Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 16 tháng 08 năm 2024,
Hoa Sen: Áp lực ngược khi tăng tồn kho
Duy Bắc - 15/08/2024 14:21
 
Tăng tồn kho bằng nợ vay trong bối cảnh kỳ vọng thị trường khởi sắc, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen đang chịu áp lực ngược khi giá thép liên tục giảm và duy trì mặt bằng thấp trong 3 năm trở lại đây.

Tích trữ tồn kho cùng dư nợ vay tăng cao

Nhận thấy dấu hiệu hồi phục của giá thép, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) là một trong số ít doanh nghiệp đi đầu trong việc tích trữ tồn kho và tăng vay nợ trong những tháng cuối năm 2023 và nửa đầu năm 2024.

Tính từ ngày 1/10/2023 đến ngày 30/6/2024, Hoa Sen đã tăng 33,2% tổng tồn kho, tương ứng tăng thêm 2.529,2 tỷ đồng, lên 10.157,8 tỷ đồng và bằng 51,5% tổng tài sản (đầu kỳ chiếm 43,9% tổng tài sản) và tổng nợ vay tăng 102,4%, tương ứng tăng thêm 3.007,8 tỷ đồng, lên 5.944,1 tỷ đồng, bằng 53,5% tổng vốn chủ sở hữu (đầu kỳ dư nợ 2.936,3 tỷ đồng và bằng 27,2% tổng vốn chủ sở hữu).

Thực tế, sau khi báo cáo lỗ kỷ lục trong hai quý cuối năm 2022, lần lượt là 886,7 tỷ đồng và 680,2 tỷ đồng, Hoa Sen đã cho thấy dấu hiệu hồi phục khi việc kinh doanh có lãi trở lại. Đồng thời, giá thép có dấu hiệu hồi phục trong những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, là cơ sở cho Công ty tự tin về việc mở rộng lĩnh vực đầu tư, tăng vay nợ và tăng tích trữ tồn kho.

Tại Đại hội đồng cổ đông đầu năm, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Hoa Sen tự tin chia sẻ: “Tổng vốn đầu tư mở rộng ngành nghề, lĩnh vực mới không quá 5.000 tỷ đồng. Trong đó, với tiềm lực tài chính, Công ty được tổ chức tài chính lớn trên thế giới đang chào cho vay với lãi suất bằng VND chỉ 2,3%/năm, mức lãi suất thấp nhất thị trường hiện nay”, ông Vũ nói.

Nếu giá thép không có diễn biến mới, thì không loại trừ khả năng Hoa Sen phải trích lập giảm giá tồn kho trong các quý sắp tới.

Ông Vũ cho biết thêm, với tình hình tài chính lành mạnh, Hoa Sen đang có hạn mức tín dụng khoảng 17.000 - 18.000 tỷ đồng. Trong đó, hiện nay, Công ty mới có dư nợ khoảng 5.000 tỷ đồng, dư nợ tăng thời gian gần đây là do Công ty gia tăng tồn kho.

Tuy nhiên, thực tế sau nhịp hồi phục những tháng đầu năm 2024, giá thép thế giới và giá thép tấm cuộn cán nóng (nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp tôn mạ) có xu hướng đảo chiều và tiếp tục giảm. Trong đó, từ ngày 17/4 đến 8/8, giá thép thế giới giảm 18%, về 2.950 CNY/tấn; từ ngày 27/3 đến 8/8, giá thép tấm cuộn cán nóng đã giảm 27,9%, về 678 USD/tấn.

Việc giá thép đảo chiều giảm dù chưa ảnh hưởng tới nhóm sản xuất, nhưng đã và đang ảnh hưởng tới một số doanh nghiệp thương mại, gây thua lỗ trong quý II/2024. “Các doanh nghiệp thương mại có lãi trong quý I/2024 khi giá thép có phần tích cực so với quý IV/2023. Tuy vậy, khi giá thép giảm trở lại trong quý II/2024, thì các doanh nghiệp thương mại đều bị ảnh hưởng dẫn đến kết quả lỗ trong quý II”, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) nhận định.

Trở lại trường hợp của Hoa Sen, việc tăng vay nợ để tích trữ tồn kho dẫn tới dòng tiền kinh doanh thâm hụt trong 9 tháng niên độ tài chính 2023 - 2024 (từ ngày 1/10/2023 đến 30/6/2024) tới 2.745,97 tỷ đồng, đảo ngược hoàn toàn với việc duy trì dòng tiền dương liên tục từ năm 2018 tới năm 2023.

Chia sẻ thêm về chiến lược tích trữ tồn kho của doanh nghiệp thép, chuyên gia của ACBS cho biết, giá thép Việt Nam đang duy trì ở mức thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Các vấn đề của ngành bất động sản trong nước đang được gỡ rối khi nhiều luật liên quan có hiệu lực sớm hơn dự kiến. Đây là động lực chính cho các doanh nghiệp thép tích lũy tồn kho.

“Tỷ lệ hàng tồn kho trên tổng tài sản của các doanh nghiệp ngành thép đang dần trở lại mức cao trong giai đoạn 2021-2022, khi giá thép cũng như giá cả hàng hóa tăng mạnh. Tuy vậy, sẽ khó có đột phá nào cho các doanh nghiệp ngành thép trong 6 tháng cuối năm 2024. Chúng tôi cho rằng, phải qua đến 2025-2026, thị trường bất động sản mới có thể thực sự phục hồi để có thể thúc đẩy ngành thép tăng trưởng”, ACBS nhận định.

Có thể thấy, việc giá thép duy trì ở mức thấp trái ngược kỳ vọng của Hoa Sen khi tăng vay nợ để tích trữ tồn kho. Nếu giá thép không có diễn biến mới, thì không loại trừ khả năng Công ty phải trích lập giảm giá tồn kho trong các quý sắp tới.

Hoạt động mở rộng lĩnh vực bất động sản vẫn chậm

Bên cạnh lĩnh vực cốt lõi, đầu năm 2024, Hoa Sen thông qua chủ trương đầu tư theo hình thức góp vốn với tỷ lệ 40% để thành lập Công ty cổ phần Hoa Sen Sài Gòn. Đơn vị này sẽ hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm bất động sản có giá trị 1.000 đến 3.000 tỷ đồng, nhằm phát triển các dự án văn phòng - trung tâm thương mại - nhà ở; bố trí văn phòng làm việc cho Tập đoàn Hoa Sen; cho thuê; hoặc xem xét chuyển nhượng. Tuy nhiên, tại thời điểm ngày 30/6/2024, Hoa Sen vẫn chưa góp vốn.

Với mong muốn góp thêm vốn để sớm triển khai tiếp dự án, Hoa Sen đã thông qua chủ trương đầu tư thêm 200 tỷ đồng vào chủ đầu tư Dự án Khách sạn Yên Bái, nâng vốn điều lệ từ 421 tỷ đồng lên 621 tỷ đồng. Dự án này được triển khai từ năm 2016 trên khu đất có diện tích 1,5 ha, với tổng vốn đầu tư dự kiến 1.200 tỷ đồng, đặt mục tiêu đưa vào sử dụng từ năm 2020, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện.

Tuy nhiên, thực tế tính tới ngày 30/6/2024, Hoa Sen cho biết, vẫn đang đầu tư 404 tỷ đồng (đầu năm cũng đầu tư 404 tỷ đồng) vào Công ty cổ phần Hoa Sen Yên Bái. Ngoài ra, tại thời điểm 30/6/2024, chi phí xây dựng cơ bản dở dang Dự án Khách sạn Yên Bái tăng nhẹ 6,8 tỷ đồng, lên 392,6 tỷ đồng.

Như vậy, kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực mới, đồng thời góp vốn triển khai dự án chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc trong nửa đầu năm 2024.

Dragon Capital liên tục “lướt sóng” cổ phiếu Tập đoàn Hoa Sen
Quỹ ngoại liên tục mua vào bán ra khi cổ phiếu CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG - sàn HoSE) khi cổ phiếu có dấu hiệu giảm trở lại và giao dịch dưới...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư