Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 01 tháng 11 năm 2024,
Hoàn thiện chính sách về phòng tránh vỡ nợ trái phiếu
Việt Nam có thể đúc kết bài học kinh nghiệm của thế giới để hoàn thiện chính sách về phòng tránh hiệu quả vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp.
Việc một doanh nghiệp phát hành trái phiếu vỡ nợ có khả năng làm đứt gãy tính hệ thống, gây ra “hiệu ứng domino” trên thị trường

Thị trường trái phiếu có tính liên kết chặt chẽ với thị trường vốn và là một phần không thể tách rời của thị trường tài chính. Việc một doanh nghiệp phát hành trái phiếu vỡ nợ có khả năng làm đứt gãy tính hệ thống, gây ra “hiệu ứng domino” trên thị trường. Một số biện pháp đã được các quốc gia thực hiện nhằm phòng tránh vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp, tuy không thể hạn chế triệt để, nhưng phần nào ngăn chặn tác động đối với nền kinh tế.

Chính sách của Hàn Quốc trong bình ổn thị trường trái phiếu

Liên quan đến việc vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp của Dự án công viên giải trí Legoland (tỉnh Gangwon, Hàn Quốc), Chính phủ Hàn Quốc tiến hành phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh các giải pháp bình ổn thị trường trái phiếu, nhằm đạt được 3 mục tiêu: ổn định cung cầu thị trường trái phiếu, cải thiện tính thanh khoản của thị trường, ổn định thị trường bất động sản.

Về ổn định cung cầu thị trường trái phiếu, các tổ chức công bao gồm: Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc và Tập đoàn Khí đốt Hàn Quốc giảm phát hành trái phiếu, tìm kiếm sự hợp tác với các ngành ngân hàng thông qua những khoản vay ưu đãi có bảo lãnh trong nỗ lực giảm bớt những xáo trộn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đồng thời, gia tăng việc mua lại trái phiếu doanh nghiệp và thương phiếu đảm bảo bằng tài sản tài trợ dự án (PF-ABCP ).

Về cải thiện tính thanh khoản của thị trường, Chính phủ Hàn Quốc công bố kế hoạch tài trợ các chương trình gia tăng thanh khoản thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó, thực hiện chính sách mở rộng khả năng mua lại trái phiếu doanh nghiệp từ Quỹ Bình ổn thị trường trái phiếu. Trên thực tế, quỹ này đã nhiều lần tiến hành mua lại trái phiếu doanh nghiệp và thương phiếu bắt đầu từ ngày 24/10/2022, trị giá khoảng 1.600 tỷ won (tương đương gần 1,1 tỷ USD).

Trước những lo ngại về rủi ro vỡ nợ trái phiếu, Chính phủ Hàn Quốc quyết định cải thiện quy mô của Quỹ Bình ổn thị trường trái phiếu thông qua hình thức gọi vốn, do Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) cung cấp thanh khoản cho các định chế tài chính tham gia gọi vốn.

Về ổn định thị trường bất động sản, Chính phủ Hàn Quốc phối hợp với Quỹ Bảo lãnh tín dụng Hàn Quốc (KODIT) triển khai chương trình bảo lãnh khoản vay trị giá 5.000 tỷ won (tương đương gần 3,73 tỷ USD) cho các dự án tài trợ bất động sản có hàng tồn kho nhà chưa bán.

Trung Quốc giảm thiểu ảnh hưởng của vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Thị trường bất động sản của Trung Quốc bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi làn sóng vỡ nợ trái phiếu. Các doanh nghiệp phát hành trái phiếu đứng trước nguy cơ mất khả năng thanh toán, nhiều dự án bất động sản không đủ nguồn lực để tiếp tục.

Điều đó khiến sự lo lắng dâng cao trong số đông người dân vào lĩnh vực bất động sản nói chung, vốn chiếm khoảng 1/4 tổng sản phẩm quốc nội của đất nước; làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường trái phiếu bất động sản nói riêng; và trực tiếp gây ra tình trạng căng thẳng trong việc thanh khoản giữa doanh nghiệp phát hành trái phiếu và trái chủ, giữa chủ đầu tư và người mua bất động sản.

Về ngắn hạn, để xoa dịu những căng thẳng hiện tại, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) - một trong những ngân hàng có giá trị vốn hóa lớn trên thế giới, thuộc sở hữu nhà nước - đã thành lập một quỹ hoàn toàn từ nguồn vốn của CCB để tài trợ cho các dự án bất động sản nội địa đang gặp khó khăn. Quỹ CCB tập trung vào phân khúc thị trường nhà cho thuê, đảm bảo tăng trưởng bền vững trong lĩnh vực bất động sản.

Cùng với đó, nhiều chính sách kinh tế vĩ mô đã được thực hiện. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) chỉ đạo giảm tỷ lệ yêu cầu dự trữ tiền mặt để cung cấp thanh khoản cho thị trường và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo đó, các ngân hàng thương mại Trung Quốc  đồng loạt giảm lãi suất cơ bản cho khoản vay.

Chính phủ Trung Quốc cũng triển khai những chính sách thuế hấp dẫn, kích ứng nhu cầu mua nhà của người dân. Tiêu biểu là quy định những cư dân mua nhà ở mới trong vòng một năm sau khi bán nhà cũ, sẽ được hoàn thuế thu nhập cá nhân đối với lợi nhuận từ việc bán nhà.

Vào tháng 9/2022, Bộ Chính trị Trung Quốc đã thông qua Quỹ Cứu trợ bất động sản trị giá 200 tỷ nhân dân tệ nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng thanh khoản đang lan rộng của ngành bất động sản nước này. Về cơ chế hoạt động, quỹ này giải ngân thông qua hệ thống ngân hàng với các chính sách giảm lãi và sẽ trực tiếp liên hệ với nhà thầu để ký hợp đồng thỏa thuận.

Trong dài hạn, Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ doanh nghiệp giảm áp lực trái phiếu đáo hạn thông qua 2 phương án: sử dụng hợp đồng hoán đổi trái phiếu áp dụng đối với gần 79% các vụ vỡ nợ trái phiếu quốc tế; gia hạn nợ áp dụng trong các vụ vỡ nợ nội địa, chiếm tỷ lệ khoảng 72%.

Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Một là, ban hành các chính sách quốc gia về phòng tránh vỡ nợ tín dụng nói chung và vỡ nợ trái phiếu nói riêng. Trong đó, xây dựng những quy định cần thiết về tối ưu thị trường trái phiếu Việt Nam thông qua việc cải thiện thanh khoản của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (cân đối tỷ lệ dữ trữ bắt buộc, duy trì ổn định chính sách lãi suất quốc gia); đảm bảo sự kết nối hài hòa giữa thị trường trái phiếu và nguồn cung tài chính của các tổ chức tín dụng; xem xét chính sách hoàn thuế thu nhập cá nhân đối với lợi nhuận từ việc bán nhà trong trường hợp mua nhà ở mới trong vòng một năm sau khi bán nhà cũ.

Hai là, đội ngũ nhân sự tài chính và tư vấn pháp lý cần trang bị kiến thức về phòng tránh vỡ nợ trái phiếu và thủ tục xử lý vỡ nợ trái phiếu để cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho các bên liên quan trong quá trình hoạt động trái phiếu doanh nghiệp ở nước ta.

Trên tinh thần minh bạch thông tin và nguyên tắc đã đầu tư thì sẽ có rủi ro, tiến hành trao đổi với trái chủ về tình hình doanh nghiệp, thống nhất các phương án chấp nhận gia hạn nợ đối với phần nợ gốc, phương án tính mức chiết khấu trái phiếu (trái phiếu chiết khấu) cho các doanh nghiệp đang thực hiện những dự án chưa hoàn thành.

Ba là, về giải pháp cơ cấu nợ trái phiếu đến hạn, dựa trên cơ sở hàng đổi hàng, Chính phủ Việt Nam có thể mở rộng chính sách về mặt hàng hoán đổi. Thỏa thuận thực hiện phương pháp sử dụng hợp đồng hoán đổi trái phiếu thành giấy tờ có giá (cổ phiếu doanh nghiệp), quyền tài sản (quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở), tài sản hình thành trong tương lai… Tuy nhiên, với tài sản hình thành trong tương lai, thị trường cần một tổ chức có thẩm quyền giám định về độ tin cậy của tài sản đang thực hiện hoặc đang xác lập quyền sở hữu để trái chủ có đủ cơ sở thông tin và đưa ra quyết định.

Bên cạnh đó, xem xét việc xây dựng các quỹ trái phiếu trên thị trường nhằm hỗ trợ công tác quản lý và điều hành thị trường hiệu quả. Trong đó, 4 tổ chức quỹ được các quốc gia thiết lập bao gồm: Quỹ bình ổn thị trường trái phiếu, Quỹ bảo lãnh trái phiếu, Quỹ hỗ trợ nhà đầu tư trái phiếu và Quỹ cứu trợ thị trường trái phiếu bất động sản. Nguồn vốn hoạt động theo cơ chế sử dụng vốn phân bổ từ ngân sách nhà nước, các khoản ký quỹ do trích lập dự phòng cúa tổ chức phát hành trái phiếu và gọi vốn trên thị trường tài chính, dưới sự quản lý của Bộ Tài chính và giám sát từ cơ quan Chính phủ.

Pháp luật về vỡ nợ trái phiếu tại Việt Nam

Quy định pháp luật về trái phiếu doanh nghiệp nói chung và vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp nói riêng ở nước ta tương đối rõ ràng. Khoản 6, Điều 3, Nghị định 155/2020/NĐ-CP và khoản 1, Điều 4, Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định, trái phiếu doanh nghiệp là loại chứng khoán có kỳ hạn từ 1 năm trở lên do doanh nghiệp phát hành, xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của doanh nghiệp phát hành.

Vỡ nợ trái phiếu xảy ra khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu không thanh toán gốc và lãi trong thời hạn đã định, hay nói cách khác là doanh nghiệp phát hành trái phiếu mất khả năng thanh toán. Pháp luật nước ta quy định, doanh nghiệp nếu không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán, thì được xem là mất khả năng thanh toán.

Trong trường hợp vỡ nợ trái phiếu, thông thường chủ sở hữu trái phiếu (trái chủ) chỉ có thể nhận lại một phần tiền từ phía doanh nghiệp phát hành trái phiếu và từ sự hỗ trợ của Chính phủ (nếu có). Về nguyên tắc phân chia tài sản, đa phần các quốc gia sẽ dựa trên nguyên tắc đối xử bình đẳng trong nghĩa vụ giữa chủ nợ và nhà đầu tư “Pari-Passu”.

Pari-Passu là một điều khoản tiêu chuẩn ngày nay có trong hầu hết các hợp đồng nợ, được biết đến rộng rãi hơn qua vụ kiện giữa Quỹ đầu cơ Elliott và Cộng hòa Peru. Trong hợp đồng trái phiếu doanh nghiệp, điều khoản Pari-Passu nhằm đảm bảo đối xử bình đẳng giữa các chủ nợ trong trường hợp thanh lý tài sản.

Tại Việt Nam, thứ tự phân chia tài sản được quy định tại Điều 54, Luật Phá sản 2014. Theo đó, sau khi hoàn thành các khoản chi phí phá sản, nghĩa vụ đối với Nhà nước và khoản nợ lương người lao động, phần còn lại sẽ được chia theo tỷ lệ phần trăm tương ứng số nợ của từng cá nhân, tổ chức.

Có xảy ra vỡ nợ trái phiếu bất động sản?
Các nhà phân tích FiinRatings (dịch vụ xếp hạng tín nhiệm thuộc FiinGroup) cho rằng, không thể khẳng định là sẽ không xảy ra vỡ nợ trái phiếu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư