Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Hoạt động khởi nghiệp cần vốn và đầu ra sản phẩm
Ngọc Tân - 05/04/2016 22:45
 
Khó khăn lớn nhất hiện nay của việc ươm tạo khởi nghiệp đối với sinh viên đó là vốn và đầu ra cho sản phẩm.
TIN LIÊN QUAN

Sáng 5/4, Hội đồng Điều phối mạng lưới Khởi nghiệp Đà Nẵng đến thăm và làm việc với Lãnh đạo Trường Đại học Duy Tân nhằm tìm hiểu và bàn về việc tăng cường hợp tác trong hoạt động hỗ trợ và và phát triển khởi nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Tại buổi làm việc, ông Võ Duy Khương, Chủ tịch Hội đồng Điều phối mạng lưới Khởi nghiệp Đà Nẵng cho biết, Hội đồng ĐPMLKN thành phố là tổ chức để kết nối các mạng lưới, thành viên nằm trong hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng. Hiện nay Hội đồng bao gồm 59 thành viên, và đã hoạt động được 2 quý, góp phần vào việc hình thành mạng lưới khởi nghiệp đi vào hoạt động, giúp hệ sinh thái nước đầu triển khai được công việc thành phố giao.

Ông Võ Duy Khương - Chủ tịch Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp Đà Nẵng chia sẻ những khó khăn hiện nay đối với hoạt động khởi nghiệp.
Ông Võ Duy Khương - Chủ tịch Hội đồng điều phối mạng lưới Khởi nghiệp Đà Nẵng chia sẻ những khó khăn hiện nay đối với hoạt động khởi nghiệp.

Theo ông Khương:“ Hội đồng đang tập trung xây dựng kế hoạch khởi nghiệp 5 năm, được Ngân hàng phát triển Châu Á ADB tài trợ. Hiện kế hoạch đang ở mức khởi thảo, đến ngày 15/4 sẽ trình lên UBND thành phố để có được 1 chiến lược khởi nghiệp trung hạn, làm cơ sở pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của thành phố”.

Theo nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ, Hiệu trưởng trường ĐH Duy Tân chia sẻ: “Tôi đã nghiên cứu tìm hiểu mô hình khởi nghiệp của Isreal từ rất sớm, và tự hỏi, tại sao việc đào tạo con người ra mà phải đi xin việc chổ này chổ kia? Sao không tạo cho tuổi trẻ suy nghĩ học ra là để tự tạo việc làm. Trước đây khi thành lập trường, chúng tôi đã xác định muốn phát triển trường thì phải có hoạt động khởi nghiệp, làm sao để các em sinh viên là một vườn ươm khởi nghiệp, trở thành 1 doanh nghiệp nhỏ”.

Theo nhà giáo Cơ, trong thời gian tới, trường ĐH Duy Tân vẫn sẽ tiếp tục ưu tiên công tác hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp của sinh viên, đưa hoạt động khởi nghiệp của nhà trường gắn với hoạt động khởi nghiệp của TP Đà Nẵng.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo, chủ nhiệm các khoa- trung tâm của Đại học Duy Tân đã trình bày những thành quả nghiên cứu khoa học, những sản phẩm khoa học của sinh viên và giảng viên trường trong quá trình ươm tạo khởi nghiệp. Một số sản phẩm đã được đưa vào ứng dụng thực tế và được doanh nghiệp tiếp nhận đạt hiệu quả như Robot cắt cỏ, máy cuốn gạch dẫn lưu tự động, robot kiểm tra mối hàn và những khuyết tật của sắt, thiết bị giữ xe thông minh…

Tuy nhiên, theo các giảng viên, khó khăn lớn nhất hiện nay của việc ươm tạo khởi nghiệp đối với sinh viên trường Duy Tân đó là vốn đầu tư khởi nghiệp và công tác “chuyển sản phẩm ra thị trường”.

Tiến sĩ Hà Đắc Bình, Giám đốc Trung tâm Điện –Điện tử, Trường ĐH Duy Tân cho biết:“ Đơn vị chúng tôi chuyên nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ chứ chúng tôi không có mối quan hệ, không có nghiệp vụ quản lý, kinh doanh tìm kiếm đối tác thị trường. Chúng tôi rất cần đầu ra cho sản phẩm, cần doanh nghiệp có thể nhận chuyển giao sản phẩm, để sản phẩm có thể ra thị trường, cạnh tranh được với sản phẩm ngoại. Còn nếu chỉ nghiên cứu, sản xuất ra sản phẩm nhỏ lẻ thì thực tế giá rất cao, chúng tôi không có khả năng thu hồi vốn. Chúng tôi rất mong được Hội đồng sẽ có thể làm cầu nối kết nối được với các doanh nghiệp có nhu cầu để sản xuất đồng loạt ra thị trường, đến với người tiêu dùng”.

Trước những ý kiến của phía ĐH Duy Tân, ông Võ Duy Khương chia sẻ những khó khăn trên và cho biết hiện nay Hội đồng ĐPMLKN chỉ có vai trò huy động nguồn lực, kết nối, tham mưu tư vấn cho Uỷ ban chứ quỹ hiện nay không có, còn đối vớ Quỹ hỗ trợ khơi nghiệp thành phố thì vẫn phải chờ thành phố phê duyệt. Theo ông Khương, hiện nay Ngân hàng ADB đã đồng ý xem xét hỗ trợ thành phố với đề án khởi nghiệp giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên ADB yêu cầu khi triển khai đề án thì cần sự thống nhất của UBND thành phố Đà Nẵng với Bộ Tài chính, sau đó Bộ Tài chính bảo lãnh thì ADB sẽ xem xét cho vay với lãi suất 2%.

“Hiện nay ở nước ta, hoạt động khởi nghiệp chỉ mới bắt đầu, thực tế làm chậm lắm vì chưa có chính sách cụ thể cho hoạt động này”, ông Khương cho biết.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư