Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Hàng loạt văn bản luật có hiệu lực năm 2018: Hoàn thiện thể chế cho Chính phủ hành động
Mạnh Bôn - 02/01/2018 07:00
 
Năm 2018, năm bản lề thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, hàng loạt văn bản luật vừa được Quốc hội thông qua là điều kiện cần để Chính phủ hành động.

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Động lực cho tinh thần khởi nghiệp

Chiếm 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Thế Phương, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nắm giữ vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Không chỉ ở Việt Nam, mà ở các quốc gia trên thế giới, khu vực này có vai trò đặc biệt quan trọng trong tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển và đóng góp ngân sách nhà nước.

.
.

Đặc biệt, DNNVV còn là nơi diễn ra nhiều cải tiến, sáng tạo và ứng dụng trong sản xuất, kinh doanh. “Một số nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore… đều xác định DNNVV là xương sống của nền kinh tế nên đã luật hóa chính sách hỗ trợ khu vực này”, ông Phương cho biết.

Tại Việt Nam, kể từ 1/1/2018, doanh nghiệp sử dụng dưới 200 lao động tham gia bảo hiểm xã hội có tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng doanh thu không quá 300 tỷ đồng sẽ được hưởng hỗ trợ  tiếp cận tín dụng; thuế, kế toán; mặt bằng sản xuất; mở rộng thị trường.

Nhà nước sẽ hỗ trợ doanh nghiệp thành lập trên cơ sở hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo và doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành. “Luật này là động lực cho tinh thần khởi nghiệp, để hộ kinh doanh từ bỏ tâm lý làm ăn manh mún, nhỏ lẻ. Đây là cơ sở để đạt mục tiêu sẽ có 1.000.000 doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020”, ông Phương kỳ vọng.

Luật Quản lý, sử dụng tài sản công: Chấm dứt tình trạng “cha chung”

Kể từ ngày 1/1/2018, khi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực, những hạn chế, tồn tại trong quản lý, sử dụng tài sản công sẽ được khắc phục trên cơ sở đổi mới phương thức quản lý, sử dụng tài sản công theo hướng nắm chắc, thống kê, hạch toán đầy đủ.

Tài sản công là nguồn lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, nên Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đưa ra cơ chế quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, phòng ngừa tham nhũng, thất thoát, lãng phí.

Đặc biệt, Luật đã có cơ chế khai thác tài sản công hợp lý gắn với việc huy động các nguồn lực trong xã hội cùng Nhà nước đầu tư phát triển, khai thác tài sản công, để tạo lập nguồn lực tài chính đóng góp có hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội.

“Tất cả tài sản là kết cấu hạ tầng đều phải giao cho đối tượng quản lý để xác định chủ thể chịu trách nhiệm trước Nhà nước. Tài sản công là kết cấu hạ tầng sẽ được giao cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trực tiếp tổ chức khai thác. Những quy định này một mặt chấm dứt tình trạng “cha chung không ai khóc”, mặt khác khai thác tối đa tài sản công là kết cấu hạ tầng”, ông Huỳnh Quang Hải, Thứ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng: Sếp nhà băng không đồng thời lãnh đạo doanh nghiệp

Sau 4 năm triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2011-2015”, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh đánh giá, việc xử lý TCTD yếu kém còn nhiều khó khăn, tiềm ẩn rủi ro lớn cho hệ thống ngân hàng và nền kinh tế. Một trong những nguyên nhân là do cơ chế, chính sách xử lý nợ xấu còn bất cập, nhiều vấn đề mới phức tạp phát sinh trong khi pháp luật chưa có quy định hoặc chưa điều chỉnh kịp thời.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD khắc phục những hạn chế, tồn tại hiện nay, là cơ sở pháp lý quan trọng để tiếp tục tái cơ cấu hệ thống ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.

Kể từ ngày 15/1/2018, người phải chịu trách nhiệm dẫn đến TCTD bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng sẽ không được đảm nhiệm chức vụ quản trị, điều hành TCTD; “sếp” của nhà băng không được đồng thời lãnh đạo hoặc thành viên ban lãnh đạo của doanh nghiệp.

Cũng từ ngày 1/1/2018, cổ đông phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của nguồn vốn góp, mua cổ phần tại TCTD; không được sử dụng vốn vay ngân hàng này để mua cổ phần của ngân hàng khác; không được góp vốn, mua cổ phần của TCTD dưới tên cá nhân, pháp nhân khác dưới mọi hình thức. 

“Những quy định này sẽ ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật của người quản trị điều hành TCTD; hạn chế lãnh đạo TCTD cấp tín dụng cho công ty sân sau, tạo ra rủi ro cho hệ thống ngân hàng. Ngăn chặn tình trạng cá nhân thao túng ngân hàng, mua cổ phần ngân hàng bằng “tiền ảo” dẫn đến rủi ro cho toàn hệ thống”, ông Kim Anh nhấn mạnh.

Luật Quy hoạch: Khắc phục cát cứ

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu, Luật Quy hoạch là bước đột phá trong hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; góp phần thay đổi phương thức quản lý nhà nước theo hướng kiến tạo và phục vụ, trong đó xác định quy hoạch là công cụ quan trọng để phân bổ nguồn lực theo cơ chế thị trường, huy động các nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển, nhằm giảm bớt gánh nặng đầu tư công. Luật Quy hoạch tạo sự thống nhất trong quản trị, điều hành từ Trung ương đến địa phương, hướng tới việc khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn lực quốc gia; tăng cường liên kết vùng và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế vùng, địa phương.

Chưa phải năm 2018, nhưng kể từ ngày 1/1/2019, việc lập quy hoạch theo hướng tích hợp, đa ngành, nhất quán và hiệu quả thiết thực; khắc phục tình trạng chia cắt, cục bộ ngành và cát cứ địa phương; giải quyết xung đột lợi ích giữa ngành, địa phương, giữa Trung ương và địa phương và giữa doanh nghiệp với người dân.

“Sẽ khắc phục tình trạng xin - cho dự án trong quy hoạch qua việc điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, làm lãng phí nguồn lực quốc gia. Luật Quy hoạch, cùng với Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp là giải pháp quan trọng để cải cách thủ tục hành chính về đầu tư, kinh doanh”, ông Hiếu cho biết.

Phát triển kinh tế - xã hội năm 2018: Thực hiện quyết liệt, đồng bộ 3 đột phá chiến lược
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư