng (tăng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2017).

Để đảm bảo nguồn hàng hóa trên, Sở Công thương Hà Nội đã phối hợp với Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Thành phố gặp gỡ hơn 100 doanh nghiệp địa phương nhằm kết nối cung cầu hàng hóa giữa nhà sản xuất và nhà phân phối. Cùng với đó, tổ chức nhiều hội thảo giao thương với 300 doanh nghiệp thuộc 52 tỉnh, thành phố cả nước. Đã có hơn 600 biên bản ghi nhớ được kket làm tiền đề cho việc khai thác và tiêu thụ hàng hóa.

Bà Lan cho biết thêm, nhằm kích cầu tiêu dùng hàng hóa trong nhân dân Thủ đô, Sở đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiền đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội cùng các cơ quan liên quan triển khai chương trình Tháng khuyến mại Hà Nội 2017 với nhiều hoạt động: Lễ khai mạc Tháng khuyến mại, Ngày hội khuyến mại du lịch, Ngày Vàng khuyến mại, Tuần Vàng Online, Khởi nghiệp cùng doanh nghiệp và Hỗ trợ Vàng khuyến mại. Chương trình đã thu hút gần 1.000 doanh nghiệp tham gia với trên 1.000 điểm bán hàng khuyến mại tại địa bàn các quận, huyện, thị xã, cùng hơn 3.000 chương trình khuyến mại, đáp ứng cơ bản nhu cầu tiêu dùng cuối năm của nhân dân trên địa bàn Thành phố.

Cùng với sự “bùng nổ” trong Tháng khuyến mại Hà Nội 2017, cùng nhiều chương trình mua sắm như Tuần lễ nông sản an toàn 5 tỉnh/ thành phố, các phiên chợ Việt an toàn trên nhiều địa bàn, cùng trên 300 chuyến bán hàng lưu động tại các huyện ngoại thành… Hà Nội đã tạo nguồn cung hàng tiêu dùng dồi dào đến nhân dân Thủ đô.

Đề cao an toàn vệ sinh thực phẩm

Để đảm bảo chất lượng về sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết dương lịch 2018, Tết Nguyên đán Mậu Tuất và các lễ hội Xuân 2018 trên địa bàn TP. Hà Nội, phục vụ nhân dân đón Tết, vui Xuân an toàn, bảo đảm sức khỏe, các cơ quan chức năng của Thành phố đã vào cuộc ngay từ rất sớm.

Từ đầu năm đến nay, Sở Y tế đã tổ chức gần 800 đoàn thanh tra an toàn thực phẩm
Từ đầu năm đến nay, Sở Y tế đã tổ chức gần 800 đoàn thanh tra an toàn thực phẩm

Bà Lan cho biết, Sở Công thương đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, trong đó tập trung vào công tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hành vi đầu cơ, găm hàng nhằm đẩy giá lên cao… 

Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, Sở đã phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh kiểm tra, tuyên truyền vận động các cơ sở kinh doanh và người dân tham gia bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Thành phố hiện có khoảng 59.200 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Từ đầu năm đến nay, Sở Y tế đã tổ chức gần 800 đoàn thanh tra an toàn thực phẩm, xử phạt gần 1.700 cơ sở với số tiền hơn 4,2 tỷ đồng. Cùng với việc tổ chức thanh tra và xử phạt các cơ sở vi phạm, Sở Y tế cũng đã tổ chức lấy mẫu thực phẩm làm xét nghiệp 297 mẫu và xét nghiệm nhanh đạt 171.899 mẫu/185.847 mẫu.

Một trong những hoạt động đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết Dương lịch 2018 và Tết Nguyên đán Mậu Tuất là chương trình Tuần lễ an toàn thực phẩm Tết 2018.

Theo ông Hạnh, Sở Y tế sẽ tăng cường kiểm tra tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ mạnh trong dịp Tết như: rau, thịt, rượu, bia, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, dịch vụ ăn uống… Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra  là các cơ sở sản xuất tại các làng nghề, các cơ sở kinh doanh tại các chợ và siêu thị…

“Việc thực hiện Tuần lễ an toàn thực phẩm Tết 2018 hướng đến mục tiêu kiểm soát bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới. Đồng thời cũng khuyến cáo người dân nên mua hàng tại các địa chỉ uy tín, có thương hiệu, đã dược kiểm duyệt về vệ sinh an toàn thực phẩm”, ông Hạnh nhấn mạnh.

Hà Nội tổ chức Tháng khuyến mại với gần 1.000 doanh nghiệp tham gia
Thông tin trên được bà Trần Thị Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội cung cấp tại Hội nghị giao ban báo chí do Thành ủy tổ chức...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư