Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 13 tháng 10 năm 2024,
Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ thương mại điện tử
Hải Yến - 17/08/2024 09:18
 
Một loạt cơ chế, chính sách đã và đang được Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục triển khai nhằm tạo “bệ phóng”, giúp thương mại điện tử phát triển, bởi đây là lĩnh vực tiềm năng, nhưng còn không ít vấn đề bất cập.

Nhằm giúp thương mại điện tử và kinh tế số tăng tốc, Luật Giao dịch điện tử được Quốc hội thông qua với nhiều chính sách nổi bật liên quan tới giao dịch điện tử. Để đưa Luật Giao dịch điện tử vào cuộc sống, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng Dự thảo Nghị định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy cùng Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước và hệ thống thông tin phục vụ dịch vụ.

Trước đó, Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược quốc gia Phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chiến lược xác định phát triển kinh tế số là trụ cột, theo đó phấn đấu đến năm 2025, kinh tế số Việt Nam chiếm 20% GDP và tăng lên 30% vào năm 2030. Chiến lược đề ra các nhiệm vụ cụ thể về phát triển kinh tế số ở từng ngành, lĩnh vực trọng tâm, trong đó, thương mại điện tử là một trong những lĩnh vực điển hình của kinh tế số.

Trên thực tế, thương mại điện tử có bước tăng trưởng ấn tượng trong những năm gần đây. Một loạt số liệu thống kê đã cho thấy điều này. Cụ thể, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ của Việt Nam năm 2023 đạt 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD so với năm 2022 và cao gần gấp đôi so với năm 2019. Việt Nam hiện lọt nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới…

Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam (EBI 2024) của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) cũng nêu rõ, tốc độ tăng trưởng lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam năm 2023 đạt trên 25% so với năm 2022, trong đó, quy mô bán lẻ hàng hoá trực tuyến đạt 17,3 tỷ USD, đóng góp khoảng 15-17% tổng giá trị của kinh tế số quốc gia.

Sở dĩ thương mại điện tử tăng trưởng mạnh là bởi thị trường Việt Nam có những lợi thế đặc thù. Đó là chi phí tiếp cận mạng Internet tại Việt Nam thấp nhất Đông Nam Á. Đó là tỷ lệ sử dụng smartphone trên dân số cao, rào cản gia nhập hệ sinh thái kinh doanh trong môi trường điện tử thấp hơn so với thị trường truyền thống. Đó còn là sự hỗ trợ ngày càng lớn của Chính phủ về chính sách, hạ tầng phục vụ thương mại điện tử...

Dù giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy kinh tế số, nhưng lĩnh vực thương mại điện tử cũng còn nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết. Cụ thể là không gian mạng đã và đang bị các đối tượng lợi dụng để kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ xuất xứ. Nhiều đối tượng còn lợi dụng thương mại điện tử để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Đặc biệt là người tiêu dùng đang phải đối mặt với nguy cơ mất an toàn dữ liệu cá nhân ngày càng lớn; tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng chưa được kiểm soát có xu hướng ngày càng tăng…

Những hành vi lừa đảo, gian lận trong kinh doanh thương mại điện tử ngày càng tinh vi, khó lường, không chỉ ảnh hưởng xấu tới những doanh nghiệp làm ăn chân chính, mà còn tác động tiêu cực tới người tiêu dùng, đồng thời gây thất thu thuế. Trong báo cáo gần đây, chính Bộ Công thương cũng thừa nhận, cho dù thu thuế thương mại điện tử năm 2023 đạt gần 100.000 tỷ đồng, tăng 16,1% so với năm 2022, nhưng “vẫn còn thất thu trong lĩnh vực này”.

Để khắc phục tình trạng trên, một trong những giải pháp căn cơ là cơ quan quản lý nhà nước cần đưa các chủ thể tham gia kinh doanh thương mại điện tử hoạt động theo khung khổ quy định. Vừa qua, lần đầu tiên, khái niệm nền tảng số đã được đưa vào Luật Giao dịch điện tử. Vai trò của các nền tảng giao dịch điện tử, nền tảng số trung gian như Shopee, Lazada… ngày càng được quan tâm, theo đó sẽ tăng cường quản lý nhóm nền tảng số trung gian lớn có số lượng khoảng 3 triệu người dùng trực tiếp. Theo đó, các nền tảng số trung gian có trách nhiệm báo cáo các bộ quản lý chuyên ngành như Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông… các hoạt động định kỳ, hàng năm của mình. Quy định này sẽ giúp bảo vệ tốt hơn quyền lợi người sử dụng dịch vụ thương mại điện tử, xử lý kịp thời những tranh chấp trong giao dịch thương mại điện tử hàng hóa.

Trong bối cảnh hiện tại, để kinh tế số, chuyển đổi số, thương mại điện tử có bước bứt phá, thì việc hoàn thiện thể chế; thúc đẩy sáng tạo, bắt kịp những mô hình kinh doanh mới cần phải tiến hành nhanh hơn. Đây cũng chính là công cụ hữu hiệu, có thể giúp các cơ quan chức năng quản lý tốt hơn hoạt động thương mại điện tử có xu hướng ngày càng tăng trong những năm tới.

Kinh tế số, thương mại điện tử đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống
Thương mại điện tử Việt Nam luôn duy trì đà tăng trưởng ấn tượng, giữ được tốc độ tăng trưởng cao và Việt Nam được ghi nhận có tốc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư