Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 07 tháng 11 năm 2024,
Hé lộ phương án đề xuất mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành
Anh Minh - 30/11/2023 15:47
 
Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và VEC kiến nghị mở rộng đoạn cao tốc TP.HCM – Long Thành bằng nguồn vốn của đơn vị khai thác, vốn vay thương mại và vốn hỗ trợ của ngân sách Nhà nước.
Sau gần 6 năm đưa vào khai thác, một số đoạn trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã xuất hiện điểm nghẽn giao thông
Sau 6 năm đưa vào khai thác, một số đoạn trên cao tốc TP.HCM - Long Thành đã có lưu lượng xe vượt xa công xuất thiết kế.

Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa có công văn số 2579/UBQLV – CNHT gửi các bộ: GTVT, Kế hoạch và Đầu tư, tài chính; UBND các tỉnh, thành phố: Đồng Nai, TP.HCM về phương án đầu tư mở rộng đoạn TP.HCM – Long Thành thuộc Dự án đường bộ cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.

Theo đó, để có cơ sở tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án đầu tư Dự án, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị các bộ: GTVT, Kế hoạch và Đầu tư cho ý kiến về nội dung, sự cần thiết, hình thức đầu tư, lựa chọn phương án đầu tư Dự án do VEC đề xuất tại; nguồn và khả năng bố trí vốn cho Dự án và các vấn đề thuộc lĩnh vực phụ trách của hai bộ.

Bộ Tài chính được đề nghị cho ý kiến về nội dung, sự cần thiết của Dự án; các vấn đề tài chính, kiến nghị của VEC về việc lùi thời gian hoàn trả khoản tiền gốc trái phiếu Bộ Tài chính đã ứng.

UBND tỉnh Đồng Nai, UBND TP.HCM cho ý kiến sự cần thiết, kiến nghị của địa phương đối với Dự án và các nội dung liên quan đến Dự án theo thẩm quyền.

Trước đó, tại văn bản số 2540/BC – VEC gửi tới đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, VEC đề xuất đầu tư mở rộng đoạn từ nút giao Vành đai 2 đến nút giao đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Km4+000 - Km25+920), tổng chiều dài khoảng 21,92km.

Về quy mô đầu tư, VEC đề xuất đầu tư mở rộng với quy mô 8 làn xe đối với đoạn tuyến từ nút giao Vành đai 2 đến nút giao Vành đai 3 (Km4+000 - Km8+770); đoạn tuyến từ nút giao Vành đai 3 đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Km8+770 - Km25+920) sẽ được đầu tư mở rộng với quy mô 10 làn xe. Đối với cầu Long Thành, VEC đề xuất xây dựng 1 đơn nguyên cầu mới với quy mô như cầu hiện tại, tổ chức giao thông khai thác với quy mô 10 làn xe (châm trước không bố trí làn khẩn cấp, kết hợp tổ chức giao thông mỗi bên 5 làn rộng 3,5m).

Với quy mô xây dựng như trên, tổng mức đầu tư Dự án mở rộng đoạn cao tốc TP.HCM – Long Thành là khoảng 15.174,09 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng).

Tại văn bản số 2540, VEC đề xuất 4 phương án thực hiện Dự án mở rộng đoạn cao tốc TP.HCM – Long Thành.

Với phương án 1, Dự án được đầu tư với cơ cấu nguồn vốn VEC huy động 100% (trong đó 40% tổng mức đầu tư là vốn của doanh nghiệp và 60% huy động từ các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính).

Phương án 2: Đầu tư với cơ cấu nguồn vốn hỗn hợp (VEC và ngân hàng thương mại) và có sự tham gia của ngân sách nhà nước, trong đó vốn ngân sách nhà nước 46,42%, vốn VEC huy động 53,58% tổng mức đầu tư).

Phương án 3: Hợp tác (Liên danh) với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thực hiện đầu tư mở rộng Dự án, trong đó VEC huy động 57%, SCIC 43% tổng mức đầu tư.

Phương án 4: Phối hợp với nhà đầu tư tư nhân đề xuất theo hình thức PPP với cơ cấu nguồn vốn có sự tham gia của ngân sách nhà nước, trong đó vốn nhà đầu tư (VEC và nhà đầu tư khác) huy động 54,42 %, ngân sách nhà nước tham gia 45,58% tổng mức đầu tư.

Trên cơ sở phân tích, VEC cho rằng trong 4 phương án đầu tư nêu trên, chỉ có 2 phương án (phương án 2 và phương án 4) có tính khả thi về mặt tài chính có thể thực hiện để đầu tư mở rộng Dự án đường cao tốc TP. HCM - Long Thành. Do vậy, VEC đề xuất thực hiện theo phương án 2  - VEC đầu tư với cơ cấu nguồn vốn có sự tham gia của ngân sách nhà nước.

Đồng thuận với đề xuất này, Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng phương án 2 có ưu điểm hơn do phù hợp với mục tiêu hình thành VEC, phát huy lợi thế của VEC hiện đang là chủ đầu tư, quản lý vận hành khai thác, việc tiếp tục giao VEC làm Chủ đầu tư mở rộng Dự án sẽ đảm bảo tính đồng bộ của toàn Dự án; thời gian thực hiện ngắn hơn do không phải tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

Bên cạnh đó, việc đầu tư nguồn vốn ngân sách nhà nước cho Dự án thông qua tăng vốn điều lệ cho Doanh nghiệp để Doanh nghiệp đầu tư vào Dự án sẽ thực hiện được việc thu giá phù hợp với các quy định hiện hành nhằm thu hồi vốn đã đầu tư và bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại Doanh nghiệp và phù hợp với mục tiêu, yêu cầu của Thường trực Chính phủ làm việc với Ủy ban và 19 Tập đoàn, Tổng công ty tại Thông báo số 240/TB-VPCP ngày 23/6/2023.

Theo đó, Thường trực Chính phủ yêu cầu khẩn trương có giải pháp hiệu quả để giải phóng nguồn lực đầu tư 260.000 tỷ đồng năm 2023 của các tập đoàn, tổng công ty kết hợp hiệu quả với nguồn vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước, góp phần vào phát triển kinh tế chung của đất nước”.

Do phương án VEC kiến nghị đầu tư là phương án đầu tư công nên Dự án phải có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn và phải trình Quốc hội cho phép giao vốn trực tiếp cho VEC.

Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, trong trường hợp VEC được cấp có thẩm quyền quyết định giao làm chủ đầu tư Dự án, các vướng mắc về việc tăng vốn điều lệ, giãn thời gian hoàn trả khoản tiền gốc trái phiếu Bộ Tài chính đã ứng trả từ giai đoạn 2022-2027 sang hoàn trả trong giai đoạn 2032-2035 và khoản lãi phát sinh của khoản tiền này, VEC hoàn trả trong giai đoạn 2027-2036 cần phải được tháo gỡ, giải quyết.

“Trường hợp VEC không đủ điều kiện được giao làm chủ đầu tư Dự án, đề nghị Bộ GTVT chủ trì báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo về hình thức đầu tư Dự án”, đại diện Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đề xuất.

Dự án đường cao tốc TP. TP.CHM - Long Thành - Dầu Giây giai đoạn 1 do VEC đầu tư, khai thác có quy mô 4 làn xe, chiều dài 54 km, là một phần của đường trục cao tốc Bắc - Nam phía đông, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Từ khi đưa vào khai thác đến nay, lưu lượng phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến đường liên tục tăng cao, trung bình khoảng 10,45%/năm, đến nay tuyến đường đã trong tình trạng mãn tải.
Đặc biệt, đoạn TP. HCM - Long Thành đã vượt giới hạn năng lực thông hành mặt cắt ngang 4 làn xe 25% và sẽ không thể đáp ứng được khả năng thông hành khi cảng hàng không Quốc tế Long Thành đưa vào khai thác sử dụng (dự kiến năm 2026).
Như vậy, việc đề xuất nghiên cứu mở rộng đoạn An Phú - Long Thành từ 4 làn xe lên 8 đến 10 làn xe thuộc tuyến đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây là cần thiết và cấp bách để đáp ứng nhu cầu vận tải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho cả vùng miền Đông Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư