Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 13 tháng 01 năm 2025,
Hiệu ứng và phương cách ứng xử với sức ép tăng tỷ giá
Minh Nhung - 03/11/2022 14:56
 
Tỷ giá đang bị nhiều sức ép tăng mạnh. Hiệu ứng và cần ứng xử thế nào với sức ép này?

Sức ép tăng tỷ giá

Sức ép lớn nhất lên tỷ giá là chính sách tiền tệ của Mỹ thắt chặt thông qua việc tăng lãi suất cơ bản USD nhiều lần, liên tục ở mức cao, từ gần bằng 0 lên 2-3%, có thể lên đến trên dưới 4% trong thời gian gần. USD đã lên giá mạnh, khi USD-Index với 6 đồng tiền chủ yếu trên thế giới đã tăng từ dưới 90 điểm lên mức gần 150 điểm. VND chưa phải là đồng tiền chuyển đổi quốc tế, trong nhiều năm thường gắn như cố định với USD, nên chịu sức ép của việc lên giá của USD.

Để bảo vệ đồng nội tệ, nhiều nền kinh tế đã tăng tỷ giá nội tệ/USD ở mức khá cao, như Đài Loan 13,5%, Thái Lan 11,95%, Nhật Bản 25,18%, Hàn Quốc 17,57%, Philippines 13,65%, Myanmar 9,67%, Indonesia 7,44%, Trung Quốc 10,9%, EU 13,49%, Anh 20,02%… - đều cao hơn nhiều so với tốc độ tăng tỷ giá VND/USD. Đây là những đối tác thương mại lớn của Việt Nam.

Giá vàng trong nước cao hơn nhiều so với giá thế giới do yếu tố đầu cơ, không liên thông với giá thế giới…, sẽ dẫn đến hoạt động dùng USD buôn lậu vàng…

Với độ mở lớn đứng hàng đầu thế giới của Việt Nam, nếu tỷ giá giảm như vài năm trước, chẳng khác gì “nước lên mà thuyền không lên”, thì thuyền sẽ bị chìm.

Bên cạnh những sức ép làm tăng, cũng có những sức “chặn” hoặc cản bớt sức ép làm tăng tỷ giá. Cán cân thương mại tiếp tục thặng dư (đến ngày 15/10 đạt 7,243 tỷ USD, dự báo cả năm sẽ vượt 10 tỷ USD) và sẽ là năm thứ 7 liên tiếp xuất siêu. Lượng ngoại tệ từ nước ngoài vào tiếp tục đạt quy mô lớn trong năm nay, có loại tăng so với cùng kỳ, như vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện, kiều hối, chi tiêu của khách quốc tế… Dự trữ ngoại hối của Việt Nam tăng mạnh trong mấy năm trước, đạt đỉnh vào quý I/2022, vượt ranh giới an toàn khi so với 3 tháng nhập khẩu…

Một yếu tố khác cản sự tăng tốc của tỷ giá là chênh lệch giữa tỷ giá hối đoái và tỷ giá sức mua tương đương ở thị trường Việt Nam tuy giảm từ mức trên 5 lần cách đây vài thập kỷ, đã giảm xuống còn 2,44 lần năm 2021, nhưng vẫn thuộc loại cao (1 USD tại Việt Nam có sức mua cao gấp 2,44 lần tại Mỹ - chủ yếu do giá nhân công ở Việt Nam rẻ). Chênh lệch này của Việt Nam vẫn cao hơn nhiều nước, trong đó có hầu hết các đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Theo đó, càng mở cửa, thì hệ số chênh lệch sẽ giảm, có nghĩa là tốc độ tăng tỷ giá không thể cao được.

Dù sao, sức ép làm tăng tỷ giá vào lúc này là hiện hữu. Thực tế trên thị trường, cuối tháng 9/2022 so với tháng 9/2021 tăng 3,45%, so với tháng 12/2021 tăng 2,87%, dù bình quân 9 tháng năm 2022 so với cùng kỳ chỉ tăng 0,7%. Sau ngày 17/10, khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh biên độ giao dịch từ ±3% lên ±5%, giao dịch thực tế giá USD có xu hướng tăng cao (tính đến ngày 25/10 đã tăng 9,1% so với cuối năm trước).

Hiệu ứng và ứng xử

Nền kinh tế thị trường mở cửa hội nhập như cơ thể sống của con người, cũng có nhiều “huyệt”, trong đó VND/ngoại tệ là “huyệt” rất quan trọng về nhiều mặt. Tỷ giá VND/ngoại tệ tác động lớn tới xuất nhập khẩu. Tỷ giá tăng thì xuất khẩu thu bằng ngoại tệ, khi tính ra VND sẽ có lợi, nên góp phần khuyến khích xuất khẩu; nhập khẩu chi bằng ngoại tệ, khi tính ra VND sẽ bất lợi, nên góp phần kiềm chế nhập khẩu. Đây là một trong những nhân tố góp phần xuất siêu, mà xuất siêu là một yếu tố của tăng trưởng.

Tuy nhiên, tỷ giá VND/ngoại tệ tăng cũng có một số hiệu ứng đáng quan tâm. Giá nhập khẩu tính bằng VND sẽ tăng kép, làm tăng nhập khẩu lạm phát, khuếch đại lạm phát ở trong nước. Nợ vay bằng ngoại tệ (gồm cả vốn gốc và lãi) khi tính bằng VND sẽ tăng lên, kể cả nợ cá nhân và doanh nghiệp, nợ công, nợ chính phủ, nợ quốc gia. Trong nhiều trường hợp, yếu tố tâm lý tuy không đo đếm được, nhưng nếu cộng hưởng, thì tác động tiêu cực lớn hơn yếu tố kinh tế, nhất là tình trạng găm giữ ngoại tệ, lòng tin vào đồng tiền quốc gia…

Để ứng xử với vấn đề này, trước hết, cùng với nhiều biện pháp, việc điều chỉnh biên độ từ ±3% lên ±5% là cần thiết, như sự “vượt trước ngăn chặn” để bảo vệ đồng nội tệ, tránh tác động giảm giá VND sâu so với đồng nội tệ của nhiều nước. Tuy nhiên, nếu cùng lúc vừa điều chỉnh biên độ giao dịch, vừa điều chỉnh tỷ giá chung, sẽ gây ra tác động cộng hưởng, mạnh hơn từng biện pháp, tạo ra hiệu ứng tổng hợp, hiệu ứng tâm lý, lòng tin, trở lại tình trạng găm giữ ngoại tệ phải mất nhiều năm mới tạo ra được.

Bên cạnh đó, kiểm tra, xử lý các điểm giao dịch USD vượt biên độ quy định. Kiểm tra, xử lý các công ty, cửa hàng mua bán vàng miếng với chênh lệch giá quá lớn so với giá thế giới tính theo giá ngoại tệ quy đổi, tạo tiền đề cho đầu cơ/chôn vốn vào vàng.

Doanh nghiệp chủ động ứng phó với biến động tỷ giá
Các chuyên gia của ACBS khuyến nghị các doanh nghiệp cần sớm chuẩn bị kịch bản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh áp lực tỷ giá...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư