Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Hải Dương nâng chất trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài
Thanh Sơn - 30/11/2019 10:06
 
Với 450 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài có tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 8,36 tỷ USD, Hải Dương đang trở thành điểm đến của nhà đầu tư nước ngoài.
Dây chuyền sản xuất các hệ thống thân thiện với môi trường và các sản phẩm cảm biến thông minh của Công ty TNHH Hyundai Kefico Việt Nam. Ảnh: Thanh Sơn
Dây chuyền sản xuất các hệ thống thân thiện với môi trường và các sản phẩm cảm biến thông minh của Công ty TNHH Hyundai Kefico Việt Nam. Ảnh: Thanh Sơn

Điểm đến của đầu tư trực tiếp nước ngoài

Năm 2019, tình hình - kinh tế xã hội của Hải Dương tiếp tục ổn định, phát triển và đã hoàn thành, hoàn thành vượt mức 11/16 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDRP) ước tăng 8% so với năm 2018.

Trong lĩnh vực thu hút đầu tư, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương, tính đến 20/11/2019 trên địa bàn tỉnh đã cấp mới cho 60 dự án với số vốn đăng ký 428,1 triệu USD (27 dự án ngoài khu công nghiệp, với số vốn 175,1 triệu USD; 33 dự án trong khu công nghiệp với số vốn 253 triệu USD), tăng 76% so với năm 2018. Dự kiến đến hết năm 2019, tỉnh sẽ cấp mới 61 dự án với tổng vốn đăng ký 446,1 triệu USD, tăng 60% so với năm 2018.

Về tình hình triển khai thực hiện dự án, tổng vốn đầu tư thực hiện của các dự án trên đạt trên 700 triệu USD, tăng 34,5% so với cùng kỳ năm ngoái, nâng tổng vốn đầu tư thực hiện trên 5,1 tỷ USD, chiếm 62% tổng vốn đầu tư đăng ký. Doanh thu thực hiện ước đạt 6 tỷ USD, nộp ngân sách ước đạt 400 triệu USD. Tổng số lao động làm việc trực tiếp tại các doanh nghiệp FDI đạt trên 197.000 người cùng hàng ngàn lao động gián tiếp khác.

Ông Nguyễn Đình Kiêm, Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương khẳng định, thu hút đầu tư, cấp mới năm 2019 tăng đáng kể so với năm 2018 cả về số lượng dự án và quy mô vốn đầu tư (tăng trên 35,5% về số lượng dự án và tăng trên 60% vốn đầu tư). Tính chung cả cấp mới và tăng thêm năm 2019 đạt 829,6 triệu USD, tăng 27,8% so với năm 2018. Các dự án tập trung vào sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm điện và linh kiện điện tử, ô tô, xi măng, sắt thép, hàng dệt may, cơ khí chế tạo, thiết bị cơ khí chính xác...

Điểm ghi nhận là quy mô vốn đầu tư các dự án khá đồng đều, đạt 7 triệu USD/dự án. Một số dự án có quy mô vốn khá như Nhà máy Sản xuất giấy (40 triệu USD); Dự án Nam châm Ferrite Union Materials (22,7 triệu USD); Dự án Sản xuất sản phẩm da, giầy cao cấp George Glory (37 triệu USD); Dự án Phát triển công nghiệp BW Hải Dương (32,2 triệu USD); Dự án May Tinh Lợi (39 triệu USD).

Năm 2019 có 13 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại địa bàn, nhìn chung, các nhà đầu tư đến tìm hiểu và đầu tư vẫn tập trung chủ yếu vào một số địa chỉ quen thuộc như HồngKông, Hàn Quốc, Trung Quốc, Samoa, Nhật Bản, Singapore, British Virgin Islands, Seychelles...

Chú trọng hỗ trợ toàn diện cho công tác thu hút FDI

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương, nguồn vốn FDI có xu hướng tăng trong cơ cấu tổng vốn đầu tư xã hội, góp phần duy trì mức tăng trưởng của tỉnh trong những năm qua. Mặt khác, khu vực đầu tư nước ngoài cũng tạo sức ép cạnh tranh mạnh hơn trong từng ngành, làm động lực cho các doanh nghiệp trong nước cải tiến công nghệ, thay đổi mẫu mã, chất lượng sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Ông Kiêm cho biết, doanh nghiệp FDI có đóng góp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Có thể thấy, tỉnh Hải Dương ngày càng là một điểm đến hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài. Chính vì thế, tỉnh vẫn sẽ phải tập trung vào hoạt động cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Cùng với đó, chú trọng công tác vận động xúc tiến đầu tư theo hướng trọng điểm, tăng cường xúc tiến đầu tư đối với các tập đoàn lớn, đa quốc gia với kế hoạch cụ thể, phối hợp tham gia cùng các bộ, ngành trung ương. Bên cạnh đó, tỉnh vẫn coi trọng công tác xúc tiến tại chỗ, tăng cường hỗ trợ cho các dự án án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư triển khai thuận lợi, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc kịp thời cho các nhà đầu tư.

Ở góc độ chiến lược, Hải Dương vẫn tiếp tục rà soát, đẩy nhanh quy hoạch chi tiết các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh, thu hút các nhà đầu tư hạ tầng. Chủ động tiếp cận và tranh thủ tiếp tục thu hút đầu tư đến từ các tập đoàn lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và các nước châu Âu (Brother, Sumitomo, Sumidenso, Huyndai Moto, Ford, Uniden, UMC...).

Cải cách hành chính vẫn là một nhiệm vụ quan trọng và được tỉnh quyết liệt thực hiện. Hoạt động Cổng dịch vụ công trực tuyến cấp tỉnh và hệ thống "Một cửa điện tử" tại 18 sở, ban, ngành; toàn bộ 12 huyện, thành phố đã đi vào hoạt động. Theo đánh giá xếp hạng về mức độ sẵn sàng cho phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (Chỉ số ICT index), năm 2019, tỉnh Hải Dương xếp thứ 19 trong số 63 tỉnh, thành phố, tăng 7 bậc so với năm 2018. Đến nay, tỉnh đã cấp được 1.154 chữ ký số cho các cán bộ, công chức của các sở, ban, ngành, các địa phương. Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh (www.dichvucong.haiduong.gov.vn)  đang cung cấp khoảng 1.700 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 129 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 phục vụ tổ chức, doanh nghiệp và công dân tham gia giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng.

Không dừng lại ở đó, tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, tạo dựng và củng cố lòng tin để các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm sản xuất, kinh doanh tại Hải Dương. Thực hiện nghiêm túc Quyết định số 1053/QĐ-UBND ngày 3/4/2017 của UBND tỉnh Hải Dương ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQCP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Hải Dương và Quyết định số 1889/QĐ - UBND ngày 11/7/2016 của UBND tỉnh Hải Dương về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Theo ông Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý đối với các cụm công nghiệp, khu công nghiệp. Khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, các nhà đầu tư có thương hiệu, có tiềm lực về vốn, công nghệ tham gia đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đầu tư xây dựng hệ thống đường gom dọc các cụm công nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi thu hút các dự án mới cũng như hoạt động đã có.

“Tỉnh sẽ tiếp tục ưu tiên thu hút đầu tư từ các quốc gia thuộc nền kinh tế lớn, có tiềm lực về vốn, công nghệ, trình độ quản lý; các công ty đa quốc gia, các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu... Đây sẽ là tiền đề thu hút các dự án công nghiệp hỗ trợ theo Quy hoạch Phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Hải Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 mà UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành. Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, đưa công nghiệp hỗ trợ của tỉnh trở thành ngành công nghiệp phát triển hiện đại, tham gia vào sản xuất và cung cấp các linh kiện, phụ tùng... cho các ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh và khu vực lân cận. Đến năm 2030, phấn đấu trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia”, ông Nguyễn Đình Kiêm, Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương cho biết.

Được biết, hiện tỉnh Hải Dương đã thu hút được hơn 130 dự án công nghiệp hỗ trợ với tổng vốn đầu tư trên 1,566 tỷ USD (dự án nước ngoài đăng ký) và 1.762,095 tỷ đồng (dự án trong nước đăng ký).

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục phát huy hết công suất các dự án đầu tư giai đoạn trước. Đồng thời kêu gọi đầu tư các dự án mới, trong đó, chú trọng thu hút đầu tư, sản xuất linh kiện cơ khí phục vụ ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô, xe máy; các nhà máy sản xuất linh kiện, cụm linh kiện điện - điện tử cho các thiết bị điện tử gia dụng, thiết bị nghe nhìn, thiết bị ngoại vi; sản xuất nguyên phụ liệu thay thế cho hàng nhập khẩu trong ngành dệt may, da - giày, nhằm đáp ứng yêu cầu về xuất xứ để được hưởng ưu đãi khi nhập khẩu vào các thị trường của các nước tham gia Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Việt Nam.

Có thể khẳng định, kết quả thu hút các dự án FDI đã góp phần quan trọng vào việc huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội của Hải Dương trong phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương.

Năm 2019, tăng trưởng kinh tế của tỉnh ước đạt 8%. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 233.909 tỷ đồng, tăng 12,7% so với kế hoạch và tăng 12,8% so với năm 2018. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,2%. Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng tăng dần qua các quý; các ngành sản suất đều có mức tăng trưởng, đa số sản phẩm chủ yếu có tốc độ tăng trưởng cao. Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ ước đạt 42.230 tỷ đồng, tăng 7,1% so với năm trước.
Hải Dương phê duyệt nhà đầu tư Dự án Khu đô thị Việt Hòa - Thanh Bình
UBND tỉnh Hải Dương vừa có quyết định phê duyệt trúng thầu Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị Việt Hòa - Thanh Bình.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư