Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hà Nội thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP qua sàn thương mại điện tử
Nguyễn Linh - 12/09/2024 11:11
 
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, sau gần 5 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm), Thành phố đã đạt được những kết quả tích cực.

Cụ thể, có 29/30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã đánh giá, phân hạng được hơn 2.769 sản phẩm OCOP. Trong đó, có 6 sản phẩm đạt 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao, 1.485 sản phẩm đạt 4 sao và 1.266 sản phẩm đạt 3 sao. Những con số này cho thấy sự đa dạng và chất lượng của sản phẩm OCOP tại Hà Nội, đồng thời phản ánh tiềm năng trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua các kênh thương mại điện tử.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hà Nội khẳng định: “Chương trình OCOP là chính sách trọng tâm cần được đẩy mạnh. Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tại Hà Nội sẽ tiếp tục duy trì và phát triển các kênh phân phối đã có, đồng thời thúc đẩy bán hàng đa kênh với các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP”.

Các sản phẩm OCOP đăng bán trên sàn thương mại điện tử thu hút nhiều người tiêu dùng.

Trong thời đại số hóa, việc mua sắm trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki hay qua các kênh bán hàng như Facebook, Zalo đang trở thành xu hướng tiêu dùng phổ biến. Đây cũng là cơ hội để sản phẩm OCOP tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng hơn, nâng cao giá trị thương hiệu và uy tín. 

Tuy nhiên, để tận dụng tối đa các kênh này, các doanh nghiệp OCOP cần chú trọng đầu tư vào chất lượng sản phẩm và dịch vụ, xây dựng uy tín nhà bán hàng và phát triển hệ thống quản lý bán hàng chuyên nghiệp.

Chính vì vậy, Hà Nội cần tăng cường công tác truyền thông và quảng bá cho sản phẩm OCOP, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý và số hóa sản phẩm, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị.

Bên cạnh đó, Chính phủ và các địa phương cần tiếp tục hỗ trợ và đào tạo các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất OCOP trong việc sử dụng thành thạo các nền tảng thương mại điện tử, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu thị trường. Các chính sách khuyến khích như giảm thuế, hỗ trợ chi phí quảng cáo và vận chuyển cũng sẽ là động lực để sản phẩm OCOP tiếp tục vươn xa trên thị trường trong nước và quốc tế.

“Thương mại điện tử phù hợp với các sản phẩm OCOP quy mô nhỏ, đặc sản vùng miền, giúp sản phẩm tiếp cận nhanh chóng và hiệu quả đến người tiêu dùng. Hà Nội đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại kết hợp với du lịch, ẩm thực và văn hóa để tạo ra những trải nghiệm đa dạng cho khách hàng. Các hình thức như tổ chức hội chợ, triển lãm, livestream bán hàng và xây dựng gian hàng ảo trên các sàn thương mại điện tử đang được chú trọng triển khai”, ông Tuấn đánh giá.

Việc nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm là yếu tố then chốt giúp kết nối sản phẩm OCOP với người tiêu dùng. Điều này không chỉ kích thích tiêu thụ và thúc đẩy sản xuất, mà còn góp phần thu hẹp khoảng cách kinh tế giữa các vùng miền, nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo đó, các doanh nghiệp OCOP cần đa dạng hóa danh mục sản phẩm, đảm bảo chất lượng và khả năng truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, trang bị kỹ năng thương mại điện tử và đẩy mạnh tương tác trực tiếp với khách hàng sẽ giúp khẳng định giá trị và uy tín của sản phẩm; Đầu tư vào công nghệ, từ hệ thống truy xuất nguồn gốc đến ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa quy trình bán hàng và chăm sóc khách hàng, cũng là những yếu tố quan trọng để nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm OCOP.

Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TP. Hà Nội khẳng định sẽ duy trì và mở rộng các kênh phân phối hiện có, đồng thời thúc đẩy bán hàng đa kênh và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quảng bá sản phẩm.

Mục tiêu dài hạn là xây dựng một hệ sinh thái thương mại điện tử toàn diện, hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp OCOP từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Việc học hỏi kinh nghiệm từ các doanh nghiệp thương mại điện tử thành công, đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là những bước đi thiết yếu để Hà Nội bứt phá trong lĩnh vực này.

Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ thương mại điện tử
Một loạt cơ chế, chính sách đã và đang được Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục triển khai nhằm tạo “bệ phóng”, giúp thương mại điện...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư