Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 05 năm 2024,
Hà Nội đã ghi nhận 800 ổ dịch sốt xuất huyết
Nhật Hạ - 31/10/2022 21:25
 
Từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đã ghi nhận 800 ổ dịch sốt xuất huyết tại 30/30 quận, huyện. Hiện còn 139 ổ dịch đang hoạt động tại 24 quận, huyện.

Vẫn còn 139 ổ dịch đang hoạt động tại 24 quận, huyện

Theo báo cáo mới nhất của Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh Thành phố Hà Nội, trong 2 tuần gần đây, số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tăng nhanh trên địa bàn Thủ đô.

Hà Nội tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phòng, chống sốt xuất huyết của địa phương theo phương châm "4 tại chỗ".

Trong tuần tính đến ngày 23/10, trên địa bàn Thành phố Hà Nội ghi nhận 1.420 ca sốt xuất huyết. Trong tuần tính đến ngày 30/10, số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết là 1.205 người, trong đó có 3 ca tử vong.

Tính đến ngày 30/10, Thành phố Hà Nội đã ghi nhận thêm 62 ổ dịch mới. Cụ thể, huyện Thanh Oai có 10 ổ dịch mới, quận Hà Đông có 10 ổ dịch mới, quận Đống Đa có 8 ổ dịch mới, quận Bắc Từ Liêm có 4 ổ dịch mới, quận Hoàng Mai có 4 ổ dịch mới, quận Nam Từ Liêm có 3 ổ dịch mới, quận Thanh Xuân có 3 ổ dịch mới, quận Tây Hồ có 3 ổ dịch mới, quận Long Biên có 3 ổ dịch mới, huyện Hoài Đức có 2 ổ dịch mới, quậnBa Đình có 2 ổ dịch mới…

Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Thủ đô Hà Nội đã ghi nhận 800 ổ dịch tại 30/30 quận, huyện. Hiện còn 139 ổ dịch đang hoạt động tại 24 quận, huyện. Trong đó, một số ổ dịch hoạt động có nhiều bệnh nhân là thôn Bùng, Phùng Xá (huyện Thạch Thất); Phượng Trì, thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng), Ngọc Đình, Hồng Dương (huyện Thanh Oai).

Chủ động phòng chống dịch sốt xuất huyết

Để chủ động phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn Thành phố Hà Nội, ngày 30/9, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký, ban hành Công điện số 06/CĐ-UBND về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn.

Theo đó, Công điện yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn, tuyệt đối không để tình trạng lơ là, chủ quan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; phân cấp, gắn trách nhiệm của các cấp chính quyền trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue.

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các quận, huyện, thị xã đánh giá kết quả công tác phòng, chống dịch qua số lượng người bệnh và kết quả xử lý các ca bệnh, ổ dịch trên địa bàn; huy động các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tham gia triển khai công tác phòng, chống sốt xuất huyết; tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phòng, chống sốt xuất huyết của địa phương theo phương châm "4 tại chỗ"; chủ động bố trí kinh phí, cơ số vật tư tiêu hao, trang thiết bị, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue tại địa phương…

Các địa phương kiện toàn các tổ giám sát cộng đồng, đội xung kích diệt bọ gậy theo hướng dẫn của ngành Y tế; tổ chức hoạt động của các tổ giám sát, đội xung kích một cách thực chất, hiệu quả theo chức năng nhiệm vụ được phân công; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue; kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân không tuân thủ thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết Dengue, đặc biệt tại các công trường xây dựng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp, nhà hàng... trên địa bàn.

Tiếp tục tăng cường công tác truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết Dengue bằng các hình thức khác nhau, trong đó tập trung vào các thông tin, khuyến cáo về phòng chống dịch như vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, phòng chống muỗi đốt... hướng dẫn nhận biết sớm các triệu chứng mắc bệnh để người dân chủ động tới khám, điều trị tại các cơ sở y tế,... và các nội dung chi tiết, cụ thể về hoạt động việc xử lý ổ dịch tại các khu vực có ca bệnh…

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt, người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. 

Đến nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế kêu gọi người dân mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt bọ gậy, lăng quăng và thực hiện 6 biện pháp phòng bệnh sau:

Kiểm tra, phát hiện và diệt loăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt loăng quăng.

Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...

Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.

Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.

Tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy, loăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Khi bị sốt, đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư