Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 16 tháng 10 năm 2024,
Hàng Việt ghi điểm trong chuỗi bán lẻ
Thế Hoàng - 10/09/2023 17:36
 
Chất lượng, mẫu mã, sự đa dạng trong các phân khúc tiêu dùng, giá cả hợp lý… là những “điểm cộng” khiến hàng Việt ngày càng thâm nhập sâu hơn vào hệ thống bán lẻ của doanh nghiệp ngoại.
Hàng Việt chiếm tỷ lệ rất cao trong các chuỗi bán lẻ của doanh nghiệp ngoại
Hàng Việt chiếm tỷ lệ rất cao trong các chuỗi bán lẻ của doanh nghiệp ngoại.

Hàng Việt ghi điểm trong chuỗi bán lẻ ngoại

Theo Bộ Công thương, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam hiện chiếm tỷ lệ hơn 90% trong các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước. Đối với các siêu thị nước ngoài tại Việt Nam, tỷ lệ hàng Việt chiếm từ 60% đến trên 95%. Với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên.

Central Retail, nhà phân phối bán lẻ có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam với các chuỗi siêu thị GO!, Big C, Tops Market cho biết, hàng Việt hiện chiếm phần lớn trong các chuối bán lẻ của Tập đoàn, trong đó, nhóm hàng hóa nông sản, thực phẩm chiếm khoảng 90%.

Nhờ thực hiện nhiều chương trình lớn xuyên suốt, liên tục, hiện tại, trên 90% hàng hóa tại hệ thống bán lẻ thực phẩm của Central Retail là hàng sản xuất tại Việt Nam.

Hàng Việt chiếm tỷ lệ rất cao trong hệ thống phân phối của Central Retail. Mặt hàng lương thực - thực phẩm, tiêu dùng thiết yếu trong hệ thống phân phối này chiếm hơn 90%, giúp doanh nghiệp tạo đầu ra, duy trì doanh thu, sản lượng, tiếp tục đảm bảo năng lực cạnh tranh.

Những doanh nghiệp Việt được nhà bán lẻ “gật đầu” đưa hàng vào hệ thống bán lẻ hiện đại, tiêu chuẩn cao cũng có thêm động lực để phát triển sản phẩm, chuẩn hóa sản xuất theo lộ trình tích cực hơn.

Ông Lê Anh, Giám đốc Công ty TNHH Mắm Lê Gia cho biết, sau nhiều nỗ lực, sản phẩm của Lê Gia đã vào được hệ thống bán lẻ hiện đại, chiếm được niềm tin của người tiêu dùng sành ăn, khó tính. “Để có được vị trí trên kệ siêu thị lớn, thực sự là một cuộc gồng mình của những doanh nghiệp tí hon, như Lê Gia”, ông Lê Anh nói.

Theo ông, để vào được chuỗi bán lẻ hiện đại, các nhà sản xuất Việt Nam phải tiếp tục phải “nâng cấp” sản xuất, tìm hiểu thị hiếu khách hàng để chuyển đổi nhanh nhạy, không bị tụt lại với các nhà cung ứng trong nước và cả nước ngoài.

Thị trường 100 triệu dân có sức hút lớn

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), 7 tháng năm 2023, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 2,777 triệu tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước (nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 12,9%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 10,1%; may mặc tăng 8,8%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 3,6%...

Với dân số 100 triệu dân, thị trường bán lẻ Việt Nam có quy mô 142 tỷ USD, trong đó 16% là thương mại điện tử. Quy mô thị trường sẽ sớm tăng lên 350 tỷ USD trong vài năm tới.

Trước sức hút từ thị trường bán lẻ nội địa, các tập đoàn, doanh nghiệp bán lẻ lớn của Thái Lan, Nhật Bản xác nhận tiếp tục tăng đầu tư để mở rộng kinh doanh tại Việt Nam bởi kinh tế tăng trưởng cao, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu…

Giám đốc điều hành Central Retail Corporation (CRC), ông Yol Phokasub cho biết, 5 năm tới, CRC sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh, với khoản vốn 1,45 tỷ USD để tăng gấp đôi số lượng cửa hàng lên 600, có mặt trên 57 tỉnh, thành phố của Việt Nam.

Khởi đầu là một nhà bán lẻ thời trang chỉ có vài cửa hàng, đến nay, Central Retail Việt Nam đã có hơn 340 cửa hàng với diện tích bán lẻ hơn 1,2 triệu m2 tại 40 tỉnh, thành phố của Việt Nam.

Công ty đã đạt được mức tăng trưởng nhảy vọt từ 8,7 triệu USD vào năm 2014 lên 1,12 tỷ USD vào năm 2021. Gần đây nhất, năm 2022, với doanh số bán hàng chiếm 25% tổng doanh thu của Công ty, Central Retail trở thành nhà bán lẻ quốc tế lớn nhất tại Việt Nam, dẫn đầu thị phần mảng đại siêu thị.

Ông Tanaka Kosei, Phó tổng giám đốc Khối Văn phòng Aeon Việt Nam đánh giá: “Việt Nam là thị trường có sức mua lớn, là cơ hội cho các doanh nghiệp bán lẻ. Đó là lý do Tập đoàn sẽ mở rộng thêm nhiều trung tâm mua sắm mới trên các tỉnh, thành phố, phát triển bán hàng đa kênh và tiếp tục tăng hàng Việt trong chuỗi siêu thị”.

Một nhà bán lẻ Nhật Bản khác là Muji cũng nhanh chân hiện diện tại Việt Nam từ 3 năm trước. Chuỗi bán lẻ này đang tích cực thu mua và bán lẻ 2 nhóm mặt hàng xuất xứ từ Việt Nam là các mặt hàng may mặc, đồ gia dụng và thực phẩm.

“Một số mặt hàng của Muji có các mức giá phải chăng nhờ nguồn cung đến từ các đối tác địa phương”, đại diện Muji cho biết.

Để vào được chuỗi siêu thị này, hàng Việt phải vượt qua được các tiêu chuẩn khắt khe từ nguyên vật liệu tới quy trình sản xuất.

Trong thời gian tới, Muji dự kiến tiếp tục mở rộng hoạt động tại thị trường Việt Nam, bao gồm tăng độ phủ cũng như đa dạng hàng hóa xuất xứ Việt Nam trong hệ thống. Cụ thể, Muji đã có kế hoạch tìm kiếm nhà cung cấp các sản phẩm đồ gia dụng có chất liệu gốm sứ hay gỗ từ Việt Nam, tạo thêm cơ hội định hình tên tuổi, thương hiệu cho các doanh nghiệp Việt trong các chuỗi bán lẻ nước ngoài tại Việt Nam.

Hàng Việt tiến sang đất Thái
Hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam đang có mặt tại Trung tâm thương mại Central World Plaza, Bangkok, Thái Lan, mang hàng hóa Việt tiếp thị tới các nhà mua hàng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư