Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hai hành lang, bốn vùng kinh tế - xã hội tạo nguồn động lực mới cho Sóc Trăng
Trúc Giang - 28/08/2023 07:24
 
Phương hướng tổ chức 2 hành lang kinh tế và 4 vùng kinh tế, xã hội nhằm phát huy tiềm năng kinh tế biển, tăng cường kết nối nội vùng, trong nước và quốc tế, tạo ra những nguồn động lực kinh tế mới cho tỉnh Sóc Trăng.

Theo Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phương hướng tổ chức các hoạt động kinh tế, xã hội của tỉnh Sóc Trăng được xác định gồm 2 hành lang kinh tế và 4 vùng kinh tế - xã hội.

Cụ thể, 2 hành lang kinh tế đó là:

Hành lang kinh tế Bắc - Nam gồm các tuyến TP.HCM - Cần Thơ - Sóc Trăng - Cà Mau (Quốc lộ 1) đảm nhận phần lớn khối lượng hàng hóa liên tỉnh;

Tuyến Cần Thơ - Sóc Trăng - Cà Mau (Đường Quản Lộ - Phụng Hiệp) và Cần Thơ - Sóc Trăng (Quốc lộ 91B) đảm nhận thu gom nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, mở rộng cửa ngõ vùng cho cảng biển Trần Đề;

Tuyến Sóc Trăng - Bạc Liêu kết nối tỉnh Sóc Trăng với Bạc Liêu thông qua tuyến đường bộ ven biển;

Tuyến Quốc lộ 60 kết nối thị xã Ngã Năm - Thạnh Trị - Mỹ Tú - Châu Thành - TP.Sóc Trăng - Long Phú và tỉnh Trà Vinh.

Hành lang kinh tế Đông - Tây gồm các tuyến Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối cảng biển nước sâu Trần Đề với các tỉnh phía Tây vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Vương quốc Campuchia;

Đường tỉnh 937B kết nối thị xã Ngã Năm - huyện Thạnh Trị - huyện Mỹ Xuyên và thị xã Vĩnh Châu;

Đường tỉnh 934B là một trong những trục động lực phát triển của tỉnh, kết nối TP. Sóc Trăng với huyện Trần Đề.

Các vùng kinh tế - xã hội được tổ chức thành 4 vùng gồm:

Vùng ven biển là vùng gồm toàn bộ diện tích đất liền của TP. Sóc Trăng với đất liền và phần không gian biển của thị xã Vĩnh Châu và huyện Trần Đề. Đây là vùng động lực, trung tâm phát triển, lan tỏa; phát triển kinh tế vùng ven biển theo hướng tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm: đô thị - công nghiệp - thương mại, dịch vụ hậu cần logistics - du lịch - nông nghiệp, thủy sản gắn với kinh tế biển, cảng biển.

Vùng ven sông Hậu là vùng gồm toàn bộ diện tích của huyện Châu Thành, huyện Kế Sách và huyện Long Phú. Phát triển kinh tế vùng ven sông Hậu theo hướng tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp hiệu quả cao, công nghiệp, đô thị và dịch vụ.

Vùng nội địa là vùng gồm toàn bộ diện tích của thị xã Ngã Năm, huyện Thạnh Trị, huyện Mỹ Tú và huyện Mỹ Xuyên. Phát triển kinh tế vùng nội địa theo hướng khai thác các điều kiện thuận lợi sản xuất nông nghiệp gắn với công nghiệp, đô thị và dịch vụ (nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến).

Vùng Cù Lao Dung (huyện Cù Lao Dung) định hướng phát triển chủ yếu về du lịch kết hợp đô thị, thương mại, dịch vụ và các mô hình nông nghiệp. Đây là vùng đặc biệt, vùng du lịch trọng điểm của tỉnh với tầm nhìn sẽ trở thành nơi nghỉ dưỡng cao cấp và nơi đáng sống của nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Việc tổ chức các hành lang kinh tế và chuỗi đô thị động lực, nơi tập trung các dịch vụ và công nghiệp đa dạng, ứng dụng công nghệ cao với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm phát huy tiềm năng kinh tế biển, tăng cường kết nối nội vùng, trong nước và quốc tế, tạo ra những nguồn động lực kinh tế mới.

Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng: Tổ chức vùng kinh tế biển là vùng động lực
Vùng kinh tế biển (TP. Sóc Trăng - Vĩnh Châu - Trần Đề) sẽ là vùng động lực của tỉnh, là khu vực cần được ưu tiên đầu tư, phát triển kinh tế...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư