Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Hy vọng mới cho bệnh nhân ung thư
Mộc An - 25/12/2022 09:45
 
Nhiều kỹ thuật mới điều trị ung thư được áp dụng, quá trình nghiên cứu vắc-xin cũng đang được đẩy mạnh, mở ra hy vọng cho các bệnh nhân ung thư.

Với sự phát triển của khoa học, nhiều loại ung thư đã được điều trị thành công. Mới đây, bác sĩ chuyên khoa 1 Trương Phạm Hồng Diễm (Bệnh viện Chợ Rẫy) đã thông tin về kỹ thuật mới tiên tiến nhất trong chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư trên thế giới, đó là liệu pháp miễn dịch tế bào CAR-T (hiện chưa có tại Việt Nam).

Sự ra đời của liệu pháp miễn dịch tế bào CAR-T đã thay đổi mô hình điều trị cho những bệnh nhân u lympho không Hodgkin tái phát/kháng trị. CAR-T mang lại tỷ lệ đáp ứng tới 60 - 90% và khả năng kéo dài thời gian sống (25,8 tháng theo nghiên cứu ZUMA-1) ở những người có bệnh tiến triển. Hàng loạt thử nghiệm lâm sàng sử dụng CAR-T trong điều trị các bệnh ác tính huyết học như bạch cầu cấp, u lympho, đa u tủy... tái phát kháng trị đã mang lại những kết quả rất khả quan.

Ngoài các phương pháp điều trị ung thư truyền thống, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) vừa phê duyệt adstiladrin, liệu pháp gene đầu tiên trị ung thư bàng quang không xâm lấn cơ.

Thông tin về các công nghệ mới trong điều trị ung thư trên thế giới, phát biểu tại Hội thảo Liệu pháp cá thể hoá trong điều trị ung thư, GS. Je-Jung Lee, bác sĩ Khoa Huyết học (Trường Y, Đại học Quốc gia Chonman), Chủ tịch Hội Trị liệu tế bào - miễn dịch, Hiệp hội Cấy ghép máu và tủy Hàn Quốc cho biết, ông cùng các đồng nghiệp nghiên cứu từ năm 2010 về giải pháp tế bào tiêu diệt tự nhiên (NK) và nghiên cứu lâm sàng với 11 bệnh nhân. Nghiên cứu này được công bố trong Tạp chí Quốc tế về miễn dịch. Tỷ lệ phản hồi sau khi sử dụng liệu pháp NK đạt hơn 81%, ổn định trong 3 năm.

Một thông tin khác cũng mở ra hy vọng cho bệnh nhân ung thư là việc nghiên cứu vắc-xin. Nghiên cứu cho thấy, vắc-xin điều trị ung thư dựa trên công nghệ mRNA của Hãng dược Moderna có hiệu quả ngăn ngừa khối u da ác tính.

Kết quả được công bố ngày 13/12/2022 sau thử nghiệm lâm sàng do hai hãng dược Moderna và Meck thực hiện. Các chuyên gia cho biết, vắc-xin Moderna kết hợp với liệu pháp miễn dịch Keytruda giúp giảm 44% nguy cơ tái phát hoặc tử vong của ung thư da.

Có 157 bệnh nhân ung thư giai đoạn 3 hoặc 4, khối u đã được cắt bỏ trước khi điều trị bằng thuốc, vắc-xin, tham gia thử nghiệm. Kết quả cho thấy, sự kết hợp của cả hai sản phẩm nhìn chung an toàn, hiệu quả hơn so với việc chỉ sử dụng đơn lẻ Keytruda. Tác dụng phụ nghiêm trọng xảy ra ở 14,4% tình nguyện viên.

Theo ông Paul Burton, Giám đốc y tế Moderna, hai loại thuốc có thể trở thành mô hình điều trị ung thư mới trong tương lai. Ông cho biết, Hãng có thể sản xuất vắc-xin trong khoảng 8 tuần, hy vọng có thể giảm xuống còn 4 tuần trong thời gian tới. Với cùng công nghệ, đối thủ của Moderna là BioNTech cũng đang hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu Memorial Sloan Kettering thử nghiệm vắc-xin mRNA ngừa ung thư tuyến tụy. Hãng dược khác là Gritstone đang thử nghiệm một loại vắc-xin mRNA tự khuyếch đại, được cá nhân hóa kết hợp với liệu pháp miễn dịch cho bệnh nhân có khối u rắn đang tiến triển.

Các chuyên gia nhấn mạnh, vắc-xin cá nhân hóa là một trong những ý tưởng đầy hứa hẹn trong lĩnh vực điều trị ung thư.

Hà Nội: Đảm bảo cung ứng thuốc, máu cho điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết
Sở Y tế Hà Nội đề nghị các đơn vị đảm bảo cung ứng thuốc, máu và chế phẩm của máu, trang thiết bị, nhân lực cho công tác cấp cứu, điều...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư