Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 11 tháng 09 năm 2024,
Hơn 32% trẻ dưới 5 tuổi tại TP.HCM được tiêm chủng vắc-xin sởi
D.Ngân - 11/09/2024 10:22
 
Tại TP.HCM, hiện có 19.821 trẻ từ 1 đến 5 tuổi được tiêm vắc-xin sởi, chiếm tỷ lệ 32,6% trên tổng số 60.733 trẻ thuộc diện phải tiêm theo kế hoạch chủ động ứng phó dịch bệnh sởi trên địa bàn Thành phố.

Theo dữ liệu từ Hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia, tổng số trẻ từ 1 tuổi đến 5 tuổi sinh sống trên địa bàn TP.HCM được quản lý trong Chương trình tiêm chủng mở rộng là 437.412 trẻ, và theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (năm 2022), khi dịch sởi bùng phát lan rộng thì nên chọn phương án tiêm bổ sung vắc-xin cho tất cả các trẻ, không kể tiền sử tiêm chủng trước đó.

Tỷ lệ tiêm vắc-xin sởi vẫn thấp.

Theo đó, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 4959/KH-UBND ngày 27/8/2024 về chủ động ứng phó dịch bệnh sởi trên địa bàn Thành phố, giai đoạn đầu ưu tiên tập trung tiêm vắc-xin sởi cho tất cả trẻ em đang sinh sống tại những quận, huyện có số ca mắc sởi cao (Bình Chánh, Hóc Môn, Bình Tân, TP Thủ Đức…) dự kiến khoảng 263.640 trẻ.

Qua giám sát tình hình trẻ mắc sởi trên địa bàn Thành phố từ khi công bố dịch với số ca mắc mới trung bình mỗi ngày là khoảng 20 trẻ và hầu hết đều chưa được tiêm đủ mũi vắc-xin phòng bệnh sởi, phát huy tinh thần thích ứng an toàn,linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả từ hoạt động phòng chống đại dịch Covid-19, phương án tiêm bổ sung vắc-xin cho tất cả các trẻ, không kể tiền sử tiêm chủng trước đó đã được Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh TP.HCM điều chỉnh sang phương án tiêm vắc-xin sởi cho những trẻ chưa được tiêm đủ mũi.

Phương án này được sự đồng thuận và thống nhất cao tại buổi làm việc của Đoàn công tác của Bộ Y tế và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh TP vào ngày 29/8/2024 với sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương và bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó chủ tịch UBND TP.HCM.

Như vậy, một yêu cầu quan trọng đặt ra đòi hỏi tất cả UBND quận, huyện và TP. Thủ Đức và các sở, ban ngành liên quan (Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) phải phối hợp chặt chẽ và đẩy nhanh tiến độ rà soát thực tế, lập danh sách trẻ từ 1 tuổi đến 10 tuổi chưa được tiêm đủ mũi (không phân biệt thường trú và tạm trú) và vận động đưa trẻ đi tiêm.

Bên cạnh đó, Sở Y tế phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo cần khẩn trương triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin sởi cho tất cả trẻ chưa tiêm đủ trong thời gian ngắn nhất để sớm tái lập miễn dịch trong cộng đồng góp phần chấm dứt dịch sởi.

Căn cứ vào số liệu trẻ được quản lý trên Hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia, ước tính số trẻ từ 1 đến 5 tuổi chưa được tiêm đủ mũi vắc-xin sởi trên địa bàn Thành phố là 60.733 trẻ.

Đối với trẻ từ 6 đến 10 tuổi, theo thông tin của Sở Giáo dục và Đào tạo, số trẻ đi học từ lớp 1 đến lớp 5 là 633.036 trẻ (số liệu năm học 2023-2024).

Nếu ước tính số trẻ chưa được tiêm đủ mũi chiếm 10% tổng số trẻ (tỷ lệ chưa tiêm đủ số mũi vắc-xin sởi ở độ tuổi này chắc chắn thấp hơn so với nhóm trẻ từ 1 tuổi đến 5 tuổi) thì số trẻ từ 6 tuổi đến 10 tuổi phải tiêm trong chiến dịch dự kiến là khoảng 63.303 trẻ.

Như vậy, số trẻ từ 1 đến 10 tuổi cần tiêm vắc-xin sởi trong chiến dịch ước tính khoảng gần 125.000 trẻ (bao gồm 60.733 trẻ 1 tuổi đến 5 tuổi và 63.303 trẻ 6 tuổi đến 10 tuổi).

Tính đến hết ngày 9/9/2024, TP.HCM đã có 19.821 trẻ từ 1 đến 5 tuổi được tiêm vắc-xin sởi, chiếm tỷ lệ 32,6% đối với nhóm trẻ từ 1-5 tuổi, và chiếm 15% trong nhóm trẻ từ 1 đến 10 tuổi.

Nhằm thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch sởi, đảm bảo trẻ được tiếp cận với vắc-xin càng sớm càng tốt và an toàn, 70% số trẻ từ trẻ 1 đến 5 tuổi còn lại và nhóm trẻ từ 6 tuổi đến 10 tuổi chưa được tiêm đủ mũi cần phải đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin trong 3 tuần còn lại của tháng 9/2024.

Riêng đối với trẻ từ 6 tuổi đến 10 tuổi trong diện phải tiêm vắc-xin phải được triển khai đồng loạt từ tuần thứ 3 của tháng 9/2024. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch sởi Thành phố yêu cầu UBND TP.Thủ Đức, quận, huyện chỉ đạo UBND phường, xã, thị trấn và các ban, ngành, đoàn thể (cảnh sát khu vực, ban điều hành khu phố/ấp) và huy động mạng lưới công tác viên sức khỏe cộng đồng, cộng tác viên dân số trên địa bàn tập trung thực hiện “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” lập danh sách trẻ từ 1 tuổi đến 10 tuổi chưa được tiêm đủ mũi (không phân biệt thường trú và tạm trú) và vận động đưa trẻ đi tiêm. 

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ tiêm với nhiều điểm tiêm trên địa bàn (tại trường học, trạm y tế, bệnh viện, cơ sở tư nhân…) và thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn tiêm chủng.

Các chuyên gia y tế cho rằng, sởi được coi là mối đe dọa toàn cầu bởi virus sởi thuộc họ Paramyxoviridae có tính lây lan nhanh chóng qua đường hô hấp từ người bệnh sang người khỏe mạnh trong cộng đồng hoặc thậm chí xuyên biên giới.

Sởi nguy hiểm bởi chúng không chỉ gây ra các triệu chứng cấp tính mà còn khiến người bệnh có nguy cơ viêm nhiễm hệ thống thần kinh, rối loạn hệ vận động, tổn thương đa cơ quan trong cơ thể, có thể để lại nhiều biến chứng nặng nề, kéo dài thậm chí là suốt đời cho người bệnh như viêm não, viêm màng não, viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, viêm loét giác mạc, mù lòa…

Bên cạnh đó, sởi còn đặc biệt nguy hiểm bởi có khả năng xóa trí nhớ miễn dịch, phá hủy trung bình khoảng 40 loại kháng thể có khả năng chống chọi lại các tác nhân gây bệnh.

Ở trẻ em, một nghiên cứu của nhà di truyền học Stephen Elledge tại Đại học Havard vào năm 2019 đã chỉ ra sởi loại bỏ từ 11% đến 73% kháng thể bảo vệ ở trẻ em.

Tức khi mắc bệnh sởi, hệ thống miễn dịch của người bệnh sẽ bị phá hủy và thiết lập trở lại trạng thái ban đầu non nớt, chưa hoàn thiện như đứa trẻ vừa sinh ra.

Để giảm thiểu rủi ro cũng như ngăn chặn dịch sởi quay trở lại, WHO nhấn mạnh tiêm chủng là biện pháp duy nhất để bảo vệ trẻ em và người lớn khỏi căn bệnh nguy hiểm tiềm tàng này. Các quốc gia trên thế giới bắt buộc phải đạt được và duy trì tỷ lệ bao phủ trên 95% với 2 liều vắc-xin sởi.

Bác sỹ Bùi Thị Việt Hoa, hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec cho rằng, trẻ em và người lớn cần chủ động tiêm ngừa vắc-xin sởi đầy đủ và đúng lịch để giúp cơ thể sản sinh kháng thể đặc hiệu với virus sởi, giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh sởi và các biến chứng nặng nề, hiệu quả vượt trội đến 98%.

Bên cạnh đó, theo bác sỹ Việt Hoa, mỗi người cần chủ động vệ sinh mắt, mũi, họng bằng nước sát khuẩn mỗi ngày. Hạn chế tụ tập nơi đông người, tránh tiếp xúc gần với những người có biểu hiệu mắc bệnh sởi hoặc nghi ngờ mắc bệnh, đồng thời không dùng chung vật dụng cá nhân với người mắc bệnh. Giữ vệ sinh không gian sống và bổ sung thực phẩm giúp tăng cường hệ miễn dịch.

Nếu thấy có các triệu chứng của bệnh sởi (sốt, chảy nước mũi, ho khan, mắt đỏ, nhạy cảm với ánh sáng, phát ban khắp cơ thể), cần nhanh chóng đến các trung tâm hoặc cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và điều trị kịp thời.

Kiểm soát dịch sởi, vẫn khó vì tiêm chủng thấp?
Dịch sởi tại TP.HCM vẫn đang phức tạp song theo ghi nhận tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin vẫn chưa đạt kỳ vọng, điều này sẽ có ảnh hưởng đến...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư