Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 11 tháng 09 năm 2024,
Hà Nội đảm bảo an toàn cho người dân ven sông Hồng, sông Đà, sông Đuống
Nguyễn Linh - 11/09/2024 16:58
 
Trước diễn biến mưa kéo dài, mực nước sông tiếp tục lên nhanh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã có công văn đề nghị các quận, huyện, thị xã triển khai công tác bảo đảm an toàn đê điều; sẵn sàng sơ tán người dân trong trường hợp khẩn cấp.

 

Số liệu quan trắc cho thấy, mực nước sông Hồng tại Hà Nội là 10,76m (trên báo động 2 là 0,26m); mực nước trên sông Đuống tại Thượng Cát là 10,11 (trên mức báo động 2 là 0,11m). Mực nước trong sông đang ở mức cao, mực nước lũ gây ngập lụt sâu, ngập lụt vùng ven sông, vùng trũng thấp ở một số khu vực sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và nhiều vùng dân sự của địa phương có thể gây nguy hiểm cho đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân, đe dọa tính mạng và tài sản của nhân dân tại một số khu vực thuộc các quận, huyện: Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Long Biên, Đan Phượng, Phúc Thọ, Sơn Tây, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh

Trên sông Đà, lưu lượng đến hồ Hòa Bình tăng cao do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3. Vì vậy, mực nước sông Đà, sông Hồng, sông Đuống sẽ lên nhanh, lưu tốc dòng chảy lớn do chịu ảnh hưởng của lũ trên các sông và điều tiết của các hồ chứa thượng lưu.

Để đảm bảo an toàn đê điều, chủ động ứng phó với những diễn biến bất lợi của thời tiết nêu trên, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan thường trực phòng chống thiên tai của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP. Hà Nội) đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tập trung triển khai công tác bảo đảm an toàn đê điều.

Căn cứ tình hình thời tiết, thiên tai, các địa phương chủ động kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án hộ đê, phương án ứng phó với thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với địa bàn; tổ chức thông báo ngay đến người dân, các tổ chức có hoạt động ở khu vực bãi sông; không để người dân đến những khu vực bị ngập, có nguy cơ sạt lở.

Sẵn sàng triển khai phương án sơ tán, đảm bảo an toàn đối với người dân ở những khu vực nguy hiểm, khu vực có địa hình trũng, thấp dễ xảy ra ngập sâu, cô lập, khu vực sát bờ sông, khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm như: khu vực bãi giữa sông Hồng trên địa bàn các quận: Tây Hồ, Ba Đình, Long Biên…

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng đề nghị các địa phương tăng cường công tác kiểm tra hệ thống đê điều, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố về đê điều ngay từ giờ đầu; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng phó đối với những tình huống xấu có thể xảy ra; thực hiện nghiêm công tác tuẩn tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa lũ theo đúng quy định của Luật Đê điều và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Thông số 01/2009/TT-BNN.

 

Hà Nội khẩn trương thu dọn cây đổ, cành gãy, đảm bảo an toàn giao thông
Văn phòng UBND TP. Hà Nội vừa có văn bản số 11065 /VP-ĐT về việc phối hợp triến khai công tác khắc phục thiệt hại về cây xanh gãy, đổ sau cơn bão...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư