Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Hay mua hàng online, tôi tiêu hết tiền của gia đình mà không biết
Hoàng Anh (VnExpress) - 19/01/2018 09:03
 
Chỉ một tiếng lang thang vào các shop online, chị Hằng đã kịp mua 2 túi xách, 3 bộ đầm, một bộ xoong nồi, hết hơn 10 triệu.
 Tôi mất kiểm soát khi dùng thẻ tín dụng mua hàng - Ảnh minh họa: thecashlorette.com
Tôi mất kiểm soát khi dùng thẻ tín dụng mua hàng - Ảnh minh họa: thecashlorette.com

Thời chưa biết đến mua sắm qua mạng, vợ chồng tôi mỗi tháng để dành được một nửa thu nhập, khoảng 20 triệu đồng, do bận đến mức không có thời gian tiêu tiền.

Làm cho một công ty nước ngoài, 8h, tôi phải có mặt ở công ty và làm việc nghiêm túc luôn chứ không có chuyện quẹt thẻ check-in rồi ra ngoài ăn sáng, chiều 17h30 mới nghỉ. Nhà ở quận 9, hàng ngày tôi đi xe buýt vào trung tâm quận 1 làm việc, mất khoảng 80 phút, vì thế không có cơ hội tạt vào các cửa hàng trên đường đi làm.

Sau khi cai sữa cho bé thứ hai, tôi đăng ký lớp tập yoga và gym vào các buổi trưa ngay tại tòa nhà văn phòng. Sáng thứ 7, công ty tôi vẫn làm việc. Tôi chỉ rảnh chiều thứ 7 và ngày chủ nhật thì lại dành hết cho gia đình con cái. Tôi thường đi siêu thị vào chiều thứ bảy và mua tất cả những gì mình cần cho tuần tới. 

Chồng tôi là giảng viên một trường đại học. Anh về sớm đón con và nấu nướng vì vợ về muộn. Cuối tuần, chồng tôi mới đi dạy thêm bên ngoài hay tham gia các chương trình ngoại khóa vì lúc đó đã có tôi chăm con.

Không có thời gian tiêu tiền, nên chúng tôi tiết kiệm khá nhanh. Cộng thêm sự hỗ trợ của bố mẹ, năm 2013, chúng tôi mua được một miếng đất 80m2 ở quận 9, lúc đó có 1 tỷ, xây được ngôi nhà một trệt một lầu có một khoảnh vườn ở trước cửa. Đến năm 2016, chúng tôi không còn nợ bố mẹ tiền mua đất làm nhà nữa, thì các cụ lại gợi ý cho vay tiền mua ô tô. Lúc này, chúng tôi có một sổ tiết kiệm 100 triệu, hai vợ chồng dự định khi nào tích lũy được 300 triệu thì sẽ vay tiền bố mẹ để mua một chiếc ô tô khoảng 500 triệu.

Tuy nhiên, hiện giờ thì tôi chẳng còn đồng nào để dành mua ô tô cũng như bất kỳ tài khoản tiết kiệm nào, do đã tìm ra cách tiêu tiền rất dễ dàng: mua sắm qua mạng. 

Đầu tiên, tôi chỉ mua mấy món thực phẩm đặc sản vùng miền, mấy bộ quần áo, mỹ phẩm.. ủng hộ bạn bè rao bán trên mạng. Sau đó, thấy tiện lợi, tôi bắt đầu tham gia các nhóm mua bán, mặc dù chả bán gì, chỉ mua thôi. Rồi những trang bán hàng cứ liên tục xuất hiện mỗi khi tôi vào mạng cũng khiến nảy sinh nhu cầu mua sắm.

Mua hàng trực tuyến, tôi thích trả tiền qua thẻ hơn tiền mặt do tôi có một thẻ tín dụng của một ngân hàng quốc tế. Thẻ của tôi có hạn mức 50 triệu và được tích điểm sau mỗi lần mua sắm. Số điểm thưởng này khi đủ 800 có thể quy đổi thành tiền 800 nghìn đồng và tôi có thể tiêu dùng tiếp. Ngân hàng thường xuyên có những chương trình giảm giá khi mua sắm trên một số trang thương mại điện tử. Vậy là mua cho mình không đủ, tôi rủ chồng vào mua cùng. Gia đình tôi mua từ đồ tiêu dùng ít tiền như kem đánh răng, nước rửa chén, sữa tươi đến các món đồ gia dụng đắt tiền hay đồ điện tử. Thấy khuyến mại, hai vợ chồng đổi nốt cả máy lạnh và máy giặt đã có dấu hiệu hỏng hóc ở nhà thay vì đi sửa. Chúng tôi còn mua cả một số hàng trên các website nước ngoài.

Đợt sale cuối năm vừa rồi, tối nào tôi cũng ôm điện thoại, lướt hết trang này đến trang khác. Hậu quả là tôi vừa nhận được bản sao kê của ngân hàng với tổng chi tiêu gần 100 triệu. Hóa ra, do tôi là khách hàng tiềm năng, ngân hàng đã tự động tăng hạn mức tín dụng cho tôi lúc nào tôi không hay. 

Cả năm mải mê mua sắm, vợ chồng tôi chẳng tăng được số tiền tiết kiệm, lại còn phải tất toán sổ cũ để trả nợ thẻ tín dụng nếu không muốn bị phạt lãi cao. Trong khi đó, do mua sắm nhiều, có khá nhiều thứ chúng tôi không dùng đến, như cái máy nướng bánh mới chỉ được sử dụng một lần, nhiều bộ quần áo mua xong tôi mặc một lần vì ngoài thật không đẹp như ảnh mẫu. Rồi không được hướng dẫn sử dụng đầy đủ, chồng tôi phải đổi tới đổi lui cục phát wifi và cái máy hàn, rất mất thời gian.

Hôm qua vừa ngồi tổng kết tài chính một năm của gia đình, hai vợ chồng đều giật mình vì khả năng tiêu vô tội vạ của mình. Tạm thời, tôi đã tạm khóa thẻ tín dụng. Ăn tối xong, tôi cũng cất ngay điện thoại đi để không còn lang thang vào mạng mua sắm nữa.

Tại Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam 2017, báo cáo từ Nielsen dẫn kết quả khảo sát năm 2015 cho thấy mỗi người sử dụng internet tại Việt Nam bỏ ra số tiền trung bình lên tới 160 USD/năm cho mua sắm trực tuyến. Tốc độ tăng trưởng thị trường hàng năm của thương mại điện tử Việt Nam đã đạt tới 22%, con số này của thế giới là 28%.

Chỉ cần ngồi một chỗ với một chiếc điện thoại hay máy tính nối mạng, vài cú click chuột là bạn có thể mua được sản phẩm, vì thế mua sắm trực tuyến có thể là điều tồi tệ nhất hoặc tốt nhất từng được phát minh, tùy thuộc vào người sử dụng.

Để không bị bội chi khi mua sắm trực tuyến, Business Insider cho rằng cự tuyệt mua sắm trên mạng không phải là lựa chọn hay. Thay vào đó, bạn nên tự giới hạn cho mình một ngân sách để mua sắm trực tuyến và không bao giờ được tiêu quá số đó. Ngoài ra, bạn hãy chặn các trang web khiến bạn mua sắm nhiều nhất, xóa tất cả lịch sử duyệt web và cookie để đảm bảo Google không tự hiển thị quảng cáo cho bất cứ thứ gì bạn muốn mua. Nghiên cứu kỹ trước khi mua hàng cũng cho phép bạn trì hoãn việc mua sắm để không mua phải những sản phẩm bạn thực sự không cần thiết.

Chuyên gia tài chính cá nhân Lê Kim Oanh bổ sung thêm, khi mua hàng trên mạng, bạn không nên dùng thẻ tín dụng, mà hãy chọn phương thức thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng (nếu được chấp nhận). Bởi một khi đã trả tiền qua thẻ rồi, bạn rất khó hủy giao dịch hoặc bạn sẽ lười hủy đơn hàng, nếu như bạn chợt nhận ra mình đang mua quá nhiều. Một vài điểm thưởng nhỏ hoàn toàn không xứng đáng để bạn phải bỏ ra một số tiền lớn.

Cắt 6 khoản chi tiêu này bạn sẽ tiết kiệm được nhiều bất ngờ
Tháng này thử dừng mua sắm trên mạng và cất kỹ thẻ tín dụng đi, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy số tiền mình để dành được.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư