Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Hoạt động sản xuất của Trung Quốc suy giảm 4 tháng liên tiếp
Đông Phong - 31/07/2023 18:07
 
Hoạt động sản xuất của Trung Quốc trong tháng 7 đánh dấu tháng sụt giảm thứ tư liên tiếp, trong khi hoạt động phi sản xuất cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm.
Công nhân làm việc bên dây chuyền lắp ráp xe điện tại nhà máy ô tô BYD ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: AFP
Công nhân làm việc bên dây chuyền lắp ráp xe điện tại nhà máy ô tô BYD ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Dữ liệu được Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 31/7 cho thấy chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) chính thức trong lĩnh vực sản xuất chế tạo của nước này chỉ đạt 49,3 điểm trong tháng 7. Tháng trước, chỉ số này đạt 49,0 điểm, trong khi hai tháng trước đó lần lượt đạt 49,2 và 48,8 điểm.

Mặc dù chỉ số PMI tháng 7 tốt hơn một chút so với dự báo trung bình 49,2 điểm trong một cuộc thăm dò của Reuters, tuy nhiên nó cũng cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn trong việc phục hồi đà tăng trưởng do nhu cầu toàn cầu suy yếu.

Đối với lĩnh vực phi sản xuất chế tạo, chỉ số PMI chính thức trong tháng 7 đã xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm, chỉ đạt 51,5. Chỉ số này trước đó lần lượt đạt 53,2 điểm vào tháng 6, 54,5 điểm vào tháng 5 và 56,4 điểm vào tháng 4. Cần lưu ý rằng chỉ số PMI dưới 50 điểm cho thấy hoạt động của ngành/lĩnh vực đã bị thu hẹp trong kỳ khảo sát.

"Mặc dù chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất chế tạo của Trung Quốc đã nhích lên 49,3% trong tháng này, nhưng một số doanh nghiệp được khảo sát đã cho biết rằng môi trường bên ngoài hiện nay rất phức tạp và khắc nghiệt, các đơn đặt hàng ở nước ngoài đã giảm và nhu cầu không đủ vẫn là khó khăn chính mà họ đối mặt", Zhao Qinghe, một quan chức cấp cao của Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc, nêu trong thông cáo ngày 31/7.

Những số liệu trên chỉ ra con đường phục hồi kinh tế của Trung Quốc còn "khúc khuỷu" như các nhà lãnh đạo hàng đầu của nước này mô tả vào tuần trước. Họ nhận định rằng tình hình hiện nay là do nhu cầu trong nước chưa đủ mạnh, khó khăn trong hoạt động của một số doanh nghiệp, nhiều rủi ro và nguy cơ tiềm ẩn trong các lĩnh vực then chốt cũng như môi trường bên ngoài phức tạp.

Các chỉ số phụ về việc làm trong cả lĩnh vực sản xuất chế tạo và phi sản xuất đều giảm trong tháng 7. Điều này phản ánh tình trạng suy yếu kéo dài khi tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc liên tục tăng lên mức kỷ lục. Theo Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc, dịch vụ - lĩnh vực chính sử dụng lao động trẻ - đã chứng kiến chỉ số phụ trong tháng 7 giảm 1,3 điểm phần trăm so với tháng trước.

Kỳ vọng kinh doanh của các lĩnh vực phi sản xuất chế tạo cũng giảm so với tháng 6. Tuy nhiên, chỉ số kỳ vọng hoạt động sản xuất và kinh doanh tương tự đối với lĩnh vực sản xuất chế tạo đã tăng 1,7 điểm phần trăm so với tháng 6, điều này được Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc lý giải là nhờ hỗ trợ chính sách phát triển doanh nghiệp tư nhân và mở rộng nhu cầu trong nước.

"Hỗ trợ chính sách (của chính quyền Trung Quốc - BTV) sẽ đem lại sự thay đổi vào cuối năm nay. Nhưng với việc các quan chức có cách tiếp cận hạn chế đối với kích thích kinh tế, thì bất kỳ sự tăng tốc nào trong tăng trưởng có thể sẽ ở mức khiêm tốn", ông Julian Evans-Pritchard, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường Trung Quốc tại công ty nghiên cứu kinh tế độc lập Capital Economics (Vương quốc Anh) nhận định.

Trung Quốc công bố thêm biện pháp thúc đẩy kinh tế
Trung Quốc đang triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế trước thềm cuộc họp quan trọng của Bộ Chính trị trong tuần này để đánh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư