Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 05 tháng 10 năm 2024,
Hà Nội đối thoại, gỡ khó cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hoá - xã hội
Linh Nguyễn - 16/08/2024 11:20
 
Sáng 16/8, UBND Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - xã hội nhằm cung cấp thông tin tình hình hoạt động và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực này.

Dành nguồn lực nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, với vai trò là Thủ đô của Việt Nam, Hà Nội đang định hướng và phát triển mạnh mẽ trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa và thể thao. Nhằm nâng cao vị thế và tăng hiệu quả kinh tế của hoạt động văn hóa, xã hội trên địa bàn Thành phố Hà Nội, Thành ủy Hà Nội đã có những định hướng thu hút đầu tư của Thành phố thông qua việc ban hành các chương trình, nghị quyết.

Phó chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà phát biểu khai mạc Hội nghị.

Cụ thể như: Chương trình 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025”; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hội đồng nhân dân (HĐND) Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 8/4/2022 bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cho các dự án thuộc Kế hoạch 3 lĩnh vực (giáo dục, y tế, di tích); Nghị quyết số 21/2022/NQ-HĐND ngày 12/9/2022 quy định phân cấp quản lý Nhà nước về một số lĩnh vực kinh tế - xã hội của Thành phố đối với những nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của HĐND Thành phố; Nghị quyết số 23/NQ-HĐND ngày 12/9/2022 về thông qua Đề án phân cấp, ủy quyền.

Theo Phó chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà, trong những năm qua, Hà Nội đã có những bước tiến trong việc phát triển các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa và thể thao. 

Đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo, Hà Nội đã đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng giáo dục, bao gồm xây dựng và nâng cấp các trường học từ mẫu giáo đến đại học. 

Thành phố cũng đã cải thiện điều kiện học tập và trang thiết bị học tập. Đồng thời, chú trọng đến việc nâng cao chất lượng giáo dục bằng cách đổi mới chương trình giảng dạy, đào tạo giáo viên, và áp dụng công nghệ trong giảng dạy. Các trường học và cao đẳng tại Hà Nội cũng liên tục cải thiện chương trình đào tạo và hợp tác quốc tế.

Đối với lĩnh vực y tế, Hà Nội đã mở rộng và nâng cấp hệ thống cơ sở y tế, bao gồm bệnh viện, phòng khám và trung tâm y tế cộng đồng. Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp để phòng chống và kiểm soát dịch bệnh, bao gồm các chiến dịch tuyên truyền về sức khỏe và vệ sinh.

Đối với lĩnh vực văn hóa, Hà Nội đã nỗ lực bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, bao gồm các di tích lịch sử, công trình kiến trúc và lễ hội truyền thống. Hà Nội cũng đã chú trọng đầu tư vào các cơ sở văn hóa như thư viện, bảo tàng và trung tâm nghệ thuật để phục vụ nhu cầu của người dân và khách du lịch.

Đối với lĩnh vực thể thao, Hà Nội đang nỗ lực phát triển thể thao ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từ cơ sở hạ tầng đến việc khuyến khích tham gia cộng đồng và đào tạo tài năng. Thành phố đang hướng tới việc trở thành một trung tâm thể thao không chỉ ở Việt Nam mà còn trên trường quốc tế.

Những kết quả này phản ánh sự cam kết của Hà Nội trong việc phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân qua các lĩnh vực trọng yếu.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong công cuộc phát triển các dự án văn hóa - xã hội, Hà Nội vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức mà các doanh nghiệp gặp phải trong quá trình triển khai các dự án của mình.

Ngoài tháo gỡ, cần phải tạo điều kiện thuận lợi

Báo cáo tình hình đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - xã hội trên địa bàn Thành phố Hà Nội, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Trung Hiếu cho biết, đối với giáo dục, đào tạo, đến nay các trường học công lập trên địa bàn Thành phố vẫn còn thiếu (do chưa được đầu tư xây dựng theo quy hoạch được duyệt) hoặc thiếu đất để xây dựng trường (chủ yếu tập trung tại các quận nội thành).

Bên cạnh đó, các quỹ đất mới, đất trống để bổ sung trên địa bàn không còn, một số xã, phường nằm trong khu vực hành lang thoát lũ, việc xây mới, sửa chữa, cải tạo trường học gặp rất nhiều khó khăn do vướng Luật đê điều. 

Toàn cảnh Hôi nghị.

Đối với trường học ngoài công lập, việc tiếp cận quỹ đất sạch để xây dựng trường học tư thục đối với các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực giáo dục còn gặp nhiều khó khăn. Với việc bổ sung cấp học, khi giao đất để xây dựng trường học cho các doanh nghiệp thường được quy hoạch chỉ một cấp học (Mầm non, Tiểu học, THCS hoặc THPT), nhưng trên thực tế hoạt động hiện nay các doanh nghiệp thường muốn phát triển các trường tư thục có nhiều cấp học liên thông. Việc bổ sung cấp thêm học vào các ô đất đã được giao của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do liên quan đến thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch cần xin ý kiến nhiều sở, ngành.

Đối với giáo dục nghề nghiệp, thực tế tâm lý trọng bằng cấp vẫn còn tồn tại, đa số học sinh sau khi tốt nghiệp cấp THPT đều đặt mục tiêu vào đại học, không muốn đi học nghề. Trong khi đó, các trường đại học tại Thủ đô có chỉ tiêu tuyển sinh lớn, tiêu chí xét tuyển thấp. Do vậy các trường trung cấp, cao đẳng rất khó để cạnh tranh tuyển sinh với các trường đại học.

Đối với lĩnh vực y tế, hệ thống văn bản pháp luật còn chồng chéo, chưa rõ ràng, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn về mua sắm, đấu thầu, xã hội hoá. Đôi khi doanh nghiệp còn hiểu chưa đầy đủ dẫn đến vô tình vi phạm. 

Thực tế, các thủ tục hành chính nhằm triển khai dự án tương đối phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực quản lý Nhà nước khác nhau (đầu tư, xây dựng, y tế, lao động, tài chính, ...); việc giải quyết các thủ tục này đôi khi chưa rõ ràng để nhà đầu tư tuân thủ, thực hiện.

Đối với lĩnh vực văn hóa, những hạn chế trong các quy định của pháp luật còn bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo. Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke không đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật, phải tạm dừng hoạt động kinh doanh để khắc phục điều kiện về phòng cháy, chữa cháy.

Quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn còn gặp phải những khó khăn, vướng mắc như: thay đổi nội dung biểu diễn đã được chấp thuận; chưa có quy định về biện pháp thẩm định thông qua Hội đồng nghệ thuật (bao gồm các cơ quan liên quan nếu có); không quy định điều kiện về nhân thân các nghệ sỹ tham gia biểu diễn (bao gồm cả các nghệ sỹ ở hải ngoại và nghệ sỹ là người nước ngoài); khó khăn khi thụ lý, thẩm định, xác định các tác phẩm có vi phạm quy định hay có yếu tố nhạy cảm, phức tạp hay không đối với các chương trình nghệ thuật sử dụng các tác phẩm âm nhạc sáng tác trước năm 1975 hoặc do người Việt Nam định cư ở nước ngoài sáng tác…

Về hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, việc thực hiện Nghị định số 113/2013/NĐ-CP ngày 02/10/2013 của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật gặp một số khó khăn về cấp phép địa điểm tổ chức; xác minh nguồn gốc, xuất xứ và quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp của các tác phẩm mỹ thuật và nhiếp ảnh; cấp phép tổ chức triển lãm mỹ thuật, triển lãm nhiếp ảnh…

Từ những khó khăn trên của các lĩnh vực, UBND Thành phố Hà Nội mong muốn tại Hội nghị, được lắng nghe và hiểu rõ hơn về những khó khăn mà các doanh nghiệp đang đối mặt, từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp và hiệu quả. Đồng thời cùng nhau thảo luận về các vấn đề như chính sách hỗ trợ, cơ chế giải quyết thủ tục hành chính, và các yêu cầu về tài chính, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các dự án đầu tư trong lĩnh vực văn hóa - xã hội. 

“UBND TP. Hà Nội tin tưởng rằng, với sự tham gia tích cực của các đại biểu và các doanh nghiệp, Hội nghị sẽ đạt được những kết quả khả quan, góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của ngành văn hóa - xã hội, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng cư dân tại Hà Nội”, Phó chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, Thành phố đã tiếp nhận, tổng hợp và sàng lọc trên 66 lượt kiến nghị của 57 doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân, được tổng hợp theo 6 lĩnh vực với 20 nhóm vấn đề như sau:

1. Lĩnh vực giáo dục: 4 nhóm vấn đề về bổ sung cấp học, thủ tục đầu tư xây dựng trường học ngoài công lập, thủ tục đăng ký hưởng chính sách khuyến khích xã hội hóa và cấp Giấy phép hoạt động.

2. Lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp: 3 nhóm vấn đề về cơ chế chính sách hỗ trợ đào tạo nghề; cấp phép cơ sở đào tạo và người lao động đào tạo nghề; cơ chế đặt hàng đào tạo nghề.

3. Lĩnh vực y tế: 3 nhóm vấn đề về cơ chế chính sách hỗ trợ; môi trường đầu tư; liên kết và hợp tác.

4. Lĩnh vực quảng cáo: 3 nhóm vấn đề về chuyển mục đích sử dụng đất; triển khai lắp đặt màn hình LED; triển khai thực hiện Quy định về quản lý hoạt động quảng cáo.

5. Lĩnh vực văn hóa nghệ thuật: 4 nhóm vấn đề về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; hoạt động tổ chức biểu diễn; thẩm định và cấp phép tác phẩm nghệ thuật; sao chép tác phẩm nghệ thuật.

6. Lĩnh vực thể thao: 3 nhóm vấn đề về đăng ký cơ sở tổ chức tập luyện và thi đấu; quản lý đào tạo và tập luyện đối với một số môn thể thao mới; cấp phép cơ sở huấn luyện và nhân lực đào tạo.
119 tác phẩm vào vòng chung khảo Giải báo chí toàn quốc ngành Văn hoá lần thứ hai
Ngày 14/8, Hội đồng Chung khảo Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch” lần thứ hai đã tiến hành họp và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư