
-
UBND TP. Hà Nội đề xuất Thủ tướng thời gian khởi công 3 cầu lớn vượt sông Hồng
-
Lãnh đạo Quảng Trị chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ cho các dự án truyền tải điện
-
Hà Nội kêu gọi đầu tư vào Cụm công nghiệp Tam Hiệp 2 quy mô 47 ha
-
Vướng quy định trong việc lập Quỹ Đầu tư hạ tầng giao thông vùng
-
Ninh Thuận thông tin tiến độ triển khai loạt dự án trọng điểm -
Quốc lộ 50, TP.HCM hoàn thành cuối 2025 nếu mặt bằng bàn giao trong tháng 4
![]() |
Vị trí dự kiến xây dựng Cảng hàng không Tây Ninh. |
Làm rõ nhiều số liệu tính toán
Sau hơn 4 tháng nghiên cứu, tham vấn và tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành và địa phương liên quan, giữa tuần trước, Bộ Xây dựng đã có Công văn số 1165/BXD-KHTC gửi UBND tỉnh Tây Ninh đối với Đề án Nghiên cứu khả năng hình thành Cảng hàng không Tây Ninh. Một trong những nội dung được đề cập trong công văn này là việc Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Tây Ninh - cơ quan chủ trì xây dựng Đề án - tập trung làm rõ các số liệu dự báo nhu cầu vận tải.
Cụ thể, việc tính toán kết quả dự báo trong Đề án được UBND tỉnh Tây Ninh dựa trên tỷ lệ 1,65% tổng hành khách vận chuyển theo tỷ lệ trung bình trên quy mô toàn quốc của hồ sơ Quy hoạch hệ thống cảng hàng không chưa bảo đảm tính thuyết phục, trường hợp áp dụng vào từng khu vực cụ thể cần sự điều chỉnh cho phù hợp.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đánh giá, việc Đề án sử dụng chuỗi số liệu 6 năm (2015-2021) về dân số, khối lượng vận chuyển, khối lượng luân chuyển hành khách trên mô hình tuyến tính là chưa bảo đảm độ tin cậy. “UBND tỉnh Tây Ninh cần rà soát, đánh giá bổ sung và xác định rõ phương pháp tính toán, dự báo, cơ sở khoa học khi sử dụng số liệu thống kê tăng trưởng GDP giai đoạn ngắn hạn 6 năm để dự báo sản lượng hành khách vận tải hàng không cho cả giai đoạn đến năm 2050”, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng đề xuất.
Một nội dung quan trọng của Đề án được Bộ Xây dựng lưu ý là khả năng, cự ly tiếp cận của người dân Tây Ninh và của khách du lịch đến Tây Ninh tới các cảng hàng không được quy hoạch ở khu vực lân cận, đặc biệt là vị trí quy hoạch dự kiến chỉ cách các cảng hàng không quốc tế lớn (Tân Sơn Nhất, Long Thành) với cự ly trung bình khoảng 70 - 100 km, trong khi việc lựa chọn các cảng hàng không này mang lại sự linh hoạt về thời gian và tuyến bay.
UBND tỉnh Tây Ninh cũng được khuyến nghị cần có đánh giá tác động tổng thể của các phương thức vận tải khác (đường bộ, đường sắt) ảnh hưởng đến sự lựa chọn của người dân và du khách đối với các tuyến đường bay dự kiến đi/đến Cảng hàng không Tây Ninh, như đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đường sắt TP.HCM - Mộc Bài, đường bộ cao tốc Bắc Nam, đường bộ cao tốc TP.HCM - Mộc Bài... Trong số này, các tuyến đường sắt cao tốc và đường bộ cao tốc trên trục Bắc Nam được dự báo sẽ ảnh hưởng nhiều đến các tuyến bay nội địa trên trục này.
Được biết, đây cũng là nội dung được Bộ Tài chính lưu ý khi tham gia ý kiến đối với Đề án Nghiên cứu khả năng hình thành Cảng hàng không Tây Ninh. Theo đại diện Bộ Tài chính, Đề án chưa phân tích, đánh giá hệ thống hạ tầng giao thông kết nối giữa tỉnh Tây Ninh với các địa phương khác như Dự án đường bộ cao tốc tuyến TP.HCM - Mộc Bài, Gò Dầu - Xa Mát.
Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị, UBND tỉnh Tây Ninh chỉ đạo đơn vị tư vấn bổ sung các nội dung về đánh giá năng lực vận tải hàng không đang khai thác cập nhật đến năm 2024 và các cảng hàng không đang và sẽ đầu tư trong thời gian tới; đánh giá khả năng cạnh tranh thu hút hành khách, vận chuyển hàng hóa giữa Cảng hàng không Tây Ninh với các cảng hàng không khác như Long Thành, Tân Sơn Nhất…, cũng như với các phương thức vận tải khác như đường bộ cao tốc, đường sắt, đường thủy.
Về vận tải hành khách quốc tế, Bộ Xây dựng cho biết, Đề án đã xác định vai trò của Cảng hàng không Tây Ninh là cảng hàng không nội địa có khai thác các chuyến bay quốc tế không thường lệ. Tuy nhiên, tỷ trọng hành khách quốc tế thông qua cảng hàng không này theo ước tính của tư vấn (chiếm khoảng 30%) là tương đối cao so với số liệu tham chiếu thực tế (Cảng hàng không quốc tế Liên khương có chuyến bay quốc tế thường lệ với tỷ lệ khách quốc tế/nội địa cao nhất đạt khoảng 9% vào năm 2024 và trung bình 3 năm 2019, 2023, 2024, trừ các năm ảnh hưởng dịch Covid-19, đạt khoảng 7%).
Vì vậy, Bộ Xây dựng đề nghị, UBND tỉnh Tây Ninh chỉ đạo đơn vị tư vấn rà soát, làm rõ cơ sở ước tính tỷ trọng khách quốc tế/nội địa; bổ sung số liệu thống kê về nguồn khách du lịch trong nước, quốc tế tại khu vực.
Làm rõ phương án huy động vốn
Trước đó, cuối tháng 12/2024, UBND tỉnh Tây Ninh đã có Tờ trình số 4034/TTr-UBND gửi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT - nay là Bộ Xây dựng) đề nghị xem xét cho ý kiến thẩm định để UBND tỉnh hoàn chỉnh hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung Cảng hàng không Tây Ninh vào Quy hoạch Hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cảng hàng không Tây Ninh nằm trong danh mục 12 cảng hàng không, sân bay tiềm năng được đề cập trong Quy hoạch Hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 7/6/2023.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh tổ chức lập đề án quy hoạch cảng hàng không, trong đó đánh giá kỹ lưỡng nhu cầu, điều kiện, khả năng hình thành cảng hàng không, việc huy động vốn ngoài ngân sách để đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Đề án này phải được gửi tới Bộ GTVT xem xét, báo cáo Thủ tướng quyết định việc bổ sung quy hoạch và triển khai xây dựng khi đủ điều kiện.
Liên quan đến lựa chọn vị trí và khả năng quy hoạch Cảng hàng không Tây Ninh, tại Công văn số 1165/BXD-KHTC, Bộ Xây dựng cho biết, vị trí Cảng hàng không Tây Ninh trong phạm vi bán kính 30 km có vùng trời chồng lấn với vùng trời sân bay Biên Hòa, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động bay và huấn luyện thường xuyên của sân bay Biên Hòa; trong phạm vi bán kính 100 km có tác động đến hoạt động bay của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Long Thành.
Tuy nhiên, nội dung đánh giá đường hàng không, phương thức bay và tổ chức vùng trời tại Đề án chỉ ở mức đánh giá sơ bộ, chưa có hồ sơ thiết kế kèm theo để phân tích, thuyết minh tính khả thi, trong khi việc quy hoạch vùng trời và phương thức bay mang tính chất quyết định vị trí và khả năng thiết lập cảng hàng không.
Do vậy, Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Tây Ninh chỉ đạo đơn vị tư vấn nghiên cứu, đánh giá cụ thể để tính toán được các yêu cầu kỹ thuật về khai thác, điều hành bay; đánh giá tính khả thi về phương thức bay, tổ chức vùng trời.
Để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả khai thác, tránh lãng phí khi thực hiện dự án, Bộ Xây dựng lưu ý tư vấn cần rà soát lại các yêu cầu tại các mục nêu trên, từ đó làm căn cứ xác định lại loại tàu bay khai thác, chiều dài đường cất hạ cánh, quy mô dự kiến của các công trình Cảng hàng không Tây Ninh, đảm bảo phù hợp với loại tàu bay khai thác, đường bay dự kiến (Đề án đang đề xuất đầu tư ngay đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay đáp ứng khai thác tàu bay code E - tàu bay Boeing 777).
Một nội dung nhận được khá nhiều ý kiến của Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan chính là phương án tài chính, thời hạn dự án và khả năng huy động nguồn lực đầu tư để triển khai xây dựng Cảng hàng không Tây Ninh.
Theo Đề án, UBND tỉnh Tây Ninh đề xuất phương án đầu tư Cảng hàng không Tây Ninh trong giai đoạn 2026-2030 theo phương thức PPP, với tổng mức đầu tư khoảng 4.738 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước khoảng 711,1 tỷ đồng (tương đương khoảng 15% tổng mức đầu tư dự kiến) để hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư và hỗ trợ xây dựng công trình tạm, hạ tầng kỹ thuật; thời gian hoàn vốn dự kiến khoảng 42 năm.
Tuy nhiên, theo phân tích, đánh giá trong Đề án, việc thu hút nhà đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng mới dự án giao thông trong thời gian vừa qua, đặc biệt là các dự án đầu tư xây dựng mới cảng hàng không theo phương thức PPP là khó khăn.
Hiện Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức PPP và Luật Đấu thầu (Luật số 57/2025/QH15).
Do vậy, Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Tây Ninh chỉ đạo đơn vị tư vấn rà soát, cập nhật quy định tại Luật số 57/2025/QH15 và pháp luật có liên quan để bổ sung phân tích và làm rõ tính khả thi của phương án huy động nguồn vốn xã hội đầu tư, quản lý, khai thác Cảng hàng không Tây Ninh theo phương thức PPP.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Tây Ninh chỉ đạo đơn vị tư vấn đánh giá kỹ lưỡng chi phí khai thác, vận hành dự án bảo đảm hiệu quả đầu tư để làm cơ sở xem xét sự cần thiết bổ sung quy hoạch Cảng hàng không Tây Ninh trong quy hoạch hệ thống cảng hàng không.
Bên cạnh đó, tại Quyết định số 648/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch hệ thống cảng hàng không, Thủ tướng Chính phủ đã xác định, đối với các cảng hàng không tiềm năng, sẽ thực hiện huy động tối đa nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư theo phương thức PPP.
Tuy nhiên, Đề án lại đề xuất mô hình kêu gọi đầu tư toàn bộ các công trình thiết yếu tại cảng hàng không hoặc đầu tư từng hạng mục công trình riêng lẻ và phân tích ưu/nhược điểm trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Đề án định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư, quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng cảng hàng không.
Mô hình đầu tư được đề cập tại Đề án như trên, theo Bộ Xây dựng, là chưa phù hợp với yêu cầu của Chính phủ.
Trong khi đó, theo cơ quan quản lý nhà nước về giao thông, xây dựng, nội dung đánh giá tác động tới Tổng công ty Cảng hàng không Việt nam (ACV) là không cần thiết, do Cảng hàng không Tây Ninh là cảng hàng không mới, không thuộc danh mục các cảng hàng không do ACV quản lý, khai thác.
“Hiện nay, Bộ Xây dựng giao Cục Hàng không Việt Nam trong vai trò là cơ quan lập Quy hoạch hệ thống cảng hàng không chủ trì thực hiện rà soát đề án quy hoạch cảng hàng không mới của các địa phương, báo cáo Bộ Xây dựng kết quả rà soát. Do vậy, sau khi Đề án được hoàn thiện, đề nghị UBND tỉnh Tây Ninh gửi Đề án tới Cục Hàng không Việt Nam để rà soát, đánh giá và báo cáo Bộ Xây dựng để triển khai các bước tiếp theo”, ông Lê Anh Tuấn cho biết.
Đường cất hạ cánh Cảng hàng không Tây Ninh dự kiến bám theo trục Đông Bắc - Tây Nam dài 3.200 m, rộng 45 m, cao trình sân bay 18 m. Tổng diện tích đất quy hoạch 420 ha.
-
Vướng quy định trong việc lập Quỹ Đầu tư hạ tầng giao thông vùng -
Ninh Thuận thông tin tiến độ triển khai loạt dự án trọng điểm -
Hiệu chỉnh phương án hình thành Cảng hàng không Tây Ninh -
Quốc lộ 50, TP.HCM hoàn thành cuối 2025 nếu mặt bằng bàn giao trong tháng 4 -
TP.HCM khởi công dự án rạch Xuyên Tâm trong tháng 4/2025 sau 20 năm ì ạch -
Đề xuất cơ quan chủ quản tuyến cao tốc Tân Quang - Thanh Thủy vốn 14.852 tỷ đồng -
Hà Nội thu hút đầu tư nước ngoài đạt 1,4 tỷ USD, tăng 49,5% trong quý I
-
Công bố Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 ngành Nông nghiệp Công nghệ cao - Thực phẩm - Đồ uống
-
Ngày hội việc làm liệu có phù hợp cho người đi làm đã có kinh nghiệm?
-
Cảng quốc tế Long An tạo ấn tượng mạnh mẽ tại Vietnam Expo 2025
-
Agribank tiếp sức người trẻ hiện thực hóa giấc mơ an cư
-
Công ty CP Tôn Pomina công bố nhóm cổ đông mới và kế hoạch phát triển
-
T&L Invest ký hợp tác chiến lược tại dự án Takara Hòa Bình Resort