Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
"Hai năm tinh giản biên chế mới chỉ giảm được 17.000 người"
Hữu Tuấn - 17/11/2016 09:01
 
Trả lời chất vấn trước Quốc hội về vấn đề tinh giản biên chế, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết số lượng công chức tinh giản biên chế vẫn rất thâp so với mục tiêu đề ra.

Cả nước hiện có 2,6 triệu công chức, viên chức, theo kế hoạch là phải tinh giản 1,5% mỗi năm, tương đương 40.000 người trên tổng số hơn 2,6 triệu công chức, nhưng từ đầu năm 2015 tới nay mới giảm được 17.000 người.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận),  bộ máy nhà nước ta hiện còn quá cồng kềnh, mặt khác, một số cơ quan, đơn vị giữa khối Đảng và Nhà nước ở một cấp đang có sự chồng lấn về nhiệm vụ, đối tượng quản lý. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả về công tác cán bộ nhằm khắc phục tình trạng trên?.

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, trong giai đoạn kế hoạch từ năm 2016 đến năm 2020, Chính phủ đề ra rất nhiều các giải pháp, thể hiện sự quyết tâm rất quan trọng đối với các tỉnh, bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng Đề án về cải cách hành chính giai đoạn 2016- 2020. Bên cạnh đó là kế hoạch hàng năm và lộ trình cụ thể giao nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị; kết hợp việc cải cách hành chính với việc thực hiện vấn đề tinh giản biên chế, cơ cấu lại bộ máy hành chính nhà nước để phù hợp thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Tuy nhiên, trong 2 năm qua, nước ta chỉ tinh giản được hơn 17.000 biên chế, nếu thực hiện bình quân mỗi năm 1% thì năm 2016 phải tinh giản biên chế công chức từ cấp huyện trở lên là hơn 36.000 người. Do đó, đối với cơ quan hành chính nhà nước ở khối Đảng, đoàn thể, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo của các bộ, ngành trung ương và các địa phương thực hiện nghiêm chỉnh vấn đề tinh giản biên chế theo đúng tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.

Bô
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Bộ trưởng cho biết, sắp tới, Bộ Nội vụ sẽ cùng Bộ Tư pháp thẩm định, thực hiện cương quyết tinh giản bộ máy bằng cách thu gọn đầu mối trong các tổ chức, cơ quan cấp bộ; sửa đổi Nghị định 24 trong việc xây dựng tổ chức các cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; việc hạn chế thành lập các tổng cục, việc chuyển từ vụ qua cục để giảm bớt cơ cấu bộ máy bên trong các tổ chức, thực hiện tinh giản biên chế và xác định rõ chức năng, nhiêm vụ.

Tiếp tục chất vấn về vấn đề này, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giảm biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức cũng như việc thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị nghiệp công lập còn rất chậm, hiệu quả thấp, đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và cam kết đối với vấn đề này trong thời gian tới?. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị làm rõ thực trạng, giải pháp khắc phục việc tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, phẩm chất, đạo đức, tinh thần trách nhiệm, năng lực của cán bộ, công chức còn hạn chế, yếu kém.

Đại biểu Quốc hội Trần Đình Gia (Hà Tĩnh), đại biểu Lê Quân (Hà Nội) đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm, giải pháp đối với việc thí điểm sáp nhập một số cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ trùng lắp, qua đó nhằm tinh giản biên chế, giảm chi tiêu công? Đề nghị cho biết quan điểm, vai trò của Bộ trong việc rà soát chức năng, nhiệm vụ, đánh giá các đơn vị chồng chéo, đặc biệt trong các khu vực địa lý, các bộ, ngành, địa phương.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khẳng định, vấn đề tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị là một chủ trương rất lớn, đã bắt đầu thực hiện trong năm 2015 và năm 2016. Chủ trương thể hiện sự quyết tâm chính trị rất cao để tiến hành làm tinh gọn bộ máy, vừa tinh giản, vừa kết hợp cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức. Trong thời gian qua, thông thường ở bộ, ngành, địa phương chú trọng tinh giản biên chế nhưng ít quan tâm đến việc cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, cơ cấu lại tổ chức các đơn vị trong nền hành chính. Nếu không kết hợp giữa cơ cấu lại tổ chức và cơ cấu đội ngũ công chức, viên chức thì sẽ không thực hiện được vấn đề tinh giản biên chế.

Thực hiện công tác biên chế hàng năm, với năm 2017, Bộ Nội vụ cũng đã trình Chính phủ giao cho bộ, ngành, địa phương thực hiện giao trước ngày 1/12/2016 để Hội đồng nhân dân các cấp có đủ điều kiện giao kinh phí và biên chế cho các đơn vị trực thuộc tỉnh. Trước đây, biên chế thường giao sau kỳ họp Hội đồng nhân dân nên đối với các tỉnh là lấy biên chế của năm trước. Tuy nhiên, trong tháng 10 năm nay, Bộ đã giao trước biên chế cho tất cả các bộ, ngành và các địa phương để có cơ sở trên công thức mỗi năm giảm 1,5% về biên chế được giao so với năm 2015. Bộ Nội vụ cũng đã giao cho các cơ quan trung ương tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ giải quyết hơn 4.000 hợp đồng ngoài biên chế trong thời gian tới để kết hợp với việc thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.

Để thực hiện vấn đề tinh giản biên chế, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nêu rõ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Đây là một chủ trương rất lớn nhằm giảm biên chế, thu gọn đầu mối đối với các cơ quan hành chính trong hệ thống chính trị, đối với đơn vị sự nghiệp thì chúng ta khuyến khích việc xã hội hóa và giao quyền tự chủ. Việc này sẽ nhằm loại ra hàng trăm người nhà nước không phải trả lương. Do đó, Bộ trưởng cũng đề nghị các bộ, ngành tiếp tục hoàn chỉnh đối việc ban hành cơ chế, chính sách và lộ trình thực hiện giao quyền tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập.

Bộ Nội vụ cũng đã cam kết với Thủ tướng Chính phủ việc giao biên chế hàng năm cho các bộ, ngành và địa phương, tuân thủ đúng theo tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, mỗi năm giảm bình quân 1,5%. Nếu thành lập mới, các đơn vị tự cân đối số biên chế được giao, trừ trường hợp ngành giáo dục, y tế khi tăng thêm các trường, lớp, bệnh viện nhưng cũng phải xem xét một cách kỹ lưỡng, thận trọng vấn đề biên chế.

Khẳng định sẽ cương quyết thực hiện vấn đề tinh giản biên chế, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị lãnh đạo của các địa phương, các bộ, ngành ủng hộ Bộ Nội vụ cương quyết thực hiện chủ trương này bởi đây cũng là một trong những vấn đề để thực hiện lộ trình cải cách tiền lương.

Về vai trò của Bộ trong vấn đề tinh giản biên chế, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nêu rõ, Bộ Nội vụ sẽ thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị; cương quyết thực hiện vấn đề tinh giản biên chế. Đồng thời cũng đề nghị lãnh đạo của các địa phương, các bộ, ngành ủng hộ Bộ Nội vụ cương quyết thực hiện chủ trương này bởi đây cũng là một trong những vấn đề để thực hiện lộ trình cải cách tiền lương.

Bộ trưởng Bộ Nội khẳng định, dù biên chế chưa đủ nhưng vẫn phải tiếp tục giảm, trên tinh thần “giảm 2, thu 1”, giảm những đối tượng không làm việc được, năng suất thấp và không đủ điều kiện, qua đó tiếp tục thu những người mới có điều kiện làm việc, công tác tốt hơn. Qua đó làm cho bộ máy nhà nước ngày càng hiệu quả và hiệu lực quản lý nhà nước ngày càng cao hơn.

Bổ nhiệm "đúng quy trình" đành "bà đỡ", "rèm che" cho việc chọn người nhà
Chiều 16/11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đăng đàn trả lời chất vấn của Quốc hội liên quan đến bổ nhiệm cán bộ, biên chế và tinh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư