Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Hồi hộp ngóng giá bán của Dự án Điện khí LNG Bạc Liêu
Thanh Hương - 24/02/2022 15:22
 
Chủ đầu tư dự án điện khí LNG Bạc Liêu hiện vẫn chưa có bản chào giá bán điện chính thức của dự án gửi kèm với các tài liệu tính toán tới bên mua điện.

Vẫn chưa chốt giá điện

Dự án điện khí LNG Bạc Liêu từng gây được chú ý trong dư luận với thông tin bán điện với giá khoảng 7 UScent/kWh.  

Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Công Thương, ngày 2/12/2018, UBND tỉnh Bạc Liêu có tờ trình số 218/TTr-UBND đề xuất cho phép bổ sung dự án Nhà máy điện LNG Bạc Liêu vào Quy hoạch điện Quốc gia. Dự án do Công ty Delta Offshore Energy PTE.LTD (DOE) và các đối tác đầu tư (công nghệ tua bin khí chu trình kết hợp) có tổng công suất 3.200 MW (4 tổ máy) được xây dựng tại xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu; địa điểm kho cảng LNG nằm trên vùng biển tỉnh Bạc Liêu, cách vị trí nhà máy điện 35 km.

Dự kiến thời gian khởi công vào năm 2020, đưa vào vận hành tổ máy 1 vào năm 2024, tổ máy 2 năm 2025 và tổ máy 3-4 năm 2026. Sau khi đi vào vận hành, nhà máy sẽ cung cấp khoảng 9 tỷ kWh/năm, mức giá bán điện khoảng 7 cents/kWh.

Ngày 9/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc bổ sung dự án vào quy hoạch (Thông báo số 135/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ).

Ngày 15/8/2019,  tại Văn bản số 24/BL-LNG gửi Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu (có gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương), Công ty Delta Offshore Energy (DOE - Nhà đầu tư đề xuất dự án) khẳng định cam kết giá bán điện của dự án là khoảng 7 UScent/kWh.

Tiếp đó, Dự án đã được trao Quyết định chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty TNHH Delta Offshore Energy Pte. Ltd (DOE Singapore) tại tỉnh Bạc Liêu vào ngày 21/1/2020.

Dự án điện khí LNG có kế hoạch sẽ khởi công trong quý II/2022
Dự án điện khí LNG có kế hoạch sẽ khởi công trong quý II/2022

Dẫu kế hoạch mới nhất của dự án này là khởi công vào quý II/2022 nhưng hiện tại Dự án điện khí LNG Bạc Liêu vẫn chưa đàm phán được giá bán điện.

Cụ thể, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong tháng 1/2022 đã có công văn gửi tới cơ quan chức năng cho hay, hiện tại, EVN nhận được nhiều thông tin khác nhau về giá điện của dự án này.

Theo báo cáo của EVN tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây thì tại Quyết định 10/QĐ-UBND ngày 16/1/2020 của UBND tỉnh Bạc Liêu, giá điện của dự án là khoảng 07 UScent/kWh.

Tuy nhiên, tại văn bản 07/EVN-LNG ngày 16/12/2020 nhà đầu tư gửi EVN thì nhà đầu tư đề xuất mức giá bán điện là 7,9 UScent/kWh.

Tại văn bản 2304/UBND-TH ngày 14/6/2021  của UBND tỉnh Bạc Liêu, có đề cập nhà đầu tư có thể cam kết mức giá điện hiện nay là khoảng 7 UScent/kWh.

Sau đó, tại văn bản 3326/UBND-TH ngày 9/8/2021 của tỉnh Bạc Liêu cáo cáo Thủ tướng Chính phủ có nêu rằng, nhà đầu tư đang chào giá đàm phán với EVN là 7,9 Uscent/kWh.

Theo EVN cho hay, EVN và nhà đầu tư đã trao đổi về Hợp đồng mua bán điện (PPA) từ tháng 8/2020. Tuy nhiên cho đến nay, dù EVN nhiều lần yêu cầu nhưng chủ đầu tư vẫn chưa gửi cho EVN bản chào giá điện chính thức của dự án, kèm theo các tài liệu tính toán theo quy định tại Thông tư 57/TT-BCT của Bộ Công thương.

Do vậy, hiện EVN cũng chưa có cơ sở để đánh giá mức  giá điện của dự án là thấp hơn so với giá đề xuất của một số dự án điện khí LNG khác.

EVN cũng cho hay, sẽ nghiên cứu, phân tích, đánh giá giá mua điện của Dự án điện khí LNG Bạc Liêu và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét sau khi nhà đầu tư có bản chào giá điện chính thức gửi tới EVN, tuân thủ theo theo quy định tại Thông tư 57/TT-BCT và các điều kiện.

Chuyện của hai doanh nghiệp Việt Nam 

Đối với vấn đề chủ thể ký kết PPA, phía EVN cũng cho rằng, PPA sẽ được ký kết giữa EVN và Doanh nghiệp dự án, mà ở đây là Công ty TNHH Điện khí Bạc Liêu - được thành lập ngày 16/1/2021 tại Bạc Liêu và là pháp nhân Việt Nam.

Do đó, các quyền và nghĩa vụ của EVN theo PPA là quyền và nghĩa vụ đối với Doanh nghiệp dự án chứ không phải đối với Nhà đầu tư.

Do dự án được thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư, nên EVN cũng cho rằng, sẽ không có cam kết bằng văn bản giữa Cơ quan nhà nước có thẩm quyền với Nhà đầu tư.

Quyền lợi cho Nhà đầu tư được đảm bảo bằng quy định của pháp luật mà sẽ không có các cam kết khác ngoài các quy định của pháp luật.

Cũng để xác định Luật áp dụng của PPA, EVN cho rằng, cần thiết phải xác định hai chủ thể tham gia PPA này là hai pháp nhân Việt Nam, đó là Doanh nghiệp dự án và EVN.

Ở trường hợp này, Doanh nghiệp dự án là doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam, có vốn điều lệ là 1 triệu USD, do Nhà đầu tư nước ngoài là Công ty Delta Offshore Energy Pte. Ltd (thành lập năm 2018 tại Singapore có vốn điều lệ 4%) sở hữu 100% vốn điều lệ.

Theo nghiên cứu của EVN, Bộ Luật Dân sự 2015 có Phần 5 quy định áp dụng pháp luật trong các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Như vậy, các quan hệ pháp luật không có yếu tố nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam phải áp dụng Luật Việt Nam.

Do PPA là quan hệ giữa hai pháp nhân Việt Nam, nên theo quy định của Bộ Luật Dân sự, luật áp dụng phải là Luật Việt Nam.

Với thực tế khoản 5 Điều 5 Luật đầu tư có quy định, đối với hợp đồng trong đó có ít nhất 1 bên tham gia là nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư, các bên có thể thoả thuận trong hợp đồng việc áp dụng pháp luật nước ngoài hoặc tập quán đầu tư quốc tế nếu thoả thuận đó không trái với quy định của pháp luật Việt Nam.

“Ở trường hợp Dự án điện khí LNG Bạc Liêu, theo Luật Đầu tư, Doanh nghiệp dự án thuộc đối tượng là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài nằm trên 50% vốn điều lệ theo khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư nhưng nếu chọn việc áp dụng pháp luật nước ngoài với PPA thì lại trái với quy định của Bộ Luật Dân sự đối với cam kết về luật áp dụng”, là nhận xét của EVN tới cơ quan hữu trách.

Ở một khía cạnh khác, Luật PPP quy định, luật áp dụng là luật Việt Nam đối với các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, trong đó có các dự án điện theo phương thức đối tác công tư.

Theo EVN, về bản chất, các dự án điện được thực hiện theo phương thức đối tác công tư cũng là các dự án điện có vốn đầu tư nước ngoài, bán điện cho EVN, tương tự Dự án điện khí LNG Bạc Liêu.

Bởi vậy, theo EVN nếu chọn luật nước ngoài cho PPA của Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu, trong khi các dự án khác đầu tư theo phương thức PPP sẽ áp dụng Luật Việt Nam (theo quy định của Luật PPP) thì sẽ trái với nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều 3 Bộ Luật Dân sự.

Đó là “mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản”.

Đó là chưa kể, EVN cũng đã nhận được văn bản 7324/BCT-ĐTĐL (ngày 18/11/2020) của Bộ Công thương nhắc nhở, yêu cầu Nhà đầu tư và EVN thực hiện đàm phán đúng quy định tại Thông tư 57/TT-BCT, theo đó, luật áp dụng của mẫu Hợp đồng mua bán điện (PPA) là Luật Việt Nam. 

Trước thực tế có nhiều luật và quy định ngang nhau và chồng chéo này, EVN cũng cho hay, theo quy định hiện hành của pháp luật, EVN không có cơ sở để thoả thuận lựa chọn luật áp dụng cho PPA là luật nước ngoài nếu không có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước.

“Kinh nghiệm từ các PPA của các dự án điện BOT trước khi có Luật PPP ra đời cho thấy, để PPA được áp dụng luật nước ngoài, cần phải có văn bản hướng dẫn của Chính phủ, quy định rõ các bên được quyền lựa chọn áp dụng luật nước ngoài”, báo cáo của EVN nêu rõ.

Nhà đầu tư điện vẫn chưa thể tiêu tiền thật
Các dự án điện để thực sự bắt tay xây dựng nhà máy chính, thì các công việc được giới chuyên môn đánh giá là “rất ngổn ngang” và “chưa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư