Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Hợp tác xã nông nghiệp rất nhiều, nhưng ăn nên làm ra không bao nhiêu
Khánh Linh - 27/05/2023 13:14
 
Một trong những khó khăn rất lớn của các hợp tác xã nông nghiệp hiện nay là việc tiếp cận đất đai.

Trong phiên thảo luận tại hội trường về những điểm còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) trong tuần vừa rồi, đại biểu Nguyễn Văn Thi, đoàn Bắc Giang dành nhiều thời gian phát biểu để nhắc đến những khó khăn - mà tbeo ông là rất lớn mà hợp tác xã nông nghiệp đang đối mặt.

Đại biểu Nguyễn Văn Thi, đoàn Bắc Giang

“Nhiều hợp tác xã, nhất là các hợp tác xã nông nghiệp không có đất để xây dựng trụ sở và các công trình phục vụ sản xuất, kinh doanh, không có tài sản đảm bảo tiền vay và rất khó khăn trong việc vay vốn từ các tổ chức tín dụng”, đại biểu nhấn mạnh.

Theo Báo cáo tổng kết thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 2013 đến năm 2021, cả nước chỉ có 286 hợp tác xã được giao 5 triệu m2 đất, tương đương khoảng 1,75 ha/hợp tác xã; 1.804 hợp tác xã được cho thuê 10,5 triệu m2 đất, tương đương 0,58 ha/hợp tác xã.

Đại biểu phân tích, cả tỷ lệ hợp tác xã được giao đất, cho thuê đất và diện tích được giao hoặc cho thuê trên một hợp tác xã là rất thấp. Nguyên nhân là do các địa phương không có quỹ đất công để giao hoặc cho thuê. Đây là lý do của tình trạng mà đại biểu đã nói là hợp tác xã nông nghiệp không có đất để xây dựng trụ sở...

Do đó, ngoài chính sách ưu tiên, ưu đãi cho tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuê đất được quy định tại Điều 21, các chính sách hỗ trợ tập trung đất đai, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, đại biểu đề nghị dự thảo luật cần bổ sung quy định về tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp được ưu tiên hỗ trợ chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất xây dựng trụ sở làm việc và hạ tầng, đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh như: Xây dựng nhà kho, nhà xưởng, cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản...

Về chính sách hỗ trợ về đất đai, đại biểu Vũ Thị Liên Hương, đoàn Quảng Ngãi, nhắc đến Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, với nôi dung "xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức kinh tế tập thể tích tụ đất đai trong sản xuất, kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp để hình thành chuỗi sản xuất, cung ứng dịch vụ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp quy mô lớn".

Đại biểu Vũ Thị Liên Hương, đoàn Quảng Ngãi

Tuy nhiên, Điều 21 của Dự thảo luật chỉ mới quy định về ưu tiên bố trí quỹ đất, thuê đất, miễn, giảm tiền thuê đất, được sử dụng đất ổn định, chưa thể chế hóa đầy đủ quan điểm về tích tụ đất đai.

“Đây là vấn đề hết sức quan trọng đối với hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp để hình thành chuỗi sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp quy mô lớn, do đó đề nghị nhất thiết phải quy định rõ ràng, cụ thể hơn, thuận lợi hơn về tích tụ đất trong lĩnh vực nông nghiệp”, đại biểu Hương bày tỏ quan điểm.

Liên quan đến nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp, đề nghị ngoài chính sách hỗ trợ cho hợp tác xã vừa và nhỏ thì phải có chế độ, chính sách đặc thù đối với hợp tác xã nông nghiệp.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp

“Ở nước ta, hợp tác xã nông nghiệp rất nhiều, nhưng ăn nên làm ra không bao nhiêu, mà hoạt động cầm chừng, hoạt động yếu ớt, suy dinh dưỡng khá nhiều, do những hợp tác xã này khó tiếp cận được nguồn vốn, khó tiếp cận được đất đai. Nếu chính sách của Nhà nước không ưu tiên giải quyết tốt cho hợp tác xã nông nghiệp về đất đai, về nguồn vốn thì tôi nghĩ hợp tác xã nông nghiệp của chúng ta rất khó phát triển...”, đại biểu Hòa lý giải.

Ông cũng lo ngại, nếu không có cơ chế hỗ trợ phù hợp, sẽ khó kêu gọi thành lập hợp tác xã nông nghiệp.

Theo lịch trình làm việc của Quốc hội, các đại biểu sẽ biểu quyết thông qua Luật Hợp tác xã (sửa đổi) vào thứ Ba, ngày 20/6.

Tiếp thu tối đa ý kiến xác đáng, hoàn thiện Dự án Luật Hợp tác xã
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra chính thức Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư