Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hoạch định chuyển đổi số cho doanh nghiệp
Kỳ Thành - 07/12/2020 09:25
 
Chuyển đổi số bắt đầu từ thay đổi nhận thức và đích đến là nâng cao hiệu quả kinh doanh, quản trị. Đó cũng là mục tiêu của Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025.
Chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả kinh doanh

Ông Nguyễn Việt Long, Phó tổng giám đốc CTCP Tư vấn EY Việt Nam (công ty thành viên của Big 4 kiểm toán Ernst & Young) là người đã tham gia khảo sát, tư vấn cho nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam thực hiện chuyển đổi số.

“Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, họ sẵn sàng đầu tư cho chuyển đổi số, nhưng phải nhìn thấy hiệu quả, chẳng hạn như đầu tư 1 đồng để kiếm được vài đồng”, ông Long nói.

Ông Long ví dụ, trong lĩnh vực nông nghiệp, nếu áp dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc thì doanh nghiệp sẽ có cơ hội xuất khẩu ra thị trường quốc tế, hay đối với các doanh nghiệp thương mại thì chuyển đổi số tập trung vào cải tiến mô hình kinh doanh như kênh bán hàng, marketing, nền tảng thương mại điện tử.

Có thể nói, chuyển đổi số trong doanh nghiệp thời gian qua được nhắc đến rất nhiều, nhưng có nhiều quan điểm, cách nhìn nhận khác nhau. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã và đang thay đổi cuộc sống, thói quen của rất nhiều người, tác động đến mọi ngành công nghiệp và cản trở các hoạt động của doanh nghiệp, cũng được xem là chất xúc tác vô cùng đặc biệt để thúc đẩy nhu cầu chuyển đổi số của doanh nghiệp.

“Chúng ta không thể biết được khi nào Covid-19 kết thúc, nhưng chúng ta biết chắc chắn một điều là phải thay đổi. Chúng tôi tiếp cận chuyển đổi số trong doanh nghiệp là giải pháp tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả kinh doanh, hiệu quả quản lý nhằm nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh điều này tại buổi công bố Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, tổ chức tại Hà Nội cuối tuần qua.

“Đây là một trong những kết quả hợp tác quan trọng giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và đồng thời cũng là ý tưởng ấp ủ của cá nhân tôi với một mong muốn là nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực sản xuất cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.

Đồng quan điểm, bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc USAID Việt Nam tin tưởng, chuyển đổi số sẽ là chìa khóa để duy trì cạnh tranh, giúp doanh nghiệp thành công và phát triển bền vững. “Thông qua Chương trình, các doanh nghiệp sẽ nâng cao nhận thức và sự hiểu biết về chuyển đổi số đối với việc bền vững hóa doanh nghiệp của mình, giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào nền kinh tế số”, bà Ann Marie Yastishock nói.

Chú trọng yếu tố nhận thức cho nhân sự

Theo ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 4 mục tiêu đến năm 2025 của Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số là: 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; tối thiểu 100.000 doanh nghiệp được hỗ trợ kỹ thuật về chuyển đổi số; tối thiểu 100 doanh nghiệp được hỗ trợ là mô hình chuyển đổi số điển hình thành công để lan tỏa và nhân rộng; thiết lập mạng lưới chuyên gia gồm tối thiểu 100 tổ chức, cá nhân tư vấn, cung cấp giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển các nền tảng số.

Covid-19 đã và đang thay đổi cuộc sống, thói quen của rất nhiều người, tác động đến mọi ngành công nghiệp, cũng được xem là chất xúc tác vô cùng đặc biệt để thúc đẩy nhu cầu chuyển đổi số của doanh nghiệp.

Thông qua chương trình, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ kỹ thuật tập trung vào 4 nội dung chính là nâng cao nhận thức, tầm nhìn và chiến lược của doanh nghiệp về chuyển đổi số; số hóa hoạt động kinh doanh như marketing, bán hàng…; số hóa quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ, các nghiệp vụ quản lý tài chính, kế toán, nhân sự, báo cáo, giám sát và đánh giá.

Đồng thời, chương trình sẽ giúp các doanh nghiệp chuyển đổi số toàn diện để tạo ra sản phẩm, dịch vụ, mô hình mới cho doanh nghiệp. Trong giai đoạn đầu, Chương trình sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực như cơ khí, điện tử, chế biến chế tạo, nông nghiệp, chế biến thực phẩm…

Những mục tiêu, tầm nhìn của chương trình này được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đặt rất nhiều kỳ vọng. Ông khẳng định, bên cạnh nguồn lực hỗ trợ ban đầu từ USAID, trong quá trình triển khai cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục tìm kiếm các nguồn lực bổ sung, kể cả nguồn lực từ ngân sách, đồng thời thực hiện xã hội hóa cách làm để có thể hỗ trợ được tối đa và tiếp cận được với toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước.

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Việt Long cũng đánh giá cao mục tiêu của Chương trình khi chú trọng vào việc thay đổi nhận thức về chuyển đổi số cho 100% doanh nghiệp.

“Có những doanh nghiệp lớn, nhưng nhận thức về áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số còn họ rất hạn chế. Thậm chí, một số doanh nghiệp còn không có bộ phận công nghệ thông tin riêng. Do đó, chuyển đổi số quan trọng nhất chính là con người”, ông Long nhận định.

Đến 2025, 100% doanh nghiệp Việt Nam được tiếp cận chuyển đổi số
Đây là mục tiêu của Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể "đuổi kịp, bắt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư