Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 10 tháng 09 năm 2024,
Hàng loạt ngân hàng hoãn đại hội và điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận 2020
Thùy Vinh - 26/03/2020 20:08
 
Trước diễn biến dịch covid-19 ngày càng phức tạp, các ngân hàng đành phải hoãn lịch đại hội cổ đông (ĐHCĐ) dự kiến tổ chức cuối tháng này và đầu tháng tới. Đồng thời, tác động của dịch bệnh ảnh hưởng không nhỏ lên tăng trưởng tín dụng nên một số nhà băng cho biết, sẽ điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận.

Lùi thời gian hoãn đến tháng 6/2020

Chiều ngày 26/3, Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank) vừa có thông báo đến cổ đông về việc hoãn tổ chức đại hội cổ đông (ĐHCĐ) sang ngày khác, thay vì tổ chức cuối tuần này. HĐQT Nam A Bank cho biết, dự kiến sẽ tiến hành tổ chức đại hội cổ đông (ĐHCĐ) vào ngày 28/3 tại Đà Lạt. 

Tuy vậy, trong bối cảnh dịch bệnh covid-19 đang ngày càng diễn biến phức tạp, thực hiện theo khuyến cáo của cơ quan y tế có thẩm quyền cũng như thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng xã hội, HĐQT Nam A Bank thông báo đến cổ đông việc tạm hoãn ĐHCĐ thường niên 2020. 

Ngân hàng Quân Đội (MB) lùi họp Đại hội đồng cổ đông chậm nhất đến cuối tháng 6/2020. Theo đó, MB vừa có đề xuất Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội lùi lịch họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 vào thời điểm thích hợp, chậm nhất đến cuối tháng 6/2020 thay vì tổ chức vào tháng 4 như thông thường. Đề xuất này đã được chấp thuận và MB đã thực hiện các thủ tục công bố thông tin về việc lùi lịch họp Đại hội đồng cổ đông.

Việc làm này của MB nhằm hạn chế rủi ro lây nhiễm và đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng và thực hiện đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 11/3/2020 về việc tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới và chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội về việc hạn chế tổ chức các cuộc họp, sự kiện và hoạt động tập trung đông người cũng như theo Công điện số 02/CĐ-NHNN ngày 11/3/2020 về tăng cường phòng, chống dịch bệnh covid-19 trong tình hình mới. 

MB là ngân hàng TMCP có số lượng cổ đông lớn. Các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên của MB các năm qua nhận được sự quan tâm và tham gia trực tiếp của đông đảo cổ đông. Với việc đề xuất lùi họp Đại hội 2020, MB muốn góp phần cùng Chính phủ và Thành phố chung tay đẩy lùi dịch bệnh, đảm bảo quyền lợi của cổ đông và an toàn cho sức khỏe của cộng đồng.

Hội đồng Quản trị SeABank thông qua việc hoãn họp cổ đồng thường niên năm 2020. Trước đó, ngân hàng dự kiến tổ chức vào ngày 27/3. Thời gian và địa điểm sẽ được công bố sau khi Hội đồng Quản trị quyết định cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế và tuân thủ chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Trước đó, ACB cũng hoãn họp cổ đông thường niên, từng dự kiến tổ chức vào 7/4. Techcombank cũng lùi thời gian tổ chức họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 sang tháng 6/2020. Các năm trước, phiên họp cổ đông thường được các ngân hàng thực hiện vào tháng 4. Eximbank cũng dời lịch họp cổ đông theo chỉ đạo của UBND TP HCM.

Liên quan đến việc tổ chức họp đại hội cổ đông, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa qua cũng đã yêu cầu các nhà băng chủ động phối hợp với NHNN chi nhánh trên địa bàn xin ý kiến của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương về việc tổ chức đại hội cổ đông/đại hội thành viên để có hình thức tổ chức phù hợp hoặc xin lùi thời điểm tổ chức.

Theo NHNN, việc này nhằm đảm bảo nghiêm ngặt việc phòng, chống dịch Covid-19 trong điều kiện có nhiều diễn biến phức tạp theo đúng chỉ đạo và hướng dẫn của chính quyền địa phương, các cấp, các ngành có thẩm quyền.

Sẽ điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận

Để ngăn hạn nợ xấu khi dịch covid-19 ảnh hưởng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ngành ngân hàng bắt đầu cơ cấu, giãn nợ và tiếp tục giảm lãi suất.

Báo cáo đánh giá các ngân hàng tại Việt Nam mới đây của Moody's cũng cho rằng, mức tăng trưởng lợi nhuận vững chắc và cải thiện chất lượng tài sản trong năm 2019 của các ngân hàng Việt Nam được hưởng lợi từ môi trường kinh tế vĩ mô mạnh mẽ.

Tuy nhiên, Moody's nhận định, các rủi ro đối với chất lượng tài sản có thể phát sinh do sự bùng phát của dịch virus corona. Nếu dịch bệnh kéo dài sẽ dẫn tới sự gia tăng các khoản nợ xấu từ những doanh nghiệp sản xuất, thương mại và doanh nghiệp kinh doanh các lĩnh vực có mối quan hệ chặt chẽ với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Nguyễn Quốc Hùng cũng cho biết, Covid-19 làm tăng tỷ lệ nợ quá hạn và ảnh hưởng 11% dư nợ toàn hệ thống ngân hàng.Tại hội nghị gỡ khó cho doanh nghiệp của ngành ngân hàng ngày 2/3 vừa qua, Vụ tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho hay, đến nay ít nhất 926.000 tỷ đồng dư nợ của 23 ngân hàng bị ảnh hưởng bởi nCoV (chiếm hơn 11% dư nợ toàn hệ thống).

Tính đến nay, các ngân hàng đã hỗ trợ hơn 44.000 khách hàng với dư nợ khoảng 222.000 tỷ đồng bằng cách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay các khoản nợ hiện hữu, giảm lãi các vay các khoản cho vay mới, miễn giảm các loại phí, triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng hỗ trợ. Vụ trưởng vụ tín dụng NHNN cũng khẳng định, ngành ngân hàng đảm bảo đủ nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp.

Nhiều TCTD đã đăng ký tham gia gói tín dụng ưu đãi tổng giá trị 285.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn 0,5-1%. BIDV đăng ký hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, Agribank 100.000 tỷ đồng, MB 35.000 tỷ đồng, ACB 15.000 tỷ đồng…

Theo đó, các TCTD sẽ dựa trên tình hình, sức khỏe tài chính để đưa ra mức lãi suất phù hợp. Mặt khác, các doanh nghiệp khi vay vốn cũng phải đáp ứng dược đủ điều kiện về khả năng hoạt động đảm bảo được nguyên liệu đầu vào, chứng minh được đầu ra. 

Việc đẩy mạnh tái cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất khó tránh ảnh hưởng đến lợi nhuận, song lãnh đạo các nhà băng cho rằng, đây là việc cấp thiết phải làm để ngăn hạn nợ xấu. Lãnh đạo Vietcombank cho biết, nhà băng phải hy sinh ít nhất 300-450 tỷ đồng lợi nhuận để giảm lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng vì dịch. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ nợ xấu cũng như mức trích lập dự phòng.

Tuy nhiên, ngân hàng cũng sẽ điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng tín dụng nếu cần thiết, phụ thuộc nhu cầu nền kinh tế và kịch bản tăng trưởng GDP.

Trong khi đó, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch BIDV cho hay, nếu tính tổng dư nợ các ngành có khả năng bị ảnh hưởng như du lịch, xuất khẩu, nông nghiệp.... của BIDV thì khoảng 140.000 tỷ đồng. Vì thế, mục tiêu lợi nhuận đặt ra đầu năm trong kịch bản dịch bệnh kết thúc vào tháng 3 trở nên khó khăn sẽ điều chỉnh nếu cần thiết.

Theo tài liệu được Nam A Bank công bố, Ngân hàng đưa ra một số chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh trọng yếu trong năm 2020 gồm: tổng tài sản đạt 116.000 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2019; huy động vốn cá nhân, tổ chức kinh tế và phát hành giấy tờ có giá đạt 92.000 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2019.

Dư nợ cho vay cá nhân, tổ chức kinh tế đạt 82.000 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2019 nhưng vẫn đảm bảo tỷ lệ tăng trưởng tín dụng theo quy định của NHNN. Tỷ lệ nợ xấu không vượt quá 3%. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 800 tỷ đồng. 

Trong khi đó, kết thúc năm 2019, Nam A Bank đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất 925 tỷ đồng, đạt 116% kế hoạch, tăng 351 tỷ đồng so với 9 tháng đầu năm 2019.

Ngân hàng đầu tiên đặt mục tiêu lợi nhuận giảm năm 2020
Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2020 là 800 tỷ đồng, giảm 13,47% so với năm 2019. Đây là ngân hàng đầu tiên...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư