Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Hải Phòng tiếp tục khẳng định dấu ấn với Đề án Sân khấu truyền hình
Thanh Sơn - 25/06/2023 14:02
 
Sáng 25/6, Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng tổ chức Hội nghị sơ kết Chương trình Sân khấu truyền hình 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.

Năm 2023 là năm thứ 4 liên tiếp, các chương trình, vở diễn sân khấu truyền hình Hải Phòng tiếp tục được nâng cao chất lượng nghệ thuật, ngày càng đến gần hơn công chúng trong và ngoài Thành phố. Thành thói quen, cứ đều đặn mỗi tháng với 1 vở chèo hoặc cải lương, kịch nói, múa rối, chương trình ca múa nhạc được dàn dựng và biểu diễn trên sân khấu, trong sự đón nhận hào hứng của công chúng Thành phố.

Hội nghị sơ kết Chương trình Sân khấu truyền hình 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023
Hội nghị sơ kết Chương trình Sân khấu truyền hình 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023

Báo cáo kết quả 6 tháng đầu năm 2023, bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng cho biết: “Từ đầu năm đến nay, Sở đã tổ chức 6 chương trình, vở diễn thuộc 5 loại hình nghệ thuật là Cải lương, kịch nói, ca múa nhạc, chèo và múa rối như vở chèo Dòng sông ân nghĩa, chương trình nghệ thuật Thanh âm thành phố Cảng, vở kịch nói Nguồn sáng trong đời của tác giả Lưu Quang Vũ, tác phẩm kinh điển Romeo và Juliet, vở múa rối Dế mèn phiêu lưu ký và vở cải lương Hội vật cầu. Tính từ tháng 11/2019 cho đến nay, Sở đã triển khai gần 50 vở diễn với hình thức phát sóng trực tiếp hoặc ghi hình phát sóng trên truyền hình Hải Phòng với số tiền trên 120 tỷ đồng”.

Bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng báo cáo kết quả 6 tháng đầu năm thực hiện Đề án Sân khấu truyền hình
Bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng báo cáo kết quả 6 tháng đầu năm thực hiện Đề án Sân khấu truyền hình

Ngoài việc tổ chức phát sóng vào thứ Bảy mỗi tháng, các tác phẩm sân khấu còn được phát lại trên các kênh sóng: Truyền hình THP, THP+; Kênh phát thanh tần số 93,7 Mhz; Fanpage THP trên Facebook; THPApp; THPlive. Mỗi chương trình phát lại nhiều lần vào các tuần tiếp theo với lượng khán giả xem trực tiếp qua livestream từ 150 - 250 người cùng một thời điểm truy cập; khán giả truy cập mỗi chương trình 7.000 lượt xem; khán giả chia sẻ chương trình trên trang cá nhân từ 100 lượt trở lên; khán giả tương tác với chương trình từ 500 - 1.000 lượt tương tác. Hầu hết, nội dung các bình luận của khán giả đều yêu thích, háo hức được đón xem các chương trình, bày tỏ sự cảm ơn với thành phố, các đơn vị liên quan đã tổ chức một chương trình thật ý nghĩa, mang đậm màu sắc truyền thống đến khán giả...

Romeo và Juliet là tác phẩm kinh điển của William Shakespeare do Đoàn Kịch nói Hải Phòng tổ chức thực hiện trên sân khấu của Nhà hát Thành phố. Ảnh: Thanh Tân
Romeo và Juliet là tác phẩm kinh điển của William Shakespeare do Đoàn Kịch nói Hải Phòng tổ chức thực hiện trên sân khấu của Nhà hát Thành phố. Ảnh: Thanh Tân
Vở chèo Dòng sông ân nghĩa là một trong những vở diễn thuộc Đề án Sân khấu truyền hình được đầu tư dàn dựng công phu, có chất lượng, được khán giả đánh giá cao. Ảnh: Thanh Tân
Vở chèo Dòng sông ân nghĩa là một trong những vở diễn thuộc Đề án Sân khấu truyền hình được đầu tư dàn dựng công phu, có chất lượng, được khán giả đánh giá cao. Ảnh: Thanh Tân

Bên cạnh đó, hoạt động lưu diễn phục vụ nhân dân theo Đề án sôi động và thu hút sự tham gia, hưởng ứng của nhân dân hơn so với giai đoạn trước đại dịch Covid-19. Các đơn vị đều tích cực triển khai ngay sau khi được công diễn tại Nhà hát Thành phố. Tính đến hết tháng 5/2023 đã có 56 buổi lưu diễn được thực hiện.

Việc tổ chức biểu diễn miễn phí phục vụ nhân dân tại Nhà hát Thành phố Hải Phòng vào tối Chủ nhật ngay sau chương trình công diễn được truyền hình trực tiếp đã tạo được ấn tượng sâu sắc và tạo nên điểm hẹn văn hóa với du khách và nhân dân Thành phố.

Trong nhiều giải pháp, căn cơ nhất vẫn là đầu tư nâng cao chất lượng vở diễn. Hiệu quả phần nào của chương trình sân khấu truyền hình năm 2022 và nửa đầu năm 2023 đã minh chứng, những vở diễn được đầu tư công phu, dám đổi mới, sáng tạo, thử nghiệm gặt hái được thành công lớn và được công chúng thành phố, cả nước, giới chuyên môn thích thú đón nhận. Đó chính là Vở rối “Lời thề” giành huy chương bạc Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm năm 2022.

Tại Hội nghị, ông Trần Trung Hiếu, Trưởng đoàn Kịch nói Hải Phòng cho biết: “Đề án sân khấu truyền hình đã lan tỏa sâu rộng tới công chúng thành phố và cả nước. Sự lan tỏa thể hiện ở việc tham gia của lực lượng diễn viên không chỉ dừng lại trong thành phố, mà còn quy tụ các nghệ sĩ, nhất là đạo diễn có tên tuổi của các đoàn nghệ thuật trung ương. Đặc biệt, nhờ có Đề án nên các đoàn nghệ thuật có cơ hội và điều kiện về kinh phí để dàn dựng các vở kinh điển. Trong tháng 6/2023, Đoàn Kịch nói đã xây dựng thành công vở kịch Romeo và Juliet - một vở kịch kinh điển của nhà văn William Shakespeare, đạo diễn, NSƯT Bùi Như Lai được đông đảo khán giả đón nhận và ca ngợi. Đây chính là thành công của riêng Đoàn Kịch nói Hải Phòng”.

Đóng góp ý kiến về chương trình sân khấu truyền hình, NSƯT Bùi Như Lai, đạo diễn vở kịch nói Romeo và Juliet (thuộc Đề án Sân khấu truyền hình) chia sẻ: “Việc đào tạo cho các nghệ sĩ, diễn viên kế cận là vô cùng cần thiết, Hải Phòng hiện đang có 1 trường trung cấp đào tạo nghệ thuật, Hải Phòng phải đào tạo được 1 lực lượng nghệ sĩ kế cận trẻ, khao khát, đáp ứng được mong muốn quy hoạch của Thành phố”.

NSƯT Bùi Như Lai, đạo diễn vở kịch nói Romeo và Juliet (thuộc Đề án Sân khấu truyền hình) chia sẻ ý kiến tại Hội nghị
NSƯT Bùi Như Lai, đạo diễn vở kịch nói Romeo và Juliet (thuộc Đề án Sân khấu truyền hình) chia sẻ ý kiến tại Hội nghị

NSND Tự Long, Phó giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội cho biết: “Đề án Sân khấu này không chỉ có tính lan tỏa mà cái mà Hải Phòng làm được không chỉ mang được hơi thở, vở diễn tầm cỡ, ý nghĩa mà còn là lịch sử địa phương được nhân cách hóa, hình tượng hóa để trở thành những nhân vật biểu cảm, những hình tượng sân khấu được chuyển tải một cách mạnh mẽ. Đây không chỉ là kênh sân khấu lan tỏa mà còn là một kênh học đường, mọi người có thể tìm hiểu lịch sử Hải Phòng, con người Hải Phòng thông qua kênh truyền hình này. Đây chính là điều mà Hải Phòng đang làm rất tốt thông qua Đề án này”.

NSND Tự Long, Phó giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội
NSND Tự Long, Phó giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội

Đổi mới chương trình Sân khấu truyền hình Hải Phòng là yêu cầu thường xuyên qua từng vở diễn, chứ không phải qua từng năm. Khẳng định điều này, bà Mai cho biết: “6 tháng cuối năm 2023, Sở sẽ tiếp tục đầu tư thực hiện 6 chương trình, vở diễn sân khấu truyền hình trên cơ sở lựa chọn hài hoà các chủ đề và thể loại (kế hoạch năm 2023 là 12 chương trình). Đối với mỗi vở diễn, Sở yêu cầu các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp xây dựng kế hoạch cụ thể nghiên cứu, hỗ trợ, đổi mới, sáng tạo nội dung, hình thức thể hiện, mời các nghệ sĩ, ê-kíp sáng tạo từ Trung ương. Đồng thời, các đoàn nghệ thuật tăng cường các lượt lưu diễn về ngoại thành, hải đảo; công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế (đề xuất với các chủ doanh nghiệp cho công nhân nghỉ sớm trước 2 tiếng/buổi diễn trong tháng) để mọi người dân có cơ hội thưởng thức chương trình, vở diễn sân khấu truyền hình Hải Phòng”.

Tại Hội nghị, ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng khẳng định: “Đề án được sự hưởng ứng tích cực của người yêu văn hoá, nghệ thuật và văn nghệ sĩ thành phố; sự đánh giá cao của Trung ương và các tỉnh, thành bạn; là cơ hội để văn nghệ sĩ, diễn viên thành phố sáng tác, biểu diễn, thoả sức đam mê với nghề và nâng cao trình độ, sức sáng tạo nghệ thuật. Đây là điểm sáng của hoạt động sân khấu cả nước. Các chương trình vở diễn đã được dàn dựng, đầu tư công phu về cảnh trí, đạo cụ, trang phục, hòa âm phối khí, âm thanh ánh sáng, đội ngũ ê-kíp hàng đầu Việt Nam và nghệ sỹ, diễn viên cả Trung ương và thành phố luyện tập tích cực, công phu, kỹ năng diễn xuất được nâng cao rõ rệt, thể hiện trách nhiệm của mình qua từng vai diễn. Nội dung bám sát định hướng của Thành ủy, UBND Thành phố yêu cầu của Đề án, thể hiện được truyền thống hào hùng của miền đất, con người Hải Phòng, quảng bá cho một Hải Phòng năng động, hội nhập và phát triển”.

Ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng phát biểu kết luận Hội nghị sơ kết
Ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng phát biểu kết luận Hội nghị sơ kết

Với tinh thần đó, các đoàn nghệ thuật đang tích cực mời ê-kíp sáng tạo và mạnh dạn thử nghiệm cách dàn dựng, diễn xuất mới. Hy vọng, với đổi mới, đầu tư này, Đề án Sân khấu truyền hình Hải Phòng sẽ ngày càng đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân thành phố, đóng góp quan trọng vào việc phát triển văn hóa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thành phố Hải Phòng.

Đầu tư cho văn hóa cũng là đầu tư cho phát triển bền vững
Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) đã nêu: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư