Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 18 tháng 09 năm 2024,
Hàng loạt cổ phiếu ngân hàng tăng kịch trần, lập đỉnh mới
T.V - 24/11/2021 17:20
 
Trong phiên giao dịch ngày 24/11, hàng loạt cổ phiếu ngân hàng tăng giá, trong đó có 8 mã tăng trần, cùng với thanh khoản bùng nổ khi kết quả kinh doanh quý IV/2021 dự báo sáng màu.

Lấy lại đà tăng

Các mã cổ phiếu của ngân hàng tăng kịch trần gồm: SSB (SeABank), VIB (VIB), OCB (OCB), EIB (Eximbank), MBB (MBBank), STB (Sacombank). Mức giá đóng phiên chiều 24/11 lần lượt đạt 39.500 đồng/cổ phiếu (SSB); 44.800 đồng (VIB); 29.950 đồng (OCB); 29.400 đồng (EIB); 30.900 đồng (MBB) và 30.450 đồng/cổ phiếu (STB). 

Các mã cổ phiếu trên cũng có mức tăng đáng kể trong khoảng một tuần qua, với mức tăng trên dưới 10%. Trong đó OCB của Ngân hàng Phương Đông tăng kịch trần 7% lên 29.950 đồng/cổ phiếu trong ngày 24/11.

Đây là mức giá đỉnh mới của cổ phiếu OCB từ khi niêm yết tới nay (đã tính giá điều chỉnh) sau khi nhà băng này phát hành cổ phiếu trả cổ tức 2020, với tỷ lệ 25% tăng vốn lên gần 14.000 tỷ đồng.

Cổ phiếu OCB hút rất mạnh dòng tiền trong khoảng 4 phiên giao dịch gần đây, riêng phiên sáng 24/11 có tới hơn 16,5 triệu đơn vị được khớp lệnh thành công, cao gấp 2,5 lần so với bình quân 10 phiên giao dịch gần nhất. 

Ngoài ra, hàng loạt mã cổ phiếu "vua" khác cũng lập đỉnh mới như: TPB của TPBank, MSB của Hàng Hải, HDB của HDBank... khi lần lượt ghi nhận: 49.100 đồng/cổ phiếu (TPB); 28.200 đồng (MSB) và 33.500 đồng/cổ phiếu (HDB)... đều có mức tăng từ 15-20% trong một tuần qua.

Dòng tiền chảy mạnh vào cổ phiếu ngân hàng trong phiên giao dịch ngày 24/11 giúp thanh khoản của nhóm cổ phiếu vua lên cao kỷ lục.

Đơn cử STB, chỉ riêng ngày 24/11 khớp lệnh tới hơn 67 triệu đơn vị, LPB của LienVietPostBank khớp gần 45 triệu đơn vị, TCB của Techcombank đạt hơn 52 triệu đơn vị và MBB là hơn 43 triệu đơn vị...

Các mã cổ phiếu "vua" đang giao dịch trên sàn UpCom như: NAB (Nam A Bank), BVB (Viet Capital Bank); SGB (Saigonbank), VBB (VietBank); PGB (PGBank) cũng trên đà tăng khi ghi nhận mức cao chốt phiên ngày 24/11 ở mức lần lượt 25.300 đồng/cổ phiếu; 26.400 đồng; 21.200 đồng; 21.800 đồng và PGB lên đến 36.300 đồng/cổ phiếu... tăng từ 12 -20% chỉ trong 1 tuần qua.

Sở dĩ giá cổ phiếu "vua" bật tăng trong những phiên gần đây nhờ các thông tin tác động tích cực từ kết quả kinh doanh quý III/2021 và dự báo lợi nhuận quý IV cũng không quá xám màu và việc bán, chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư trong, ngoài nước... 

OCB với kết quả kinh doanh quý III/2021 tích cực khi thu về hơn 1.100 tỷ đồngtrước thuế và lũy kế 9 tháng đầu năm 2021 đạt 3.768 tỷ đồng, cao gấp rưỡi cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 1,51% vào cuối tháng 9/2021 mức thấp kỷ lục của nhà băng này.

Một trong những yếu tố giúp lợi nhuận trước thuế của OCB duy trì mức khả quan, theo lãnh đạo ngân hàng là việc tiếp tục kiểm soát tốt chi phí hoạt động (CIR) khi tỷ lệ này giảm từ 31,9% của cùng kỳ năm ngoái xuống còn 29,1% vào quý III năm nay.

Chờ thông tin quý IV

Báo cáo phân tích về OCB vừa đưa ra, Công ty Chứng khoán SSI cũng nhận định CIR được ngân hàng quản lý tốt. OCB hiện nằm trong số những ngân hàng có CIR thấp nhất nhờ đầu tư số hoá từ năm 2018 và gặt hái được những quả ngọt đến thời điểm này, bất chấp tác động của đại dịch.

Đồng thời trong quý IV/2021 theo lộ trình mà lãnh đạo ngân hàng đã chia sẻ với cổ đông, OCB sẽ phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, không loại trừ việc nới room vốn ngoại lên 30% từ mức 22% hiện tại để bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, với Eximbank, hôm nay (24/11) HĐQT Eximbank chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền đề cử nhân sự dự kiến bầu vào HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ VII (2020 - 2025).

Tính từ đầu năm 2021 đến nay, đã có hơn 356 triệu cổ phiếu EIB được trao tay theo phương thức thỏa thuận với giá trị đạt xấp xỉ 9.000 tỷ đồng.

Liên quan đến giao dịch “khủng” và tăng giá của cổ phiếu EIB gần đây khi xuất hiện thông tin cổ đông chiến lược nước ngoài của Eximbank là SMBC (Nhật Bản) sẽ chuyển nhượng 15% cổ phần tại EIB cho một đối tác trong nước. 

Và VPBank trở thành cái tên được chú ý khi cho rằng, SMBC sẽ thoái vốn tại Eximbank để chuyển sang hợp tác với VPBank. Đáng chú ý, khi VPBank khóa “room” ngoại ở mức 15% để chuẩn bị chào bán cổ phần riêng lẻ.

Mặc dù chưa tiết lộ danh tính đối tác chiến lược, nhưng VPBank xác nhận SMBC là cái tên mà ngân hàng quan tâm trong đợt phát hành cổ phần riêng lẻ sắp tới. Mới đây, VPBank đã thông báo đã hoàn tất việc bán 49% vốn điều lệ tại FE Credit cho SMBC. 

Không chỉ các mã trên mà ngay cả cổ phiếu VCB của Vietcombank - vốn nổi tiếng "nặng" nhưng cũng tăng tới hơn 6% trong phiên ngày 24/11.

Chứng khán Mirae Asset dự báo, ROE của Vietcombank đạt gần 20% trong năm 2021, câu chuyện tăng vốn là động lực tăng giá cổ phiếu. 

Trong báo cáo phân tích mới đây, CMirae Asset  dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2021 của Vietcombank ước đạt 25.711 tỷ đồng, tăng 11,5% so với năm trước. ROE của ngân hàng ước tính đạt gần 19,9% trong năm 2021 và tăng lên 20,2% trong năm 2022...

Cổ phiếu ngân hàng tăng cao sau hơn 3 tháng giảm, cho dù VN-Index liên tục lập kỷ lục cao và nhiều mã cổ phiếu ở ngành khác liên tục tăng giá. Nhà đầu tư cổ phiếu "vua" đang hưng phấn trở lại.

Song các khuyến cáo đưa ra, nợ xấu vẫn là rào càn đối với cổ phiếu ngân hàng cuối năm khi Ngân hàng Nhà nước cho biết, nợ nội bảng của ngành có thể lên tới 7-8% cuối năm nay do nợ xấu từ tái cơ cấu cho khách hàng ảnh hưởng dịch, nhưng đã có kịch bản đối phó. 

Nhiều yếu tố thúc đẩy lợi nhuận ngân hàng, định giá cổ phiếu đang ở mức hợp lý
Báo cáo về ngành ngân hàng của Công ty Chứng khoán Maybank Kimeng (MBKE) đưa ra đánh giá khả quan về triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các ngân...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư