Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
“Họ” Vingroup dậy sóng đưa VN-Index tăng điểm tích cực, tiến vào vùng hạn chế mua mới
Hải Trần - 20/02/2024 07:17
 
Hưởng ứng ngày "vía Thần Tài", thị trường chứng khoán Việt Nam tăng điểm tích cực và là phiên thứ 6 tăng điểm liên tiếp, với đóng góp chủ lực của nhóm Vingroup. VIC, VRE tăng trần, VHM gần kịch trần.

Thanh khoản trên hai sàn niêm yết gia tăng mạnh lên 26.369 tỷ đồng giao dịch, vượt mức trung bình với khối lượng giao dịch  trên VN30 tăng mạnh 57,04% so với phiên trước . Thanh khoản tiếp tục được cải thiện cho thấy sự lạc quan của nhà đầu tư về thị trường.

Động lực tăng chính trong phiên hôm nay vẫn tiếp tục được dẫn dắt bởi nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn khi các cổ phiếu trong nhóm cho thấy sự phối hợp rất nhịp nhàng, thay phiên nhau nâng đỡ chỉ số thị trường.

Cụ thể, nhóm cổ phiếu VIC, VHM, VRE ... có diễn biến rất nổi bật khi tăng giá mạnh, thanh khoản rất đột biến với VIC (+6,94%), VRE (+6,89%), VHM (+6,67%), dư mua trần hàng trăm nghìn đơn vị. VIC lọt top 5 cổ phiếu thanh khoản cao nhất toàn sàn, 772 tỷ đồng, VRE đứng sau với giá trị giao dịch 562 tỷ đồng. Đây là phiên tăng thứ 6 liên tiếp của cổ phiếu VIC với tổng mức tăng hơn 10%.

Nhờ phiên hôm nay, giá trị vốn hóa của 3 cổ phiếu nói trên đã tăng 29.700 tỷ đồng. Trong đó, vốn hoá VIC tăng 11.700 tỷ đồng, VHM tăng 14.500 tỷ đồng và VRE tăng 3.500 tỷ đồng. Đà tăng của nhóm Vingroup xuất hiện sau những thông tin mới về Vinfast từ thị trường nước ngoài .

Trong các room tư vấn, thảo luận về chứng khoán, thông tin đồn về việc VIC có kế hoạch bán 1 phần vốn VRE có thể thu về 500 triệu USD.

Quay lại với diễn biến thị trường, bên cạnh các mã tích lũy kéo dài, chưa tăng giá mạnh trong VN30 như POW (+4,35%), MSN (+4,08%), GAS (+3,52%)...thay thế nhóm cổ phiếu ngân hàng dẫn dắt thị trường vượt đỉnh giá cao nhất năm 2018.

Các cổ phiếu dầu khí sau giai đoạn tích lũy đa số mã cũng tăng giá tích cực, thanh khoản gia tăng mạnh như BSR (+5,82%), PVB (+3,86%), PLX (+2,69%), OIL (+1,98%)... các mã nhóm phân bón với LAS (+4,49%), DPM (+2,49%), DDV (+1,85%)...

Phiên giao dịch ngày 19/02, tự doanh công ty chứng khoán bán ròng cổ phiếu hơn 421 tỷ đồng, trong khi đó khối ngoại mua ròng gần 132 tỷ đồng. Đáng chú ý, khối ngoại mua ròng mạnh cổ phiếu Vingroup gồm VHM gần 194 tỷ đồng, xếp sau là VRE gần 116 tỷ đồng và VIC gần 111 tỷ đồng. Ngược lại, VND bị bán mạnh nhất với giá trị 146 tỷ đồng, tiếp đến là DBC và MWG cùng có giá trị xấp xỉ 61 tỷ đồng.

Nhìn chung, dưới góc nhìn kỹ thuật, xu hướng tăng của VN-Index tiếp tục được kéo dài cùng với sự đồng thuận của các yếu tố trọng yếu. Tuy vậy, ngưỡng hỗ trợ 1200 điểm vẫn chưa được kiểm định kể từ khi bứt phá, đồng thời các chỉ báo định lượng đang phát đi tín hiệu đi sâu vào vùng nóng.

Với phiên đầu tuần thị trường tiếp tục vận động tích cực, VN-Index tiếp tục duy trì xu hướng tăng và đang hướng tới tiệm cận cản trên của kênh tích lũy trung hạn kỳ vọng, tương ứng quanh 1.250 điểm. Trong ngắn hạn đà tăng của VN-Index có thể sẽ gặp khó khăn bởi thị trường sẽ có rung lắc và có thể điều chỉnh khi tiệm cận vùng 1.250 điểm.

Do đó, các vị thế đang có trong danh mục vẫn có thể tiếp tục duy trì. Còn các vị thế mua mới chỉ nên cạnh mua trong các nhịp điều chỉnh thay vì fomo mua đuổi trong những phiên tăng. Những yếu tố nền tảng về cơ bản của doanh nghiệp kết hợp với điểm mua có nền giá chặt chẽ và sự kiểm soát nghiêm tỷ lệ đòn bảy margin cùng ngưỡng cắt lỗ là những hành động sẽ được ưu tiên khi tham gia thị trường ở thời điểm hiện tại.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư