Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 15 tháng 12 năm 2024,
Hưởng ngân sách đi học vi mạch, bán dẫn, AI mà không phục vụ nhà nước thì phải đền bù
Nhiệt Băng - 14/12/2024 20:58
 
Một số đại biểu HĐND thành phố Đà Nẵng cho rằng, khi Thành phố bỏ chi phí hỗ trợ đào tạo ngành này, mà các cá nhân không phục vụ cho Thành phố, thì phải đền bù gấp nhiều lần, để tránh tình trạng “chảy máu chất xám”.
Thành phố Đà Nẵng Khởi động Chương trình đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn.
Thành phố Đà Nẵng Khởi động Chương trình đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn trong năm 2024.

HĐND Thành phố Đà Nẵng khóa X (kỳ họp thứ 21) vừa biểu quyết thông qua Nghị quyết quy định chính sách phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) với tỷ lệ đại biểu tán thành là 88%.

Đáng chú ý, vì đây là lĩnh vực mới nên một số nội dung dự thảo Nghị quyết này thu hút nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi của các đại biểu.

Đại biểu Lê Văn Dũng nhắc lại, trước đây, Đà Nẵng có Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922) về việc cử cán bộ đi đào tạo. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, các cán bộ này phải phục vụ thành phố tối thiểu 5 năm, nếu thực hiện không đúng thì phải đền gấp đôi hợp đồng.

Nhìn nhận từ thực tiễn thực hiện Đề án 922, ông Dũng cho rằng, những cá nhân được thành phố hỗ trợ 100% chi phí đào tạo mà sau này không phục vụ cho Thành phố, thì nên quy định mức chi phí họ đền bù phải gấp 5 lần chi phí Thành phố bỏ ra để đào tạo, để tránh tình trạng “chảy máu chất xám”.

Một số đại biểu cũng cho rằng cần có chế tài, buộc các cá nhân được hỗ trợ 100% chi phí đào tạo phải có cam kết rõ ràng. “Đây là ngành đột phá để Đà Nẵng vươn lên trong kỷ nguyên mới, nên nếu chúng ta không chế tài thì rất dễ bị các cá nhân lợi dụng chính sách để làm việc nơi khác”, đại biểu Thích Huệ Vinh ý kiến.

Nhìn nhận ở góc độ khác, đại biểu Lê Phú Nguyện nêu quan điểm: “Khi tạo lập một chính sách mới, thì khó thỏa mãn được hết những rào cản, chế tài mà chúng ta đặt ra. Ngay cả Đề án 922, qua gần 15 năm thực hiện cũng thay đổi liên tục. Đến nay, Đề án này vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nên chúng ta đòi hỏi một cách tuyệt đối thì rất khó. Trong thực tế khi chúng ta đặt ra rào cản về thời hạn và đền bù lại có rất nhiều trường hợp khác nhau. Có những cái họ rất muốn cùng chính quyền theo đuổi mục tiêu ban đầu, nhưng thực tế cuộc sống không phải như thế. Cuối cùng, chính quyền cũng tìm cách thay đổi để tạo điều kiện cho họ, vì nguyên nhân bất khả kháng”.

Theo ông Nguyện, nếu chỉ nhìn ở góc độ thời gian đi học và đi làm là chưa đủ, mà nên nhìn hết ý nghĩa của Nghị quyết này là sự thúc đẩy của Đà Nẵng đối với lĩnh vực mới, là bệ đỡ của chính quyền đối với khu vực tư nhân, chứ không như cán bộ công chức là đối tượng chúng ta quản lý trực tiếp.

“Mối quan tạo lập chính sách này là mối quan hệ thị trường của những người tham gia. Họ là giảng viên, là nhân viên của doanh nghiệp vi mạch bán dẫn, nên còn chịu sự ràng buộc, cam kết giữa các bên trong chính sách chúng ta tạo lập nữa. Chúng ta phải chấp nhận ở mức độ tương đối, còn đòi hỏi tuyệt đối như quản lý, đào tạo cán bộ, công chức là rất khó. Cho nên, các đại biểu nên ủng hộ bước đầu cho một chính sách rất mới này. Trong quá trình ban hành chính sách luôn luôn có sự điều chỉnh, chứ không ai tạo lập chính sách ban đầu mà đạt được mong muốn ngay. Đây là quyết tâm chính trị của cả thành phố, nên HĐND Thành phố cũng nên chia sẻ và ủng hộ cái này”, ông Nguyện chia sẻ.

Ông Ngô Xuân Thắng, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng đã có kinh nghiệm xây dựng Đề án 922 về việc cử cán bộ đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài về phục vụ Thành phố.

“Chúng ta quy định thời gian phục vụ Thành phố, nếu như không phục Thành phố thì phải đền bù gấp đôi chi phí Thành phố đã bỏ ra đào tạo. Tuy nhiên, sau đó, giải quyết câu chuyện cam kết này cũng rất phức tạp. Chúng ta đặt ra những quy định cụ thể cũng là một ràng buộc khó cho chúng ta trong quá trình thực hiện”, ông Thắng chia sẻ.

Theo ông Thắng, vì đây là nội dung mới, mang tính chất khuyến khích, động viên là chính, nên HĐND Thành phố chỉ thống nhất về mặt chủ trương và giao lại cho UBND Thành phố xây dựng nội dung triển khai cụ thể. “UBND thành phố Đà Nẵng căn cứ chức năng, nhiệm vụ tổ chức thực hiện, cứ đến cuối năm báo cáo HĐND thành phố Đà Nẵng để tham gia giám sát”, ông Thắng đề nghị và cho rằng, việc thực hiện phải linh hoạt.

Dự kiến chi gần 900 tỷ đồng phát triển nguồn nhân lực

Theo Nghị quyết quy định chính sách phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), trong 5 năm tính đến thời điểm tuyển dụng, chuyên gia, nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, AI phải đáp ứng tối thiểu một trong các tiêu chuẩn, gồm:

Đã từng có mức thu nhập từ 1 tỷ đồng/năm đối với người làm việc tại Việt Nam hoặc có mức thu nhập từ 5 tỷ đồng/năm đối với người làm việc ở nước ngoài.

Có học vị tiến sĩ trở lên và có hoạt động khoa học công nghệ liên quan đến lĩnh vực vi mạch bán dẫn, AI.

Có tối thiểu ba năm đảm nhiệm một trong các vai trò quan trọng tại doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, AI có doanh thu toàn cầu từ 2.500 tỉ đồng trở lên; hoặc tại cơ sở giáo dục có ngành thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn, AI nằm trong 400 cơ sở giáo dục hàng đầu thế giới.

Các chuyên gia, nhà khoa học phải được tuyển dụng tại Đà Nẵng với thời gian tối thiểu một năm.

Chính sách đối với các chuyên gia, nhà khoa học này là được hưởng một lần thu nhập ban đầu 100 triệu đồng/tháng đối với người làm việc tại doanh nghiệp, thu nhập tối đa 50 triệu đồng/tháng đối với người làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan Nhà nước.

Được hỗ trợ chi phí lưu trú tại thành phố không quá 20 triệu đồng/tháng, thời gian hỗ trợ không quá một năm.

Hỗ trợ 25 triệu đồng đối với mỗi quyền sở hữu trí tuệ, bằng độc quyền sáng chế đã công bố tại Việt Nam; nếu được công bố quốc tế thì mức hỗ trợ là 50 triệu đồng.

Chính sách thứ hai, Đà Nẵng hỗ trợ doanh nghiệp là đối tác chiến lược trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, AI là hỗ trợ 30% chi phí thuê nhân lực có trình độ chuyên môn cao làm việc tại các doanh nghiệp là đối tác chiến lược trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, AI trong năm năm đầu với tổng mức hỗ trợ tối đa 1 tỷ đồng/năm/doanh nghiệp.

Chính sách thứ ba là các chương trình, dự án được ngân sách thành phố hỗ trợ chi phí đào tạo, bồi dưỡng cho người học chuyên ngành vi mạch bán dẫn, AI.

Người học được cho vay số tiền bằng học phí nộp cho các cơ sở đào tạo với lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội thành phố.

Được miễn 100% số tiền nợ gốc và lãi tiền vay cần phải trả nếu sau khi tốt nghiệp được tuyển dụng và làm việc ít nhất ba năm tại các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn thành phố.

Cá nhân trúng tuyển bồi dưỡng sau tiến sĩ được hỗ trợ kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu tối đa không quá 200 triệu đồng/toàn bộ thời gian đào tạo, bồi dưỡng. Dự kiến tổng kinh phí ngân sách đảm bảo thi hành Nghị quyết trong giai đoạn 2025 - 2030 khoảng 873 tỷ đồng, trung bình 175 tỷ đồng/năm.

Đà Nẵng thông qua loạt Nghị quyết cụ thể hóa Nghị quyết 136 của Quốc hội
Chiều 13/12, kỳ họp thứ 21, HĐND Thành phố Đà Nẵng khóa X đã thông qua loạt Nghị quyết nhằm cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết 136 của Quốc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư