Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Hải Phòng đứng thứ 5 cả nước về tốc độ tăng trưởng
Thanh Sơn - Quỳnh Nga - 28/12/2023 11:02
 
Sáng nay (28/12), Cục Thống kê Hải Phòng tổ chức Họp báo công bố số liệu kinh tế - xã hội năm 2023 của Hải Phòng. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế Thành phố đứng thứ 5 cả nước và thứ 2 vùng Đồng bằng sông Hồng.

Kinh tế tăng trưởng 10,34%

Thông tin tại cuộc họp báo, ông Lê Gia Phong, Cục trưởng Cục Thống kê Hải Phòng cho biết: “Kinh tế - xã hội Thành phố tiếp tục ổn định và phát triển, một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu có sự tăng trưởng cao so cùng kỳ, một số chỉ tiêu tuy tăng thấp hơn so với cùng kỳ nhưng vẫn ở mức cao và vẫn đứng trong tốp đầu của cả nước như chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đứng thứ 5; chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) đứng thứ 9.

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt kỷ lục, đứng thứ 2 cả nước. Thu nội địa đạt chỉ tiêu HĐND Thành phố giao và vượt cao so với chỉ tiêu Trung ương giao. Hải Phòng là điểm sáng của cả nước trong giải ngân vốn đầu tư công; các hoạt động du lịch, dịch vụ phục hồi rõ nét; các chính sách an sinh xã hội được đảm bảo và phát huy hiệu quả”.

Ông Lê Gia Phong, Cục trưởng Cục Thống kê Hải Phòng thông tin tại cuộc họp báo
Ông Lê Gia Phong, Cục trưởng Cục Thống kê Hải Phòng thông tin tại cuộc họp báo.

Cụ thể, GRDP năm 2023 tăng 10,34% so với cùng kỳ năm trước kế hoạch tăng (12,7%-13%), đứng thứ 5 cả nước và thứ 2 vùng Đồng bằng sông Hồng. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,11%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 11,54%, đóng góp 6,39 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực dịch vụ tăng 10,02%, đóng góp 3,57 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,83%, đóng góp 0,34 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.

Nguồn: Cục Thống kê Thành phố Hải Phòng
Nguồn: Cục Thống kê Thành phố Hải Phòng

Khu vực công nghiệp - xây dựng, do những khó khăn từ suy giảm kinh tế toàn cầu, mặc dù các tháng cuối năm sản xuất công nghiệp có nhiều khởi sắc nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 11,82%, đóng góp 5,98 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực của tăng trưởng kinh tế với mức tăng 12,34%, đóng góp 5,88 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 2,32%, đóng góp 0,06 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ tăng 10,02%, đóng góp 3,57 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.

Cơ cấu nền kinh tế năm 2023 trên địa bàn tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp. Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm tỷ trọng 3,4%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 53,34%; khu vực dịch vụ chiếm 37,76%.

Nguồn: Cục Thống kê Thành phố Hải Phòng
Nguồn: Cục Thống kê Thành phố Hải Phòng

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố năm 2023 ước đạt 102.614,5 tỷ đồng, bằng 98,02% so với dự toán Trung ương giao và bằng 88,12% so với dự toán HĐND giao. Trong đó, thu nội địa ước đạt 42.500 tỷ đồng, bằng 135,66% so với dự toán Trung ương giao và bằng 100% dự toán HĐND; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 58.000 tỷ đồng, bằng 82,98% so với dự toán Trung ương giao và bằng 82,98% so với dự toán HĐND.

Tổng chi ngân sách địa phương năm 2023 ước đạt 36.897,4 tỷ đồng, bằng 130,51% dự toán Trung ương giao và bằng 93,28% so với dự toán HĐND Thành phố giao; chi cân đối ngân sách địa phương ước đạt 34.808,2 tỷ đồng, bằng 129,79% so với dự toán Trung ương giao và bằng 92,88% dự toán HĐND Thành phố.

Họp báo công bố số liệu kinh tế - xã hội năm 2023 của TP. Hải Phòng
Họp báo công bố số liệu kinh tế - xã hội năm 2023 của TP. Hải Phòng.

Năm 2023, vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn Thành phố ước đạt 190.641,7 tỷ đồng, tăng 11,24% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực vốn nhà nước có mức tăng cao nhất, tăng 31,36%, chiếm cơ cấu 14,90%; khu vực ngoài nhà nước tăng 8,46%, đây là khu vực có đóng góp nhiều nhất trong mức tăng trưởng chung với cơ cấu chiếm 50,97%; khu vực vốn đầu tư nước ngoài tăng 8,15% so với cùng kỳ, chiếm cơ cấu 34,13%.

“Môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố tiếp tục được cải thiện, hệ thống kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn thiện, cùng với hiệu quả từ chuỗi các hoạt động xúc tiến đầu tư đã giúp Thành phố đạt kỷ lục về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong bối cảnh xu hướng đầu tư ra nước ngoài của các quốc gia phát triển có dấu hiệu chững lại, các quốc gia trong khu vực cũng có nhiều chính sách mới để cạnh tranh đón dòng vốn đầu tư dịch chuyển”, ông Phong thông tin.

Tính đến ngày 20/12/2023, Hải Phòng xếp thứ hai cả nước với tổng số vốn thu hút là 3,4 tỷ USD, có 933 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư là 28,9 tỷ USD.

Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng trưởng tốt

Cả năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành ước tăng 13,16% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các ngành kinh tế cấp 1 đều có tăng trưởng dương là ngành khai khoáng tăng 33,78%, đóng góp 0,07 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,40%, đóng góp 12,43 điểm phần trăm; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 7,89%, đóng góp 0,57 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 8,59%, đóng góp 0,09 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Nguồn: Cục Thống kê Thành phố Hải Phòng
Nguồn: Cục Thống kê Thành phố Hải Phòng.

Trong sản xuất công nghiệp, ngành công nghiệp chế biến chế tạo đóng vai trò là trụ đỡ, chiếm quyền số cao nhất (trên 90% giá trị tăng thêm), quyết định chủ yếu đến tốc độ tăng trưởng toàn ngành công nghiệp. Một số ngành công nghiệp có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ như: đóng tàu và cấu kiện nổi tăng 87,63%; sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính tăng 84,04%; sản xuất đồ điện dân dụng tăng 75,12%; sản xuất xe có động cơ tăng 69,73%; sản xuất đồ chơi, trò chơi tăng 59,55%; sản xuất gỗ dán, gỗ lạng, ván ép tăng 53,76%; sản xuất bột giấy, giấy và bìa tăng 40,77%; sản xuất linh kiện điện tử tăng 37,28%...

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cả năm 2023 ước tăng 10,86% so với cùng kỳ. Trong đó, một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao như: sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục) tăng 90,17%; sản xuất xe có động cơ tăng 56,42%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ tăng 40,98%.

Số lao động làm việc trong doanh nghiệp công nghiệp ước tại thời điểm 01/12/2023 tăng 0,64% so với tháng 11/2023 và giảm 2,2% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó: lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 27,01%; lao động doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 9,07%; lao động doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 2,93%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu năm 2023 dự kiến tăng cao so với cùng kỳ năm trước, tập trung vào nhóm các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, sản phẩm điện tử như: tủ lạnh gia đình sản xuất đạt 502,2 nghìn chiếc, tăng 528,97%; thiết bị ngoại vi của máy vi tính (chuột, bút quang, bi xoay) sản xuất đạt 20,8 triệu cái, tăng 252,58%; máy chơi game đạt 1,1 triệu cái, tăng 66,20%.

Hải Phòng thu hút gần 3 tỷ vốn FDI vào các khu công nghiệp, khu kinh tế
Chiều nay (22/9), Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng (HEZA) tổ chức Hội nghị trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án đầu tư trong khu công...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư