Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Hành trình đòi lại tài sản của cựu tử tù Liên Khui Thìn: “Thế cờ” đảo lật phút 89
Ngô Nguyên - 14/09/2023 09:56
 
Tòa án Nhân dân tối cao vừa có quyết định kháng nghị cả bản án sơ thẩm và phúc thẩm liên quan vụ cựu tử tù Liên Khui Thìn kiện đòi lại quyền lợi tại Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Tây Sơn.
Khu dân cư Hồng Long là một trong những khối tài sản khổng lồ mà cựu tử tù Liên Khui Thìn tố là bị chiếm đoạt
Khu dân cư Hồng Long là một trong những khối tài sản khổng lồ mà cựu tử tù Liên Khui Thìn tố là bị chiếm đoạt.

Bị xóa quyền lợi khi là tử tù

Cựu tử tù Liên Khui Thìn, nguyên Giám đốc, kiêm Phó chủ tịch HĐQT Công ty Epco, bị bắt trong vụ án Epco - Minh Phụng và bị tuyên án tử hình về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa”. Năm 2009, ông Thìn được giảm án và đặc xá.

Được trả lại quyền công dân, ông Liên Khui Thìn khởi kiện dân sự và đứng đơn tố cáo nhiều cá nhân, tổ chức đã tẩu tán khối tài sản giá trị lớn của ông.

Cụ thể, ông Thìn đã khởi kiện dân sự tranh chấp vốn góp thành lập tại Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Tây Sơn (Công ty Tây Sơn).

Theo đơn khởi kiện, năm 1996, ông Liên Khui Thìn và bà Nguyễn Thị Tuyết Mai cùng thành lập Công ty Tây Sơn với vốn điều lệ 3 tỷ đồng, trong đó ông Thìn (giữ chức Chủ tịch HĐQT) và bà Mai (Giám đốc) mỗi người góp 50% vốn.

Sau khi chấp hành án xong (năm 2009), ông Thìn phát hiện bà Mai chuyển toàn bộ vốn và tài sản của Công ty Tây Sơn cho người nhà của bà, gồm chồng (ông Phạm Minh Đạo), con (ông Phạm Nguyễn Minh Đức) mà không hỏi ý kiến của mình.

Ông Thìn nhiều lần liên hệ để giải quyết, nhưng không nhận được hợp tác, nên đã khởi kiện ra Tòa án Nhân dân TP.HCM, yêu cầu tuyên vô hiệu các giao dịch chuyển nhượng vốn góp giữa những người này, hủy các giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp từ lần thứ nhất đến lần thứ 8 của Công ty và đòi lại phần vốn góp chiếm 50% vốn điều lệ và tài sản tại Công ty Tây Sơn, bao gồm biệt thự số 198 - Võ Thị Sáu (quận 3, TP.HCM)  có diện tích 1.704 m2; Khu dự án du lịch nghỉ dưỡng tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, quy mô 3 ha.

Sau khi Bản án hình sự sơ thẩm số 1590/HSST, ngày 4/8/1999 (vụ Epco - Minh Phụng) có hiệu lực (ông Thìn lúc này đã là bị cáo), Ban giám đốc Công ty Tây Sơn đã làm văn bản gửi Tòa án Nhân dân TP.HCM về phần góp vốn của ông Thìn trong Công ty.

Thẩm phán Nguyễn Đức Sáu đã có Công văn số 123/CV-TA, ngày 22/8/2000, giải thích nội dung: Liên Khui Thìn tuy có góp vốn điều lệ (50%) trong Công ty Tây Sơn, nhưng sau đó lại lấy tài sản của chính Công ty có trị giá tương đương vốn góp đi thế chấp nơi khác, thì coi như không còn vốn điều lệ trong Công ty. Chính vì lẽ đó, phần quyết định của Bản án không tuyên thu hồi phần vốn góp của Liên Khui Thìn trong Công ty Tây Sơn, các thành viên còn lại có thể đăng ký theo Luật Doanh nghiệp để ổn định hoạt động.

Viện dẫn trả lời này, thành viên còn lại của Công ty Tây Sơn đã xóa tư cách thành viên của ông Thìn và thay thế bằng thành viên khác.

Hai cấp tòa “đảo chiều” nhau

Tại Bản án sơ thẩm số 653/2020/KDTM vụ án “tranh chấp quyền sở hữu vốn góp trong công ty TNHH” của Tòa án Nhân dân TP.HCM, Hội đồng Xét xử chấp nhận khởi kiện của ông Thìn, tuyên bố vô hiệu các giao dịch chuyển nhượng phần vốn góp vào Công ty Tây Sơn giữa bà Mai và các đương sự liên quan; tuyên hủy 9 giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (đăng ký thay đổi) mà Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã cấp cho Công ty Tây Sơn từ năm 2000 đến năm 2016.

Theo tòa án sơ thẩm, việc xóa tư cách thành viên của ông Liên Khui Thìn trong Công ty Tây Sơn căn cứ theo nội dung Công văn số 123/CV-TA do Thẩm phán Nguyễn Đức Sáu ký là sai quy định pháp luật. Xóa tên mà không hỏi ý kiến là vi phạm Luật Doanh nghiệp…

Các ông Phạm Minh Đạo, Phạm Nguyễn Minh Đức đã làm đơn kháng cáo lên cấp tòa phúc thẩm.

Trái ngược với cấp sơ thẩm, tháng 6/2022, Hội đồng Xét xử phúc thẩm Tòa án Nhân dân cấp cao tại TP.HCM  lại cho rằng, Công văn số 123/CV-TA của Tòa án Nhân dân TP.HCM đã nói rất rõ phần xử lý vốn góp của ông Thìn trong vốn điều lệ của Công ty Tây Sơn không còn. Việc tòa sơ thẩm cho rằng "khi bà Mai chuyển phần vốn góp của mình cho thành viên khác phải có ý kiến của ông Thìn" là không có cơ sở, bởi thời điểm này, ông Thìn đang chờ chấp hành án tử hình.

Từ đó, tòa phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của các ông Phạm Minh Đạo, Phạm Nguyễn Minh Đức, bác yêu cầu đòi lại 50% vốn góp tại Công ty Tây Sơn của ông Liên Khui Thìn.

Cả Hai cấp tòa đều trật?

Mới đây (ngày 6/9/2023), Phó chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Phạm Quốc Hưng ký Quyết định số 08/2023/KN-KDTM, kháng nghị Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 32/2022/KDTM-PT ngày 24/6/2022 của Tòa án Nhân dân cấp cao tại TP.HCM và đề nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao tạm đình chỉ thi hành bản án này cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm; hủy bản án sơ thẩm của Tòa án Nhân dân TP.HCM, giao hồ sơ vụ án cho cấp tòa này giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm đúng quy định.

Vậy là, vụ việc trở lại vị trí xuất phát.

Kháng nghị của Tòa án Nhân dân tối cao khẳng định, ông Thìn khởi kiện yêu cầu hủy các giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi từ lần thứ nhất đến lần thứ 8 của Công ty Tây Sơn, nhưng tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm không đưa công ty này vào tham gia tố tụng trong vụ án với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là xác định thiếu người tham gia tố tụng, vi phạm quy định tại khoản 4, Điều 68, Bộ luật Tố tụng dân sự.

Hồ sơ vụ án kinh doanh thương mại này không có tài liệu, chứng cứ về việc ông Thìn chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp cho bà Mai, hay việc Công ty Tây Sơn mua lại toàn bộ phần vốn góp của ông Thìn, cũng như về việc giảm vốn điều lệ của Công ty theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 1999.

Trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cho rằng, ông Liên Khui Thìn không còn là thành viên Công ty Tây Sơn kể từ ngày 5/9/2000 xuất phát từ Công văn số 123/CV-TA ngày 22/8/2000 có nội dung: “Theo Bản án hình sự sơ thẩm số 1590/HSST ngày 4/8/1999 của Tòa án Nhân dân TP.HCM thì mọi tài sản của Liên Khui Thìn (và của nhóm Công ty Epco) đã được thu hồi và giao cho cơ quan chức năng bảo đảm thi hành án”.

Nhưng Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 không có quy định về giải thích, đính chính, sửa chữa bản án, quyết định. Đồng thời, công văn này không phải là văn bản giải thích, sửa chữa bản án, quyết định của tòa án theo quy định tại Điều 365, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, nên không phải là căn cứ để xác định ông Thìn không còn phần vốn góp ở Công ty Tây Sơn như tòa án cấp sơ thẩm đã nhận định và kết luận là có căn cứ.

Quá trình giải quyết vụ án, tòa án cấp sơ thẩm và tòa án cấp phúc thẩm không thu thập Bản án hình sự sơ thẩm số 1590/HSST ngày 4/8/1999 và Bản án hình sự phúc thẩm số 05/2000/HSPT ngày 12/1/2000 (vụ án Minh Phụng - Epco) để làm rõ ông Thìn có chiếm đoạt tiền của Công ty TNHH Epco hoặc tiền của tổ chức tín dụng để góp vốn vào Công ty Tây Sơn hay không, bản án hình sự có hiệu lực pháp luật có xử lý phần vốn góp của ông Thìn tại Công ty Tây Sơn hay không; cũng không xem xét, đánh giá quy định của pháp luật về tư cách thành viên công ty TNHH trong trường hợp thành viên công ty TNHH là người quản lý doanh nghiệp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang phải chấp hành hình phạt tù theo khoản 6, Điều 9, Luật Doanh nghiệp năm 1999 thì có mất quyền sở hữu vốn góp hay không, có mất tư cách thành viên công ty TNHH hay không để áp dụng trong trường hợp này.

Từ những căn cứ trên, Quyết định kháng nghị của Tòa án Nhân dân tối cao nhận định, tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Liên Khui Thìn, còn tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Thìn đều chưa đủ căn cứ pháp luật.

Ban chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo vụ cựu tử tù Liên Khui Thìn tố cáo
Vụ vi phạm gây thất thoát, lãng phí tài sản theo tố cáo của cựu tử tù Liên Khui Thìn thuộc diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư