Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 14 tháng 01 năm 2025,
Hâm nóng trung tâm thương mại
Anh Hoa - 17/12/2020 14:31
 
Trong khi các trung tâm mua sắm trên thế giới rơi vào tình trạng ảm đạm, đứng trước nguy cơ “báo tử”, thì các trung tâm thương mại (TTTM) ở Việt Nam lại có dấu hiệu “nóng” trở lại.
Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) hiện có 6 TTTM tại Việt Nam. Trong ảnh: Aeon Mall Hà Đông (Hà Nội). Ảnh: Dũng Minh
Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) hiện có 6 TTTM tại Việt Nam. Trong ảnh: Aeon Mall Hà Đông (Hà Nội). Ảnh: Dũng Minh

Diễn biến trái chiều

Theo khảo sát của Coresight Research, 25% trung tâm mua sắm trên khắp nước Mỹ sẽ phải đóng cửa trong vòng 3 - 5 năm tới nếu Covid-19 không được khống chế hoàn toàn.

Khoảng 1.000 TTTM và các cửa hàng bán lẻ trong các trung tâm mua sắm lớn tại Mỹ đang trong tình trạng ế ẩm, khiến họ khó có thể tiếp tục trụ vững trong thời gian tới, nếu tình hình không sớm được cải thiện.

Khoảng 90% cửa hàng bên trong các TTTM ở Mỹ là đơn vị thuê mặt bằng dài hạn để kinh doanh, trong đó có rạp chiếu phim, cửa hàng thời trang, siêu thị, các cửa hàng bán lẻ đồ gia dụng, thực phẩm… Đây là những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19.

Trong khi đó, những TTTM lâu đời tại Nhật Bản cũng không khả quan hơn. Sau hơn 3 thế kỷ hoạt động, TTTM Onuma ở TP. Yamagata (miền Bắc Nhật Bản) đang rục rịch đóng cửa. Nhiều cửa hàng trong số hơn 200 TTTM của Nhật Bản cũng đã thu hẹp đáng kể diện tích mặt bằng, bằng cách thu hút nhiều người thuê khác.

Khi hiện tượng “hấp hối” vì Covid-19 diễn ra tràn lan trên thế giới, thì tại Việt Nam, phân khúc này đang có dấu hiệu sôi động trở lại.

TTTM Aeon Mall tọa lạc tại quận Lê Chân - một trong những vị trí đắc địa nhất của Hải Phòng vừa mở cửa chào đón những vị khách đầu tiên từ ngày 14/12.

Đó cũng là TTTM thứ 6 của Tập đoàn Aeon tại Việt Nam và là TTTM địa phương đầu tiên ngoài Hà Nội và TP.HCM được đầu tư và vận hành bởi Công ty TNHH Aeonmall Việt Nam.

Ông Iwamura Yasutsugu, Tổng giám đốc Công ty Aeonmall Việt Nam kỳ vọng vào việc tăng tốc đầu tư các TTTM ở Việt Nam, nhất là tại Hà Nội. Aeon cũng coi Việt Nam là địa bàn đầu tư trọng điểm của Tập đoàn tại Đông Nam Á, với kế hoạch có 30 TTTM quy mô lớn, với tổng mức đầu tư khoảng 5 tỷ USD.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Vincom Retail cũng vừa đưa TTTM thứ 80 của mình vào hoạt động. Vincom Mega Mall Ocean Park tại Vinhomes Ocean Park (Gia Lâm, Hà Nội), diện tích lên tới 56.000 m2, được nhà bán lẻ này kỳ vọng sẽ bảo toàn vị trí dẫn đầu hệ thống TTTM tại Việt Nam.

Hiện tại, Vincom Retail sở hữu khoảng 1,6 triệu m2 diện tích mặt sàn bán lẻ, vận hành 80 TTTM tại 43 tỉnh, thành phố trên cả nước. Năm 2019, Vincom Retail dự kiến khai trương 3 TTTM Vincom Mega Mall ở Hà Nội trong năm nay.

Trong khi đó, Công ty Central Retail Việt Nam cũng lên kế hoạch xây dựng TTTM tại Bến Cát (Bình Dương). Với quy mô diện tích 3 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 40 triệu USD, TTTM này được kỳ vọng sẽ có quy mô lớn nhất Việt Nam.

Ông Philippe Broianigo, Tổng giám đốc Công ty Central Retail cho biết, Tập đoàn đang sở hữu 37 TTTM, phát triển 270 cửa hàng tại 40 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Năm yếu tố hút khách

Việc các tên tuổi trên thị trường đồng loạt khuấy động các TTTM được dự báo sẽ thúc đẩy thị trường bán lẻ Việt Nam. Song đâu là lý do để các nhà đầu tư, các thương hiệu bán lẻ lựa chọn kinh doanh tại các TTTM lớn này?

Giới phân tích cho rằng, TTTM nào đáp ứng được 5 tiêu chí, gồm: vị trí đẹp; khả năng tiếp cận lượng khách hàng lớn; không gian sáng tạo để thu hút người trẻ năng động, sáng tạo và văn minh; cơ cấu ngành hàng đa dạng để nâng cao trải nghiệm của khách hàng, hỗ trợ tối đa các gian hàng kinh doanh; quy tụ nhiều thương hiệu nổi tiếng, thì sẽ thu hút khách hàng.

Chẳng hạn, Aeon Mall đã tăng doanh thu 60% bằng cách tập trung vào văn hóa và thị hiếu Việt Nam. Chiến lược thúc đẩy các nhãn hiệu riêng của Aeon, bao gồm việc thỏa mãn nhu cầu mua sắm giá rẻ của người Việt Nam và mở nhiều cửa hàng có khả năng cung cấp các sản phẩm này cũng là một bí quyết.

Giới phân tích cho rằng, trong khi các TTTM do Việt Nam làm chủ đầu tư nhìn ra được điểm hạn chế của mình, thì Aeon đã tạo sự khác biệt quá xa, bởi các TTTM của nhà đầu tư Nhật Bản này luôn chủ động chọn lọc các đối tác để hợp tác vì mô hình kinh doanh của họ là chia sẻ doanh thu, nên chọn lọc rất kỹ, phân khu vực hàng hóa logic. Hơn nữa, quy trình làm việc của họ rất chuyên nghiệp và chặt chẽ, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho ngày khai trương, trong khi các TTTM trong nước thường vừa làm vừa chạy, gây thế bị động cho khách thuê. Đặc biệt, khâu dịch vụ của Aeon, từ bảo vệ cho tới nhân viên bán hàng, đều được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp.

Mặc dù vậy, Aeon bị hạn chế về số lượng TTTM quy mô lớn so với các tên tuổi khác, bởi việc tìm địa điểm đủ lớn là rất khó khăn. Để đạt được mục tiêu số lượng TTTM đặt ra, Aeon có thể phải tính đến phương án mua bán - sáp nhập (M&A) với các tên tuổi khác.

Để cạnh tranh, rõ ràng, các tên tuổi trong nước cũng phải chạy đua để đạt được “tầm” như các tên tuổi ngoại đang làm mưa làm gió ở thị trường Việt Nam.

Bất động sản TP.HCM: Hưởng lợi nhờ quy hoạch và sự đổ bộ của các trung tâm thương mại lớn
Với chủ trương thành lập TP.Thủ Đức trên cơ sở sát nhập ba quận Thủ Đức, quận 2, quận 9, nhu cầu về các trung tâm mua sắm, vui chơi, giải trí...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư