Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Tiêu điểm kinh doanh trong tuần
HAGL Group đổi màu logo; Thế giới Di động đặt mục tiêu hồi phục; Mỏ Núi Pháo khai thác trở lại
Khánh An tổng hợp - 23/03/2024 14:34
 
Cảng quốc tế Long An hợp tác với công ty cung cấp dịch vụ cảng hàng đầu Philippines; HAGL Group đổi màu logo; Thế giới Di động đặt mục tiêu hồi phục; Mỏ Núi Pháo khai thác trở lại; Vinasun chọn xe hybrid...

HAGL Group đổi màu logo

Từ ngày 01/04/2024, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Group) đưa vào sử dụng bộ nhận diện thương hiệu với màu sắc mới. Logo mới của HAG vẫn giữ lại bố cục và ý nghĩa như logo cũ nhưng thay đổi về màu sắc. Theo đó, logo mới có 3 gam màu gồm vàng, nâu đất và trắng.

Logo mới của HAGL Group chỉ khác logo cũ về màu sắc.

HAGL Group cho biết, việc thay đổi màu sắc logo là bước đi nhằm đem lại cho HAG một hình ảnh gắn kết chặt chẽ, nhất quán và hài hòa, gắn với sứ mệnh tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn từ việc áp dụng mô hình nông nghiệp tuần hoàn.

Công ty coi trọng các giải pháp công nghệ nhằm tái chế phụ phẩm, chất thải trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi để phục vụ trở lại cho quá trình sản xuất nông nghiệp, hình thành nên chuỗi sản xuất khép kín, giảm lãng phí tài nguyên và ô nhiễm môi trường.

Thành lập từ năm 1993, đây có lẽ là lần đầu tiên HAGL thay đổi logo của Tập đoàn sau gần ba thập niên. Động thái này diễn ra sau khi HAGL Group liên tục có nhiều thay đổi trong cấu trúc tập đoàn, chủ nợ và lãnh đạo cấp cao. 

Ngoài việc thay đổi logo, thời gian gần đây HAGL Group công bố thoái vốn mảng khách sạn và bệnh viện để lấy tiền trả nợ trái phiếu.

Trên website chính thức của Tập đoàn hiện đã không còn ghi nhận hai mảng này trong danh sách ngành nghề kinh doanh, thay vào đó HAGL chỉ còn ngành về heo, chuối, sầu riêng và bóng đá.

Thế giới Di động đặt mục tiêu hồi phục trong năm 2024

CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) vừa công bố tờ trình ĐHĐCĐ thường niên 2024 với nhiều nội dung quan trọng.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2024, MWG kỳ vọng về sự hồi phục sau năm 2023 đầy khó khăn, với kế hoạch doanh thu thuần 125 ngàn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2,4 ngàn tỷ đồng, lần lượt tăng 6% và gấp hơn 14 lần thực hiện năm 2023.

MWG kỳ vọng đạt lợi nhuận sau thuế 2,4 ngàn tỷ đồng trong năm 2024.

Trong đó, chuỗi Thế giới Di động (bao gồm Topzone) và Điện máy Xanh dự kiến vẫn là trụ cột khi đóng góp khoảng 65% doanh thu và mang lại lợi nhuận chính. Trong khi đó, Bách hóa Xanh đóng góp khoảng 30% doanh thu, tăng trưởng 2 chữ số, gia tăng thị phần và bắt đầu mang lại lợi nhuận từ 2024.

Ba chuỗi Nhà thuốc An Khang, AvaKids và EraBlue cũng đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 2 chữ số, gia tăng thị phần. Riêng An Khang và AvaKids dự kiến đạt điểm hòa vốn trước 31/12/2024.

Trước đó, trả lời câu hỏi về độ khả thi của mức lợi nhuận này, Chủ tịch HĐQT MWG Nguyễn Đức Tài chia sẻ: “2,4 ngàn tỷ đồng lợi nhuận sau thuế không phải là con số cao. Năm 2023, thị trường thay đổi nhanh chóng, trong khi MWG nhận diện thay đổi hơi chậm chạp, hết quý 1/2023 mới nhận ra sức mua thị trường bị đình đốn và sẽ không quay trở lại. Sự khác biệt giữa 2024 và 2023 là MWG trải qua quá trình tái cấu trúc khá dài, giúp khả năng vận hành lành mạnh, gọn gàng dù thị trường tăng hay giảm. Phần lớn chi phí bây giờ là biến phí, cho dù doanh thu có giảm thì chi phí sẽ bám theo diễn biến doanh thu, qua đó bảo đảm lợi nhuận ở mức ổn. Nếu loại trừ những biến số không thể kiểm soát, điển hình như chiến tranh Nga-Ukraine, thì 2,4 ngàn tỷ đồng là con số nằm trong tầm tay”.

Bên cạnh đó, HĐQT cũng trình ĐHĐCĐ thông qua phương án mua lại cổ phiếu của chính Công ty trong năm 2024, với mục đích giảm vốn điều lệ, giảm số lượng cổ phiếu lưu hành, từ đó gia tăng tỷ lệ sở hữu cho cổ đông hiện hữu.

Giao dịch được thực hiện theo phương thức khớp lệnh với ngân sách tối đa 100 tỷ đồng, dự kiến sử dụng nguồn lợi nhuận giữ lại chưa phân phối.

Kế hoạch mua cổ phiếu quỹ, nếu được thông qua, sẽ là chiến lược dài hơi và thực hiện trong nhiều năm tới, theo ông Tài.

MWG cũng dự kiến phát hành ESOP cho ban điều hành và cán bộ quản lý chủ chốt của MWG và các công ty con, dựa vào kết quả kinh doanh 2024.

Cảng quốc tế Long An hợp tác với công ty cung cấp dịch vụ cảng hàng đầu Philippines

Thông tin từ Cảng quốc tế Long An (xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, Long An), đơn vị vừa ký kết ý định thư với Oriental Port and Allied Services Corporation (OPASCOR), chính thức hóa mối quan hệ hợp tác giữa hai bên.

Cảng quốc tế Long An và Oriental Port and Allied Services Corporation (OPASCOR) ký kết ý định thư.

OPASCOR thành lập năm 1990, là công ty cung cấp dịch vụ cảng hàng đầu, đang hoạt động tại Cảng quốc tế Cebu, Philippines và là công ty xử lý hàng hóa đầu tiên hoàn toàn thuộc sở hữu và hoạt động bởi các công nhân người Philippines. 

OPASCOR đã được trao Giải thưởng châu Âu về phương pháp úng dụng tốt nhất từ Hội nghị nghiên cứu chất lượng châu Âu (ESQR) vào năm 2022.

Ông Võ Quốc Huy, đại diện Cảng quốc tế Long An cho biết đây là một bước tiến trong việc kết nối hợp tác giữa hai đơn vị khai thác dịch vụ cảng nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp của hai địa phương nói chung, từ đó phát triển hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước láng giềng trong khu vực ASEAN.

Việc ký kết cùng OPASCOR sẽ mang lại những lợi ích chung và hoạt động hợp tác trên các lĩnh vực các bên cùng quan tâm, trong đó là cam kết phát triển cảng thông minh, cảng xanh và phát triển bền vững.

"Hai bên sẽ cùng phát triển, đồng thời chia sẻ và học hỏi trong hoạt động vận hành, khai thác cảng biển. Đây sẽ là bước phát triển cho Cảng quốc tế Long An trên hành trình trở thành cảng biển được quốc tế công nhận và lựa chọn tại châu Á", ông Huy nói.

Mỏ Núi Pháo khai thác trở lại

Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo – thành viên của Masan Group vừa ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược đối tác cung cấp dịch vụ nổ mìn với Tổng công ty Kinh tế kỹ thuật công nghiệp quốc phòng (GAET).

Việc Núi Pháo hợp tác với GAET, một doanh nghiệp quân đội có nhiều kinh nghiệm và uy tín trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ nổ mìn, sẽ mang lại lợi ích lớn cho cả hai bên. Núi Pháo dự kiến sẽ tối ưu được đáng kể chi phí nổ mìn trong 5 năm tới nhờ GAET cam kết duy trì chất lượng dịch vụ tốt với giá hợp lý.

Mỏ Núi Pháo tại Thái Nguyên.

Từ giữa năm ngoái, hoạt động nổ mìn tại mỏ Núi Pháo bị gián đoạn đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng quặng được khai thác và chế biến. Điều này khiến chi phí hoạt động của công ty Núi Pháo tăng cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận năm 2023.

Việc nối lại hoạt động nổ mìn sẽ giúp công ty tiếp tục khai thác quặng hàm lượng cao, cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào phong phú cho nhà máy chế biến công nghệ cao, giúp gia tăng sản lượng và tối ưu chi phí sản xuất.

Năm 2024, công ty đang tiến hành xin cấp giấy phép mở rộng khai thác 28 triệu tấn trữ lượng tại mỏ Núi Pháo. Trong thời gian tới, các hoạt động khai thác và chế biến quặng dự kiến sẽ sôi động hơn nữa tạo lợi thế cạnh tranh cho công ty mẹ Masan High-Tech Materials trong việc đảm bảo cung cấp ổn định vật liệu công nghệ cao cho khách hàng trên toàn thế giới.

Ông Craig Bradshaw,  CEO Masan High-Tech Materials cho biết: “Tối ưu chi phí hoạt động của các công ty thành viên Masan High-Tech Materials nằm trong chiến lược “Fit for the future” (Thay đổi để thích ứng) của chúng tôi để ứng phó với tình hình kinh tế khó khăn trên toàn cầu".

Phía Masan cho biết, Masan High-Tech Materials dự kiến đạt doanh thu thuần từ 15.000 đến 15.800 tỷ đồng trong năm nay, tương ứng tăng lần lượt 6% đến 12%so với cùng kỳ. Sau khi triển khai hoạt động nổ mìn trở lại, công ty sẽ chuyển sang khai thác mỏphía Đông. Trọng tâm của Masan High-Tech Materials là thực hiện các hoạt động tối ưu hóa chi phí, đặc biệt là trong hoạtđộng vận hành, thu mua, đồng thời giảm đòn bẩy tài chính.

Vinasun chọn xe hybrid

Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) vừa quyết định đầu tư mới 550 chiếc xe hoàn toàn thuộc dòng hybrid (dòng xe lai kết hợp sử dụng động cơ chạy xăng và mô tơ chạy điện). Những chiếc xe này dự kiến sẽ được Vinasun đưa vào hoạt động bắt đầu từ quý II năm 2024.

Theo kế hoạch, Vinasun sẽ đưa dòng xe hybrid vào hoạt động từ khoảng quý II, quý III/2024.

Đại diện Vinasun cho biết, việc chuyển đổi từ xe xăng sang hybrid là chiến lược dài hạn của doanh nghiệp. Bởi vì, ô tô hybrid có động cơ lai điện và xăng giúp tiết kiệm nhiên liệu gấp 1,5 đến hai lần so với xe thông thường, phù hợp sử dụng trong điều kiện cơ sở hạ tầng, hệ thống trạm sạc cho xe thuần điện chưa hoàn chỉnh như hiện nay.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên và bất thường năm 2023, ban lãnh đạo Vinasun đã nhận được nhiều câu hỏi của cổ đông về chiến lược chuyển đổi khi trên thị trường xuất hiện doanh nghiệp taxi thuần điện đầu tiên là Xanh SM.

Các hãng taxi truyền thống từng bước chuyển đổi từ xe động cơ đốt trong sang sử dụng xe điện như Sun taxi ký hợp đồng mua 3.000 chiếc, Lado Taxi mua 300 chiếc, ASV Airports Taxi, Ahamove…

Ông Trần Anh Minh, Phó tổng giám đốc Vinasun thời điểm đó nhận định, taxi điện chỉ là một phương tiện chứ không phải mô hình kinh doanh mới. Vinasun đang nghiên cứu tiếp cận và dự kiến đưa xe điện vào kinh doanh taxi trong năm 2023. 

Tuy nhiên với một doanh nghiệp vận tải taxi, cần phải đánh giá tính khả thi ở mọi phương diện trước khi đưa một phương tiện vào kinh doanh.

Vinasun được biết đến là một hãng taxi lớn trên thị trường, đến hết năm 2023 doanh nghiệp này đang sở hữu khoảng 3.000 xe. Thị trường chính của Vinasun là TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, và Đà Nẵng.

Năm 2023, Vinasun ghi nhận 1.218 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 12% so với cùng kỳ. Tuy nhiên lãi sau thuế của Vinasun chỉ đạt 150 tỷ đồng, giảm 18% so với năm trước và không hoàn thành kế hoạch đề ra.

Doanh thu Hoàng Anh Gia Lai đi ngang trong 2 tháng đầu năm 2024
Lĩnh vực heo chăn nuôi tiếp tục gặp khó, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (Công ty HAGL, mã HAG - sàn HoSE) đặt kỳ vọng vào lĩnh vực mới khi sầu riêng bắt đầu thu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư