Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hàng tiêu dùng Hàn Quốc, Nhật Bản đổ bộ về Việt Nam
Thế Hải - 02/12/2016 09:16
 
Sau hàng hóa Thái Lan, các mặt hàng tiêu dùng Hàn Quốc, Nhật Bản với sự đa dạng, phong phú về chủng loại, đánh trúng nhu cầu người tiêu dùng, giá cả hợp lý đang thách thức doanh nghiệp trong nước.

Hàng tiêu dùng Nhật Bản, Hàn Quốc tràn kệ 

Không còn là những chương trình độc lập, các đơn vị xúc tiến thương mại Hàn Quốc, Nhật Bản đã có những chiến dịch bài bản, dài hơi…để chinh phục thị trường Việt Nam.

Kéo dài trong cả tháng 11/2016, lần đầu tiên, gần 80 mặt hàng của 32 công ty đến từ 24 tỉnh/thành phố ở Nhật Bản đã được tuyển chọn để lên kệ tại khoảng 200 cửa hàng FamilyMart và Ministop ở Việt Nam, trong chương trình “Japan Fair” được Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ tổ chức.

“Việt Nam là thị trường phát triển nhanh, người tiêu dùng dễ chấp nhận ssản phẩm mới”, ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật bản (Jetro) tại TP.HCM cho biết.

Mua sắm hàng tiêu dùng Nhật Bản, từ những sản phẩm nhỏ nhất như khăn giấy, trà túi lọc, bánh gạo, tới các mặt hàng điện tử, điện lạnh phục vụ đời sống đã trở nên dễ dàng hơn với người tiêu dùng Việt Nam. Đặc biệt, khi hệ thống siêu thị Nhật vào Việt Nam ngày một nhiều như FamilyMart, Ministop, AEON…, và tới đây là chiến dịch tăng độ phủ của hàng Nhật tại hệ thống bán lẻ Việt Nam của Chính phủ nước này.

Trong khi đó, tận dụng tối đa Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (KVFTA) đã có hiệu lực từ cuối năm 2015, trong năm  2016, các đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc cũng liên tục đưa hàng hóa đến tiếp thị tại Việt Nam.

50 doanh nghiệp Hàn Quốc trong các lĩnh vực hàng gia dụng, mỹ phẩm và thực phẩm vừa hoàn thành gần 1 tuần Triển lãm giới thiệu sản phẩm trong khuôn khổ lễ hội Hàng tiêu dùng Hàn Quốc tại TP.HCM, với nhiều hợp đồng xuất nhập khẩu hàng hóa đã được ký kết giữa doanh nghiệp 2 nước để triển khai ngay trong năm 2017.

Còn tại Hà Nội, trong 2 ngày (30/11 và 1/12), 70 doanh nghiệp Hàn Quốc đã hiện diện tại Triển lãm - Giao thương Hàn Quốc 2016 (Korean Expo 2016 ), là sự kiện giao thương Hàn Quốc lớn nhất trong năm 2016, với sự hỗ trợ của các Bộ, ngành Việt Nam và Hàn Quốc.

Ông In Sang Cho, Giám đốc Công ty BINGGIO chuyên sản xuất đồ chơi trẻ em cho biết, Công ty đã đến TP.HCM và đã  đưa được sản phẩm vào thị trường này từ năm ngoái. Lần xuất hiện tại Hà Nội này là nhắm tới đích tìm nhà phân phối sản phẩm tại đây. 

Ông Shinn Tea Yong, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà nhập khẩu Hàn Quốc cho rằng, doanh nghiệp Hàn Quốc mang tới Việt Nam các sản phẩm chất lượng cao, giá phải chăng, giúp người tiêu dùng Việt Nam tiếp cận hàng hóa của nước này một cách trực tiếp và dễ dàng.

Hàng nội yếu thế

Trước sự xâm nhập bài bản  của hàng tiêu dùng đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và trước đó là Thái Lan, hàng hóa của các doanh nghiệp nội ngày càng bị người tiêu dùng “nâng lên, đặt xuống” nhiều hơn.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho hay, hàng hóa Nhật Bản, Hàn Quốc đến với người tiêu dùng trong nước ngày càng thuận tiện, do các doanh nghiệp bán lẻ nước này đã mở rộng địa bàn tại Việt Nam. Đơn cử Tập đoàn Shinsegae (Hàn Quốc) đưa vào hoạt động đại siêu thị Emart đầu tiên với tổng vốn đầu tư khoảng 60 triệu USD. Lotte liên tục mở rộng kinh doanh và gia tăng sự hiện diện tại Việt Nam với hơn chục siêu thị tại nhiều tỉnh, thành phố... Đây sẽ là bàn đạp để đưa hàng tiêu dùng Hàn Quốc tiếp cận các gia đình Việt dễ dàng hơn.

Lo ngại các doanh nghiệp nội khó đưa hàng hóa vào hệ thống bán lẻ mà sở hữu là các doanh nghiệp nước ngoài cũng hoàn toàn có cơ sở. Bởi, sau khi Tập đoàn bán lẻ BJC của Thái Lan mua lại hệ thống Metro Cash & Carry, hàng Thái đã dần phủ đầy ở các kệ hàng. Tại các cửa hàng tiện lợi như B’smart, hàng Thái cũng đẩy hàng Việt ra khỏi kệ.

Hay khi Tập đoàn bán lẻ Aeon của Nhật mua lại 49% cổ phần của Citimart và 30% cổ phần của Fivimart, hàng Nhật cũng dần kín trên kệ hàng.

Là doanh nghiệp chuyên cung cấp các loai thiết bị điện và hàng tiêu dùng, lãnh đạo Công ty cổ phần Thủy Tiên tại TP. HCM đã tiếp khoảng 30 nhà sản xuất đến từ Hàn Quốc đặt vấn đề hợp tác thương mại trong năm 2016. Nhìn số lượng các đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc sang Việt Nam tiếp thị hàng hóa, ông Trịnh Quang Sỹ, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy Tiên cũng không khỏi ái ngại cho hàng nội.

“Họ có chiến lược rõ ràng chứ không đơn lẻ, được các tổ chức, Chính phủ hỗ trợ để làm thành chiến dịch bài bản. Cách Hàn Quốc làm cũng tương đối giống với Thái Lan, họ ồ ạt vào Việt Nam tìm hiểu, thăm dò thi trường, tìm kiếm đối tác và bất cứ mặt hàng gì liên quan đến tiêu dùng họ đều mang đến Việt Nam, khiến hàng nội ngày càng thu hẹp thị phần tại sân nhà”, ông Sỹ ngậm ngùi nhận xét.

Đầu tư thương mại điện tử cho ngành hàng tiêu dùng nhanh sẽ tăng mạnh
Thị phần thương mại điện tử trong ngành hàng tiêu dùng nhanh ở Việt Nam hiện mới chiếm 0,2%, và đây là thời điểm đầu tư thích hợp cho lĩnh...
Bình luận bài viết này
  • Nguyễn thị Lâm 09:42 | 08-07-2017
    Mình muốn mở hàng hàn nhật
Xem thêm trên Báo Đầu Tư